Đặt trường hợp thủ môn Bùi Tiến Dũng trong những ngày vừa rồi không kịp thời nhận ra sự thiếu sót của mình, trong mối quan hệ với CLB chủ quản FLC Thanh Hoá, mà lao theo các bản hợp đồng khai thác hình ảnh của chính mình thì sự việc sẽ rất tai hại.
Đành rằng cầu thủ chuyên nghiệp có thể dựa vào sự nổi tiếng của bản thân để tìm những bản hợp đồng quảng cáo cá nhân. Bản thân thủ môn Bùi Tiến Dũng bây giờ thì đã quá nổi tiếng, sau kỳ tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á.
Nhưng nếu việc khai thác hình ảnh đấy va chạm với quyền lợi của CLB chủ quản, thì phần thiệt chắc chắn sẽ thuộc về cầu thủ, không chỉ trước mắt, mà cả trong tương lai về lâu về dài của cầu thủ đấy.
Trên đỉnh hào quang, hy vọng rằng các tuyển thủ U23 Việt Nam giữ được sự ổn định về mặt chuyên môn |
Đầu tiên, xét về mặt chuyên môn, Tiến Dũng dù có là một trong những thủ môn hay nhất VCK giải U23 châu Á 2018, nhưng vị trí của anh vẫn chưa phải là không thể thay thế tại đội bóng xứ Thanh.
Va chạm quyền lợi với CLB chủ quản, nếu điều đó xảy ra, khả năng Tiến Dũng bị mất vị trí chính thức ở FLC Thanh Hoá có thể xảy ra. Mà người am hiểu bóng đá đều biết thừa rằng, một cầu thủ nếu không được thi đấu chính thức thì phong độ sẽ xuống nhanh đến mức nào.
Lúc đó, khả năng trở lại đội tuyển của Tiến Dũng sẽ giảm sút và thử hỏi các thương hiệu có còn quan tâm đến anh nữa hay không?
Trường hợp tương tự từng xảy ra với thủ môn Đặng Văn Lâm của CLB Hải Phòng. Nổi tiếng ở đội tuyển quốc gia, thăng tiến thần tốc trong năm 2017 vừa qua, nhưng vì cư xử không khéo ở đội bóng chủ quản, nên thủ thành Việt kiều này bị các đồng đội ở đội bóng chủ quản tẩy chay, trước khi mất luôn chỗ đứng ở CLB, rồi giờ cũng gần như mất chỗ ở đội tuyển quốc gia. Tức là sự nghiệp có nguy cơ đi xuống.
Ở thái cực khác, có một số trường hợp một vài cầu thủ Việt Nam dù rất tài năng, nhưng họ hầu như không có nhu cầu nổi tiếng, chỉ tập trung vào chuyên môn, và kiếm tiền, rất nhiều tiền bằng tài đá bóng của mình.
Nổi bật nhất trong số này là Anh Đức. Cầu thủ đang khoác áo B.Bình Dương hầu như ít xuất hiện trên mặt báo, cũng hầu như không có nhu cầu tìm kiếm sự nổi tiếng thông qua các phương tiện truyền thông.
Anh Đức chỉ tập trung vào việc phát triển chuyên môn, từ chỗ là một cầu thủ kém về kỹ thuật nhiều năm trước, giờ Anh Đức là tiền đạo số 1 Việt Nam, là cầu thủ nội đầu tiên sau những 15 năm giành danh hiệu vua phá lưới V-League, vượt lên trên nhiều ngoại binh.
Tài sản của Anh Đức hiện được cho là rất lớn, xét trên mặt bằng cầu thủ nội. Anh Đức tập trung cống hiến và được CLB chủ quản đền đáp bằng những khoản đãi ngộ lớn, từ các khoản “lót tay” để ký lại hợp đồng, cho đến các khoản lương, thưởng.
Số tiền mà Anh Đức kiếm được từ những khoản đãi ngộ đấy còn cao hơn nhiều các bản hợp đồng quảng cáo mà những cầu thủ khác thường hay tơ tưởng, đến từ một số đơn vị thích chạy theo khai thác hình ảnh cầu thủ.
Thành ra, các ngôi sao mới nổi ở đội tuyển U23 Việt Nam hãy nhớ rằng sở dĩ họ có chỗ đứng trong lòng khán giả vì chuyên môn của họ xuất sắc. Và để tiếp tục có được chỗ đứng đấy, các cầu thủ nên phát triển thêm nữa năng lực chuyên môn.
Nghề đá bóng tại Việt Nam là một trong những nghề có thu nhập thuộc vào loại rất cao trong xã hội, nên nếu các tuyển thủ U23 Việt Nam hay bất cứ một cầu thủ trẻ nào khác giữ được chất lượng chuyên môn tốt, lâu dài, ổn định thì lo gì không tìm được các khoản đãi ngộ cao!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí