Giáo dục - Đào tạo

Tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh: “Thầy” gấp 5 lần “ trò”

Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, số học sinh THCS tại Hà Tĩnh đã giảm đáng kể.


Chỉ còn 15 ngày nữa là khai giảng năm học mới, nhưng ở thời điểm hiện tại, công tác tuyển sinh vào trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp – giáo dục thường xuyên các huyện ở Hà Tĩnh lại đang trong hoàn cảnh “thất bát”, một số trung tâm có nguy cơ trắng học viên vì cạn nguồn tuyển.

“Miếng bánh” chia năm, sẻ bảy
Từ tháng 3/2012, tại Hà Tĩnh, các Trung tâm GDTX cấp quận, huyện sáp nhập với Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề thành Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp – giáo dục thường xuyên (viết tắt là DN, HN-GDTX) do UBND huyện quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 3/11 trung tâm tuyển sinh được trên 100 học sinh, còn 4 trung tâm: Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh và Trung tâm GDTX tỉnh vẫn chưa có học sinh nộp đơn tuyển sinh vào trường.
Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, số học sinh THCS tại Hà Tĩnh đã giảm đáng kể. Theo ông Lê Quang Cảnh, Trưởng phòng kế hoạch tài vụ (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh): “Số học sinh THCS giảm từ 137.195 em (năm 2005-2006) xuống còn 85.864 em năm 2011-2012, tức giảm đến 33,9%”. Còn ông Nguyễn Công Ất – Trưởng phòng khảo thí của Sở cũng cho biết, năm học 2011-2012, tổng số học sinh lớp 9 là 21.682 em và số học sinh tham gia dự thi vào trường THPT công lập là 20.096 em, giảm nhiều so với những năm trước đây.

Năm học 2012-2013, do số lượng học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh giảm mạnh nên nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo phải sáp nhập, nhiều trường THPT có quyết định không tuyển sinh vào lớp 10, các trường THPT Vụ Quang, THPT Huy Cận, THPT Hồng Lam chỉ tuyển sinh được 4-5 lớp…
Nói về khó khăn trong tuyển sinh, ông Nguyễn Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm DN,HN-GDTX Thạch Hà cho biết: “Đối tượng tuyển sinh vào các trung tâm là đối tượng không thi vào các trường THPT công lập hoặc không đậu vào các trường THPT công lập. Sau khi các trường phổ thông dân lập, tư thục tuyển sinh xong, số còn lại mới là đối tượng tuyển sinh của các trung tâm DN,HN-GDTX… cho nên, đây là một khó khăn lớn cho các trung tâm”.Điều đó cho thấy, nguồn tuyển là số học sinh tốt nghiệp THCS là đối tượng tuyển sinh vào lớp 10 đã giảm mạnh, trong khi đó các cơ sở giáo dục được tuyển sinh lại tăng lên. Cụ thể, ngoài các trường THPT công lập còn có các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề, các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề trên địa bàn cũng được phép tuyển sinh đối tượng này. Thành ra, “miếng bánh” đã bé lại phải chia năm sẻ bảy, mạnh ai nấy tuyển. Ông Trịnh Quốc Trung, Giám đốc Trung tâm DN, HN-GDTX thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Tại thành phố, số học sinh sau khi các trường THPT tuyển sinh còn lại khoảng 200 em thì có đến 7 cơ sở khác tuyển sinh, trong đó có trung tâm của chúng tôi”.

Thi trượt vẫn có giá
Nhận thức được công tác tuyển sinh là lẽ sống còn, nên nhiều trung tâm sớm đầu tư thời gian, công sức vào công tác tuyển sinh. Thầy Nguyễn Đình Lý (Hương Sơn) cho biết: “Vào tháng 4 – 5, chúng tôi đã xuống các trường THCS trên địa bàn tuyên truyền, trao đổi với học sinh về công tác tuyển sinh của trường. Chúng tôi còn cử giáo viên trực tiếp đến gia đình học sinh để làm công tác tuyển sinh, nhưng khi mình tha thiết thì các em lại làm cao. Chuyện thật trớ trêu, thầy lại đi tìm trò thành thử các em hỏng thi vào các trường THPT công lập lại có giá đến thế”.
Để tuyển được học sinh, các trường cạnh tranh nhau quyết liệt. Tung ra nhiều “chiêu” như trả công tuyển sinh, tặng quà cho học sinh, tặng thẻ điện thoại cho phụ huynh để liên lạc với nhà trường… Trường THPT tư thục Lê Hồng Phong (huyện Đức Thọ) căng biển hiệu “Trường THPT Lê Hồng Phong” khiến phụ huynh, học sinh tưởng đây là loại hình trường công lập nên đua nhau nộp đơn vào trường.
Bị cạnh tranh gắt gao, nhiều trung tâm DN, HN-GDTX lao đao vì không tuyển được học sinh. Điển hình như Trung tâm DN, HN-GDTX Đức Thọ chỉ có 4 học sinh. “Chúng tôi hiện có 4 học sinh, nhưng dù chỉ có một học sinh chúng tôi vẫn dạy. Anh em giáo viên chúng tôi không muốn ngồi không ăn lương. Chúng tôi đã phân công người về tận cơ sở làm tuyển sinh, nhưng có học sinh nào, trường Lê Hồng Phong “vét” hết, chúng tôi hết nguồn tuyển”, ông Châu Quốc Sỹ, Giám đốc Trung tâm cho biết. Được biết, Trung tâm Đức Thọ hiện có 21 cán bộ, giáo viên, công nhân viên có trình độ. Trung tâm này cũng có tới 2 cơ sở đào tạo, trong đó có một trung tâm đang hoàn thành được 4 hạng mục với kinh phí 13 tỷ đồng. Chuẩn bị cho năm học 2012-2013, trung tâm này cũng đã đầu tư máy móc, thiệt bị phục vụ việc giảng dạy, nhưng chỉ với 4 học trò thì quả là lãng phí.

Lê Văn Vỵ

Gia Đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP