Sở ra văn bản cấm, nhà trường vẫn thu
Sắp kết thúc năm học 2017 – 2018, thế nhưng tại trường mầm non Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn “nóng” bởi câu chuyện hàng chục phụ huynh nhiều lần đến đòi tiền, yêu cầu ban Giám hiệu phải giải thích việc thu tiền trái quy định.
Các phụ huynh cho biết, bắt đầu năm học, ban Giám hiệu đã tổ chức họp và ngoài các khoản theo quy định thì có huy động các khoản đóng góp tự nguyện từ cha mẹ học sinh. Theo đó, mỗi học sinh lớp mẫu giáo (từ 3 - 5 tuổi) phải đóng hơn 1,4 triệu đồng, học sinh lớp trẻ (dưới 3 tuổi) phải đóng hơn 1 triệu đồng. Số tiền này, nhà trường sẽ chi vào các khoản mua đồ chơi, bút giấy, sách vở… cho học sinh, phần còn lại để tu sửa và xây dựng khuôn viên trường đang xuống cấp, hư hỏng. Cho rằng đây là những vấn đề cần thiết nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập của các cháu, phần lớn phụ huynh nhất trí đóng góp.
Trường mầm non nơi xảy ra sự việc. |
Tuy nhiên, đến ngày 24/11/2017, sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Tĩnh có Văn bản số 1747/SGDĐT – KHTC gửi Ủy ban Nhân dân (UBND) các huyện, thị xã và thành phố đề nghị kiểm tra và xử lý tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Theo văn bản này, sở yêu cầu bãi bỏ việc tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh trong các cơ sở GD&ĐT; chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban Đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; xử lý nghiêm các trường học cố tình lạm thu trái quy định...
Ngày 18/12/2017, UBND huyện Nghi Xuân cũng đã có văn bản gửi phòng GD&ĐT, phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND các xã, thị trấn và hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học theo yêu cầu trong văn bản chỉ đạo của sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Thế nhưng, dù đã nhận được văn bản chỉ đạo từ sở và UBND huyện Nghi Xuân, nhưng trường mầm non Xuân Lĩnh vẫn cố tình “phớt lờ”, không tổ chức thông báo tới phụ huynh học sinh về việc bãi bỏ khoản thu tự nguyện. Thậm chí sau đó, trường mầm non vẫn tiếp tục thu các khoản tiền này, bất chấp “lệnh cấm” được ban hành.
Ông Đậu Trọng Bình (73 tuổi), trú tại xóm 3, xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân cho hay: “Chúng tôi là người dân nên không biết có văn bản trên được ban hành, nhà trường cũng chẳng nói gì, vì vậy vẫn nộp tiền cho trường như trong cuộc họp phụ huynh đầu năm. Như gia đình tôi, có 2 cháu học lớp 2 tuổi và 5 tuổi, ngoài tiền học phí, tiền cô nuôi dưỡng thì phải đóng thêm 2,4 triệu đồng”.
Đầu tháng 5/2018, khi chuẩn bị tổng kết năm học, các phụ huynh chưa nộp học phí tất bật đi vay mượn nộp cho nhà trường thì mới biết được thông tin trên. Mọi người vô cùng bức xúc nên yêu cầu nhà trường phải giải trình và trả lại tiền thu sai theo chỉ đạo của sở GD&ĐT. Theo tính toán, trường mầm non Xuân Lĩnh có tổng 262 học sinh, vì vậy số tiền thu sai quy định lên đến gần 400 triệu đồng.
Phòng GD&ĐT từng ra văn bản nhắc nhở
Trước sự việc này, ngày 22/5, ban Giám hiệu phải tổ chức một cuộc họp phụ huynh để giải đáp các thắc mắc. Buổi làm việc còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân và UBND xã Xuân Lĩnh.
Cô Lê Thị Lý, Hiệu trưởng trường mầm non Xuân Lĩnh cho biết, các khoản thu của nhà trường gồm: Tiền học phí theo quy định là 270.000 đồng/cháu; tiền ăn nhà trường thu 15.000 đồng/cháu mẫu giáo/ngày và 12.000 đồng/cháu nhà trẻ/ngày; tiền cô nuôi dưỡng là 567.000 đồng/cháu; tiền vận động xã hội hóa mẫu giáo là 1,4 triệu đồng/cháu và nhà trẻ là 1,05 triệu đồng/cháu.
“Những khoản này, nhà trường đã được sự đồng ý của phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân, UBND xã Xuân Lĩnh và được sự thông qua của các phụ huynh mới dám thu. Vì đây là kế hoạch đầu năm nên ban Giám hiệu cùng ban Đại diện cha mẹ học sinh đã kiểm tra và tính toán rất kỹ mới dám trình, với mục đích duy nhất là phục vụ việc học của các cháu tốt hơn”, cô Lý cho hay.
Cho đến mãi tháng 11/2017, sở GD&ĐT mới ra văn bản yêu cầu chấm dứt việc thu các khoản tự nguyện. Nhưng vào thời điểm này đã có rất đông phụ huynh hoàn thiện việc đóng góp, vì vậy để đảm bảo công bằng nhà trường vẫn tiếp tục thu của các học sinh còn lại, số tiền thu được nộp kho bạc Nhà nước.
“Lúc đầu, nhà trường hiểu nhầm văn bản chỉ đạo của sở là chấm dứt việc thu các khoản tự nguyện bắt đầu từ năm học sau, vì vậy mới tiếp tục thu. Đến khi có văn bản của phòng thì mới biết là thực hiện năm học này. Thế nhưng, lúc này nhà trường đã sử dụng kinh phí để mua sắm các dụng cụ học tập cho các cháu, trong khi yêu cầu lại cuối học kỳ 1 nên dẫn đến khó khăn cho nhà trường”, cô Lý nói.
Hiệu trưởng trường mầm non Xuân Lĩnh khẳng định, khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND huyện Nghi Xuân đã họp cán bộ giáo viên để tìm cách, đưa ra biện pháp trên. Nếu sau này Nhà nước có chủ trương trả lại số tiền này thu từ đầu năm học, trường sẽ trả lại cho phụ huynh học sinh.
Ngoài vấn đề lạm thu xã hội hóa, các phụ huynh còn cho rằng nhà trường đã thu sai, chi sai nhiều khoản khác và đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xem xét. Bên cạnh đó, tiền chi trả cho cô nuôi của mầm non Xuân Lĩnh, phụ huynh cũng phản ánh thiếu minh bạch. Cụ thể nhà trường hợp đồng 6 cô nuôi với tiền công mỗi tháng là 2,7 triệu đồng/cô, tiền này do phụ huynh đóng góp, nhưng trên thực tế chỉ có 4 cô nuôi.
Số tiền thu với 1 trẻ, trong đó có khoản đóng góp tự nguyện hơn 1,4 triệu đồng. |
Trước đó, vào ngày 20/8/2017, khi phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân nhận được tờ trình xin huy động các khoản đóng góp tự nguyện của trường mầm non Xuân Lĩnh, thì đã có văn bản trả lời với nội dung: “Phòng đồng ý với đề xuất các khoản vận động đóng góp tự nguyện... Song việc đề xuất mua sắm các tài sản quá nhiều, đề nghị nhà trường tiết kiệm… Yêu cầu nhà trường căn cứ vào nhu cầu thực tế để có kế hoạch mua sắm đồ chơi, đồ dùng tránh lãng phí”.
Liên quan đến vụ việc, ông Vũ Minh Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Xuân cho biết: “Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của trường mầm non Xuân Lĩnh và những phản ánh khác của phụ huynh. Sau khi có kết luận kiểm tra, nếu nhà trường sai phạm thì sẽ có hình thức kỷ luật theo quy định”.
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo Người đưa tin