Theo Nghị định 71 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 15-9, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng cho tổ chức.
Nghị định cũng quy định phạt tiền DN bán hàng đa cấp 60-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình…
Cũng từ ngày 15-9, Nghị định 75 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực.
Theo Nghị định 75, khi có nhu cầu tuyển NLĐ Việt Nam, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị đến tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý NLĐ Việt Nam. Văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.
Trong 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý NLĐ Việt Nam có trách nhiệm tuyển chọn, giới thiệu NLĐ. Hết thời hạn quy định mà tổ chức có thẩm quyền không tuyển chọn, giới thiệu được NLĐ theo đề nghị thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển NLĐ Việt Nam. Trong 7 ngày sau khi ký kết hợp đồng lao động, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng đã ký kết với NLĐ Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền.
Ưu đãi HS-SV ngành nghệ thuật truyền thống Có hiệu lực từ ngày 9-9, Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật. Theo đó, thực hiện ưu đãi đối với HS-SV học các ngành: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống. HS-SV theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật sẽ được giảm học phí, được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề, được trang bị trang phục học tập. |
Theo Hoàng Luân
Người Lao động