Cây lộc vừng còn có tên thường gọi là cây mưng, thuộc bộ tứ cây phong thủy quý của người phương Đông: Sanh-Sung-Tùng-Lộc. Nó là loài cây thân gỗ nhỏ, kích thước tùy thuộc vào môi trường cũng như cách chăm sóc. Đường kính thân cây đạt 35-40cm nếu trồng trong các chậu cảnh. Trồng ở các không gian rộng lớn hay các công trình lớn thì thân thường có đường kính 40cm trở lên.
|
Cây lộc vừng cổ thụ thường có thân hơi xù xì với những cành khẳng khiu mọc ra cùng tán lá khá xum xuê. Lá của cây lộc vừng khá to với mặt trên xanh bóng còn mặt dưới có màu xanh trắng và các đường gân lá rất rõ ràng.
|
Cây lộc vừng có hoa nhỏ rất đẹp, mọc theo chùm thẳng dài thành một chuỗi như pháo giấy ngày tết. Lộc vừng thường có hoa màu trắng, hoặc đỏ với những sợi tua rủ xuống rất đẹp mắt. Một số loại lộc vừng khác còn có thể có hoa màu vàng mọc ra từ các nhánh lá của cây lộc vừng.
|
Lợi ích của cây lộc vừng
Làm cây cảnh: Cây có kiểu dáng đẹp lạ, lá dày có thể làm cây bóng mát nên được trồng nhiều với mục đích làm cây cảnh cho gia đình cũng như những địa điểm khác để kiến tạo cảnh quan. Nếu trồng cho những nơi cần sắc thái tôn nghiêm thì lộc vừng cũng là một loài cây rất phù hợp. Ngoài ra, vì kích thước cây khi trồng có thể điều chỉnh được nên cây lộc vừng còn được ứng dụng trong nghệ thuật bon sai.
|
Làm thức ăn: Ở một số nước Đông Nam Á, lá và đọt cây được dùng để nấu canh chua, ăn kèm một số món cuốn. Ở một số vùng khác, lá cây còn được dùng làm bả đánh cá.
Làm thuốc chữa bệnh: Một số bộ phận của cây lộc vừng lá lớn như rễ cây, hạt cây, vỏ cây… có thể dùng làm thuốc chữa bệnh trong đông y. Trong tây y, cây lộc vừng còn được sử dụng để chế xuất ra một số loại hóa chất để tạo ra các sản phẩm chống viêm, kháng sinh…
Ý nghĩa phong thủy
Theo cha ông xưa thì “lộc” ứng với tài lộc – “vừng” ngụ ý là nhỏ nhặt nhưng nhiều, thêm hoa của cây màu đỏ rất đẹp mang lại ý nghĩa là sự thịnh vượng, phát lộc. Dân chơi cây cảnh miền Tây thường truyền nhau câu nói “vừng ơi! mở ra cho lộc vào” có nghĩa là cây lộc vừng mang lại may mắn cho gia chủ, mang lại tài lộc cho chủ nhân của nó và cảm giác bình yên, an toàn.
|
Để mang lại tài lộc may mắn, lời khuyên của các chuyên gia phong thủy là bạn nên trồng cây tài lộc trước sân nhà, tốt nhất nên trồng ở vị trí thoáng đãng để cây có nhiều điều kiện phát triển tốt nhất.
Cách chăm sóc
Chọn đất trồng: Đất trồng tốt nhất là đất thịt màu trộn với một ít tro trấu, phân chuồng hoai mục. Khi chọn chậu trồng thì nên chú ý là chọn chậu có lỗ thoát nước đễ tránh cây bị úng nước và thối rễ.
Tưới nước: Lúc mới trồng lộc vừng, nên tưới nước vừa phải để giữ độ ẩm cho cây phát triển rễ. Sau khi cây phát triển mạnh, có thể tưới nước thoải mái cho cây nhưng không được để ứ nước trong chậu.
Ánh sáng: Cây lộc vừng là loài cây ưa sáng, nên khi trồng phải đặt chậu ở nơi có đầy đủ ánh nắng. Cây trồng trong chậu nên cần nhiều chất dinh dưỡng, phải thường xuyên bón phân cho cây, phân bón tốt nhất là phân hữu cơ và DAP để giúp cho cây dễ sinh trưởng.
|
Kích thích ra hoa: Lộc vừng là cây ra hoa tự nhiên, nhưng nếu muốn cây có hoa vào thời gian mà mình thích thì có thể kích thích cho cây ra hoa. Thời gian từ khi kích thích đến khi cây ra hoa là 3 tháng, nếu muốn cây ra hoa đúng dịp tết thì nên chọn đầu tháng 9 âm lịch. Khi thấy lộc vừng có bộ tán lá xanh tốt thì chúng ta bắt đầu kích thích.
Tiến hành làm như sau: Khi lộc vừng đang sinh trưởng tốt, để giúp cho cây chuyển sang giai đoạn ra hoa thìcắt nước không tưới hoàn toàn cho cây từ 7 – 10 ngày. Khi thấy lá cây có dấu hiệu vàng héo thì tưới nhẹ lại vừa đủ ẩm cho cây, sau đó cắt bỏ hết lá trên cây. Dùng các chất kích thích ra hoa như KNO3 pha 120g với 8 lít nước phun ướt hết tán cây ( phun lúc chiều mát), cách nhau 7 – 10 ngày thì phun một lần. Khi thấy cây ra lá non lại thì tưới nước đầy đủ cho cây.
Trồng lộc vừng cũng giống như trồng các loài cây cảnh khác, chúng ta phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, ánh sáng cho cây phát triển. Cây lộc vừng phát triển tốt sẽ cho hoa đẹp, đem đến sự hài hòa cho ngôi nhà và tài lộc cho gia chủ.
Tác giả: Phương Phan (Tổng hợp)
Nguồn tin: khampha.vn