17h15, do trời tối, nên dự kiến khoảng 18h, hai máy bay tìm kiếm của Việt Nam sẽ bay về đất liền. Dự kiến Việt Nam sẽ điều 3 tàu ra tìm kiếm, gồm một tàu Hải quân xuất phát từ Cánh Dương, một tàu Cảnh sát biển từ Phú Quốc, một tàu của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khu vực 3 từ Phú Quốc.
Có mặt tại Sở Chỉ huy tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không Thứ Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu liên tục quý tiêu liên tục báo cáo thông tin tới Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong đó nhấn mạnh hai vết dầu loang cách đảo Thổ Chu 150km về phía nam, sẽ phải theo dõi sát sao để xác định vấn đề liên quan khác.
Thứ trưởng Tiêu cũng lưu ý các lực lượng xác định vị trí hai vết dầu để nếu thuộc địa phận Việt Nam, khi có thông tin đầy đủ sẽ thành lập ủy ban Quốc gia điều tra về vụ việc, nếu không sẽ phối hợp với Malaysia để tìm kiếm.
17h5 máy bay Việt Nam đã phát hiện cột khói tại tọa độ 070725,1032320, nhưng chưa xác định của tàu thủy hay của vật gì. Phía Việt Nam đã báo cho phía Malaysia để điều trực thăng đến xác định cụ thể.
16h26, Phát hiện một vùng có màu khác lạ so với nước biển, nghi là vệt dầu loang trên vị trí tọa độ đang tìm kiếm. Máy bay AN26 của Việt Nam đã xin phép hạ độ cao để tìm kiếm trong khu vực này.
Trao đổi với PV Dân trí tại Sở chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn, ông Lại Xuân Thanh cho biết, Cục Hàng không liên bang Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương cũng tham gia công tác tư vấn để lập vùng tìm kiếm. Vùng tìm kiếm được xác định theo xu hướng bay, độ cao, tốc độ bay của máy bay thời điểm đó.
Cũng theo ông Thanh, thông thường máy bay có hệ thống phát tín hiệu tự động lên vệ tinh để định vị nhưng trường hợp này máy bay Malaysia không có tín hiệu phát đi; vệ tinh cũng không bắt được thông tin nào về máy bay.
Trong thời điểm máy bay mất tích và hiện tại, thời tiết ở vùng biển nghi mất tích đều tốt.
Không khí làm việc khẩn trương tại Sở Chỉ huy tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không (Ảnh: Như Quỳnh)
Lãnh đạo Cục Hàng không đang phân tích tình hình và nhận định hướng tìm kiếm (Ảnh: Như Quỳnh)
Tại Hải Phòng, tàu cứu nạn đã xuất phát đi tìm kiếm. Trên biển, các tàu đánh cá và tàu hàng đều được thông tin báo nạn để có cảnh giới và tìm kiếm phát hiện tàu bay.
Đầu giờ chiều 8/3, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), một máy bay AN 26 của Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng) đã cất cánh đi tìm kiếm máy bay Boeing B777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia đang được cho là mất tích.
Máy bay đầu tiên này cất cánh theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam. Không chỉ máy bay AN 26, Tổng Công ty bay trực thăng Việt Nam cũng đã bố trí 6 máy bay khác gồm 2 trực thăng Mi 171 (tại Tân Sơn Nhất), 2 Mi 171 (tại Đà Nẵng), 2 trực thăng SUPER sẵn sàng cất cánh tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khi có lệnh điều động.
Các máy bay tìm kiếm của Việt Nam dự kiến tập trung tìm kiếm trong khu vực có tọa độ gồm: 8 độ vĩ Bắc đến 103 độ kinh Đông; 8 độ vĩ Bắc đến 104,12 độ kinh Đông; 7 độ vĩ Bắc đến 104,12 độ kinh Đông và 7 độ vĩ Bắc đến 103 độ kinh Đông.
Lúc 14h30 chiều nay, từ Vũng Tàu, tàu cứu nạn SAR 413 cũng đã tiến về vùng biển gần Phú Quốc, nơi được xác định là máy bay MH370 rơi để triển khai công tác ứng cứu. Ngoài ra, tại Phú Quốc, 5 tàu của Hải quân Phú Quốc, Cảnh sát biển cũng đã sẵn sàng ra hiện trường khi có yêu cầu.
Ủy ban Quốc gia TKCN đã đề nghị Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) phát thông báo hàng hải cho tàu thuyền hoạt động ở gần khu vực trên để tìm kiếm, cứu nạn.
Hiện giờ, vị trí máy bay mất tích cũng được cơ quan chức năng khẳng định thuộc vùng biển Malaysia, cách đường chồng lấn Việt Nam – Malaysia khoảng 25 hải lý.
Ông Phạm Hiển – Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 cho biết, vị trí máy bay Boing 777 số hiệu MH 370 mất liên lạc tại tọa độ 6,56 độ vĩ Bắc – 103,35 độ kinh Đông, trên vùng biển Malaysia, cách Tây Nam mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý.
13h46, Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết, máy bay M AS 370, loại máy bay B772 cất cánh lúc 16h42 (UTC) tức 23h42 giờ Việt Nam, ngày 7/3/2014, từ Kuala Lampur, Malaysia đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Đến 17h21 (UTC) tức 00h21 giờ Việt Nam ngày 8/3, tại tọa độ 06 0 56’N – 103 o 35E, cách Tây Nam mũi Cà Mau khoảng 120 hải lý, trên vùng biển Malaysia; cách phía Nam đường chồng lấn Việt Nam – Malaysia khoảng 25 hải lý thì máy bay M AS 370 bị mất liên lạc, khả năng bị rơi tại vị trí trên.
Ảnh chụp bản đồ của trang giao thông hàng không trực tuyến flightradar24 về vị trí cuối cùng được thấy của máy bay Malaysia.
Theo đề nghị của Cục Hàng không Việt Nam, Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu điều 2 máy bay của Quân chủng Phòng không – Không quân tham gia tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng cất cánh khi phát hiện vị trí máy bay.
Cục Cứu hộ – Cứu nạn đã yêu cầu Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải cho các phương tiện đang hoạt động gần khu vực biết để tìm kiếm cứu nạn; thông báo, trao đổi với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; báo cáo Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng về tình hình vụ việc; đồng thời thông báo cho Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chỉ đạo các phương tiện đang làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động tìm kiếm cứu nạn của Malaysia và sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.