Reuters trích thông tin trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc cho hay, Trung Quốc dự tính triển khai giàn khoan “Nam Hải số 2” và “Nam Hải số 5” tại vùng biển giữa miền nam Trung Quốc và quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát. Giàn khoan “Nam Hải số 4” sẽ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc.
Mặc dù trang web của Cục Hải sự Trung Quốc không nêu rõ chủ sở hữu của các giàn khoan này, song khẳng định 3 giàn khoan sẽ xuất hiện tại các vị trí theo dự định của họ vào ngày 12/8.
Trung Quốc tính đưa thêm 3 giàn khoan vào Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh giàn khoan “Nam Hải số 9” dự kiến đến cửa vịnh Bắc Bộ trong hôm nay 20/6.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Zhuang Guotu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) coi việc Trung Quốc triển khai các giàn khoan trái phép là một “động thái chiến lược”.
“Việc tăng số lượng giàn khoan chắc chắn sẽ tạo tâm lý căng thẳng cho Philippines và Việt Nam”, ông Zhuang tuyên bố đầy khiêu khích.
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) từng tuyên bố, họ sẽ triển khai 4 dự án ở phía tây và phía đông của Biển Đông trong nửa cuối năm 2014.
Tuy nhiên, người ta chưa rõ liệu 4 giàn khoan này có thuộc một phần của dự án của CNOOC hay không. Trong khi đó, người phát ngôn của CNOOC từ chối bình luận.
Thông tin về 4 giàn khoan mới được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Kể từ khi đưa giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam, Trung Quốc không những thường xuyên phủ nhận những hành vi gây hấn của mình ở Biển Đông mà ngược lại còn xuyên tạc sự thực gây bất lợi cho Việt Nam.Ngày 13/6, Vụ phó Vụ Biên giới và Hải đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương, khẳng định Bắc Kinh không bao giờ điều các lực lượng quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương-981 ở Biển Đông. “Tôi có thể nói rõ rằng, từ ngày 2/5 tới nay và ngay cả khi khi hoạt động thăm dò của giàn khoan hoàn tất, chúng tôi đã, đang và không bao giờ cử lực lượng quân sự tới đó. Bởi vì chúng tôi đang thực hiện các hoạt động dân sự cũng như thương mại một cách bình thường”, ông Dịch Tiên Lương ngang ngược tuyên bố trong một cuộc họp báo.
Ông Dịch trắng trợn cho rằng: “Việt Nam hiện có 61 tàu ở khu vực trên, trong khi số tàu của Trung Quốc là 71 chiếc, bao gồm cả tàu chính phủ và các tàu phụ trợ”. Theo ông này, số lần mà tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc ở vùng biển gần giàn khoan Hải Dương-981 là 1.547 lần.
Ngay lập tức, một quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc khi cho rằng đó là những lời “nguỵ biện lố bịch” và khẳng định, Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng không quân và hải quân cũng như lực lượng bảo vệ bờ biển “để đe dọa các nước khác”.
Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện quân sự lớn mạnh và liên tục gần giàn khoan dầu kể từ ngày 2/5 khi họ hạ đặt giàn khoan này, trong đó có máy bay trực thăng và chiến đấu cơ quần thảo phía trên và xung quanh giàn khoan. Hiện nay có nhiều tàu quân sự có mặt ở khu vực gần giàn khoan”.