Liên quan đến vụ việc trường mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị phụ huynh tố lạm thu, chi sai nhiều khoản với số tiền lớn, mới đây UBND huyện Lộc Hà đã có kết luận về đơn thư phản ánh của phụ huynh.
Theo đó, ngày 12/10/2017, Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Hà ra Văn bản số 576/TB-UBND “Thông báo kết quả đơn phản ánh” của cô Phan Thị Cẩm (thôn Đông Châu, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) về những sai phạm của cô Hoàng Thị Thành - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụ Lộc.
Trường mầm non Thụ Lộc. (Ảnh: P.H) |
Cụ thể kết luận nêu: Việc phản ánh của cô Hoàng Thị Thành khi mua thịt lợn, thịt me cho bữa ăn bán trú năm học 2016-2017, cô Thành tự ý tăng giá (giữa giá thực tế và giá nhập vào) để lấy phần chênh lệch là không đúng.
Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung hợp đồng và nội dung thực tế triển khai thì giá thịt lợn, thịt me nhà trường mua cao hơn giá thị trường và các đơn vị khác cùng lấy thịt từ ông Đinh Văn Oánh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ huynh, trách nhiệm này thuộc về Hiệu trưởng mầm non Thụ Lộc.
Việc phản ánh hai nồi hầm cháo theo giá thị trường Việt Nam 8 triệu đồng nhưng cô Thành tăng giá lên 40 triệu đồng là không có căn cứ. Nhà trường thực hiện mua 2 nồi hầm cháo đã thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục đúng chủng loại và giá cả phù hợp với giá thị trường tại thời điểm mua.
Việc phản ánh tiền mái che hết 13,7 triệu đồng nhưng cô Thành tăng giá lên 25 triệu đồng là không đúng. Qua kiểm tra số diện tích mái che, các nội dung công việc trong hợp đồng được triển khai thực hiện đầy đủ.
Giá hợp đồng phù hợp với giá thực tế tại thời điểm hợp đồng. Hợp đồng mái che với tổng tiền 23,1 triệu đồng (nhà trường sử dụng ngân sách để trả tiền mái che sân trường với số tiền 13,1 triệu đồng, Hội phụ huynh trả 10 triệu đồng) và nhà trường đã trích ngân sách để trả tiền mái che sân trường với số tiền 13,1 triệu đồng.
Việc phản ánh dư tiền làm chứng chỉ cho học sinh, tiền mua tài liệu học tập cho các cháu, tiền nước năm học 2016-2017 là đúng. Nhưng số liệu phản ánh chưa chính xác, cụ thể thu tiền làm chứng chỉ còn dư 5,6 triệu đồng, mua tài liệu học tập cho các cháu còn dư 33,4 triệu đồng, tiền nước uống còn dư 9,9 triệu đồng. Tổng tiền còn dư lại là 49 triệu đồng.
Tại thời điểm phát sinh đơn (ngày 08/5/2017, đơn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo) nhà trường chưa kết thúc năm học nên chưa thể kiểm kê tài chính và công bố các số liệu kiểm kê.
|
Kết luận của UBND huyện Lộc Hà về những phản ánh của phụ huynh tại trường mầm non Thụ Lộc. |
Tuy nhiên, kết luận của UBND huyện Lộc Hà khiến phụ huynh không đồng tình, phần lớn phụ huynh xã Phù Lưu cho rằng kết luận thanh tra của huyện Lộc Hà chưa thực sự thuyết phục, có phần bao che sai phạm của cô Hoàng Thị Thành - Hiệu trưởng trường mầm non Thụ Lộc.
Theo kết luận, UBND huyện Lộc Hà cho rằng tại thời điểm phát sinh đơn (ngày 8/5/2017), chưa kết thúc năm học nên chưa kiểm kê tài chính. Tuy nhiên, phụ huynh đã đưa ra văn bản của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đơn của công dân đến cơ quan này vào ngày 18/7, đã kết thúc năm học. Và thực tế, phải đến gần giữa học kỳ I năm học 2017-2018, nhà trường mới vay nợ ngân hàng để trả tiền thừa cho phụ huynh.
Đặc biệt, điều khiến phụ huynh bức xúc là việc nhà trường mua thịt với giá cao hơn so với giá thị trường đã làm khẩu phần ăn của con em họ bị giảm. Phụ huynh cho rằng, nếu thịt được mua đúng giá thì khẩu phần ăn của các cháu sẽ nhiều hơn so với việc tăng giá lên từ 20-40 ngàn đồng/kg.
Thế nhưng trong phần kết luận, UBND huyện Lộc Hà không yêu cầu Hiệu trưởng trường mầm non Thụ Lộc tính toán để trả lại khoản tiền chênh lệch nói trên cho phụ huynh.
Chị Phan Thị Cẩm (người trực tiếp gửi đơn) bức xúc: “Là một cán bộ quản lý nhiều năm, không thể có chuyện cô hiệu trưởng không biết giá cả thị trường. Dù sao thì cô cũng phải trả lại số tiền chênh lệch trong năm qua cho phụ huynh.
Tôi và toàn thể phụ huynh xã Phù Lưu thật sự không đồng tình với kết luận thanh tra của UBND huyện Lộc Hà về những sai phạm của cô Hoàng Thị Thành.
Nếu lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà bao che cho những sai phạm của cô Hoàng Thị Thành thì phụ huynh chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đơn ra Bộ Giáo dục, Chính phủ để yêu cầu làm rõ”.
Được biết, Phù Lưu là một xã thuần nông của huyện nghèo Lộc Hà, thu nhập chính của người dân chỉ nhờ vào vài sào ruộng bạc màu, để kiếm tiền nộp học cho con, nhiều phụ huynh đã phải vay mượn, bán trâu bò để con có tiền nhập học.
“Nếu như chúng tôi không điều tra và phanh phui ra dư luận số tiền thừa này thì tiền của học sinh đã nộp sẽ chui vào túi ai, ai là người trục lợi số tiền trên?”, một phụ huynh xã Phù Lưu bức xúc.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc
Tác giả: PHAN HIẾU
Nguồn tin: Báo VTC News