Lễ biên chế tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh số hiệu 852, tàu tiếp tế Lô Cô Hồ số hiệu 962 và tàu đo đạc biển xa Tiền Học Sâm số hiệu 873 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Để tăng cường thúc đẩy hiện thực hóa yêu sách vô lý, phi pháp ở Biển Đông, Quân đội Trung Quốc vừa tổ chức lễ biên chế, đặt tên, trao cờ cho 3 tàu chiến, lần lượt là tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh số hiệu 852, tàu tiếp tế Lô Cô Hồ số hiệu 962 và tàu đo đạc biển xa Tiền Học Sâm số hiệu 873 cho Hạm đội Nam Hải.
Toàn bộ 3 tàu chiến này đều do Trung Quốc tự chế tạo, sẽ có lợi cho hoạt động thu thập tình báo của Quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo nguồn tin của Vượng báo, lễ biên chế 3 tàu chiến này được tổ chức ở một quân cảng thuộc đảo Hải Nam vào sáng ngày 26/12/2015, đúng vào dịp tròn 11 năm thành lập một chi đội tàu chi viện tác chiến của Hạm đội Nam Hải.
Ngoài ra, trang Sina Trung Quốc ngày 26/12 cũng chỉ đăng 2 hình ảnh hiếm hoi về lễ biên chế của các tàu chiến này.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, 3 tàu này có những ưu điểm khác nhau về công năng, tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh có thể tiến hành trinh sát trong mọi điều kiện thời tiết đối với các mục tiêu trong phạm vi tìm kiếm, đồng thời nắm được việc triển khai và các động thái của “quân địch”.
Tàu tiếp tế Lô Cô Hồ số hiệu 962 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc ngày 26/12/2015 |
Tàu tiếp tế Lô Cô Hồ có thể cung cấp chi viện tiếp tế hậu cần cho lực lượng Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hoặc thực hiện nhiệm vụ y tế trên biển.
Để kỷ niệm “Cha đẻ ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc” và “Vua tên lửa” Tiền Học Sâm, Trung Quốc đã đặt tên ông cho một tàu đo đạc mới. Tàu này sẽ chủ yếu thực hiện các công việc đo đạc biển, đảo đá, khí tượng và thủy văn.
Việc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Quân đội Mỹ bay trên Biển Đông theo Thời báo Hoàn Cầu, đã gây căng thẳng quân sự Trung-Mỹ, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành diễn tập quân sự chiến đấu thực tế ở Biển Đông, hoạt động này diễn ra trong một ngày rưỡi.
Cuộc tập trận này đã tổ chức luyện nhiều khoa mục diễn tập sát chiến đấu thực tế như trinh sát cảnh báo sớm, chỉ huy kiểm soát, săn ngầm, chống thủy lôi, phòng vệ liên hợp và trang bị hậu cần.
Hiện nay, cộng thêm biên chế 3 tàu chiến mới rõ ràng cho thấy, Quân đội Trung Quốc có ý đồ muốn thống trị Biển Đông.
Biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Tờ Vượng báo cho rằng, trước nguy cơ Trung Quốc không ngừng tăng cường quân sự hóa Biển Đông, Việt Nam đã buộc phải điều tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo mua của Nga tiến hành tuần tra (trong vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình ở) Biển Đông, gây chú ý cho dư luận.
Việt Nam mua 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga trị giá 2 tỷ USD, đây là loại tàu ngầm có lượng xuất khẩu lớn nhất của Nga. Loại tàu ngầm này nổi tiếng là hỏa lực mạnh, tiếng ồn nhỏ.
Hiện nay, Nga đã bàn giao 4 chiếc, chiếc thứ 5 sẽ vận chuyển đến Singapore vào ngày 29/1/2016, sau đó về Việt Nam, dự kiến sẽ trở thành “hậu thuẫn quân sự” cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.
Vượng báo cho rằng, tàu ngầm lớp Kilo chuyên sử dụng cho tác chiến săn ngầm và chống hạm. Dư luận quốc tế cũng quan tâm đến việc Việt Nam vận hành những tàu ngầm này như thế nào để đối phó với các thế lực muốn cướp chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.
Tàu ngầm diesel-điện Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam, mua của Nga |
Cơ quan tình báo quốc phòng chiến lược (DSI) ở London Anh cho rằng, tăng trưởng chi tiêu quốc phòng ở châu Á đã đứng đầu thế giới, trong danh sách mua sắm vũ khí của các nước thì tàu ngầm đứng đầu.
Trị giá hiện nay của thị trường tàu ngầm châu Á chỉ 7 tỷ USD, nhưng đến năm 2025 sẽ tăng lên 11 tỷ USD. Điều này có nghĩa là châu Á có khả năng vượt châu Âu, trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.