Văn Hoá Hà Tĩnh

Trở về dưới mái nhà xưa…

Dù không hẹn mà thời gian cũng đến gặp lòng người nơi giao nhau của đất và trời lúc xuân sang. Thế là đã thêm một mùa mai đào nhú cánh, thêm một mùa trầm hương thoang thoảng làm nao nao lòng người. Dù đang gió bấc mưa phùn mà lòng đã nghe sắc xuân hây hẩy, dù đang rét cóng tay vẫn nhận ra những nụ chồi li ti trên cành mai cũ.

Tùy bút


Đã gần lắm rồi cái không gian ấm êm mà rạo rực của ngày giáp Tết. Đẫ gần lắm rồi cái khoảng thời gian hồi hộp đợi chờ từng giây từng phút Giao thừa. Dẫu tất bật ngược xuôi cho những ngày dồn toa công việc nhưng trong thẳm sâu lòng mình, ai cũng bắt đầu chộn rộn cho chuyến trở về.


Trở về với mái nhà xưa, nơi có tiếng giã giò thùm thụp, tiếng dao băm trên thớt gỗ thập thình để cho ra đời món giò, món chả, giả cầy và thịt đông cùng mùi thơm nức mũi như xoáy vào tâm can những đứa trẻ thời bao cấp đói ăn chỉ trông ba ngày Tết. Một bộ quần áo mới cũng náo nức suốt cả tuần. Một đồng tiền mừng tuổi cũng trở thành báu vật suốt một thời trẻ thơ. Và những ngày nghỉ học theo anh chị, mẹ cha đi xem hội làng, chơi cờ người, đánh đu, thi vật hoặc đánh bi, đánh đáo… trở thành những ngày sung sướng không sao kể xiết.


Trở về với luỹ tre xưa, nơi tháng ngày cha chiu chắt từng giọt mồ hôi trên luống cày để có nếp dẻo đỗ thơm và củi lửa cho nồi bánh chưng sùng sục phút Giao thừa. Nơi mùa cấy rét căm căm mẹ vẫn phải dầm chân cấy xong thửa ruộng để về sắm sanh Tết cho đàn con thơ. Đêm đêm cả làng rộn lên bao âm thanh xay lúa, giã gạo, bổ củi. Ánh lửa bập bùng, tiếng người lao xao cho đến tận khuya. Ai cũng mong muốn cả năm đã nhọc nhằn thiếu thốn, đón Tết phải xôi thịt bánh chưng ê hề và vui vẻ ấm cũng để sang năm mới khấm khá hơn năm cũ.

Trở về dưới mái nhà xưa...

Mẹ già ngồi ngóng con xa trở về

Trở về với mẹ với cha ta để được ngắm mái tóc bạc như cước và mình gầy vóc hạc của song thân mà cảm nhận sự xót xa của câu hát: Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần… Mẹ cha có thể già đi nhưng tình yêu với cháu con thì trẻ mãi. Mỗi lời cha dặn trong bữa cơm tất niên, mỗi món ăn xưa mẹ để dành cho con ngày đầu năm mới chẳng thể nào thay thế nổi, và vì vậy mẹ cha mãi là hình ảnh gần gũi và thân thương nhất dưới mái nhà. Trên cao là bàn thờ gia tiên rực sáng đèn nến, đầy ắp bánh chưng, ngũ quả, xôi gà. Dẫu đi đâu trên trái đất này thì người Việt Nam vẫn giữ phong tục thờ cúng tổ tiên và luôn coi bàn thờ là điểm linh thiêng nhất của gia đình trong ngày Tết. Chính vì vậy, dù chỉ một nén hương thôi mà bao cháu con đã lặn lội từ nhiều phương trời về thắp lên dưới nhà thờ họ, trên bàn thờ gia tiên.


Trở về với con đường quen thuộc bên mái đê làng xưa lồi lõm chân trâu nay đã phẳng lì bê tông, nơi chứng kiến cuộc ra đi của bao nhiêu người, vì chiến tranh, tao loạn, vì mưu sinh. Có người đã nằm lại đâu đó trên mọi miền Tổ quốc, chỉ có linh hồn trở về với mẹ cha xóm làng. Có người thành đạt, ăn nên làm ra nơi xứ lạ quê người, dăm ba tháng hoặc có khi vài ba năm, hàng chục năm mới trở lại cố hương. Cũng có người ở mãi bên kia bờ đại dương, cả đời quên lãng quê hương bản quán, chỉ ba ngày Tết mới âm thầm uớc ao một ngày về mà không toại nguyện. Cũng có người trở về bằng cách đóng góp cho quê hương mạnh giàu khi bản thân đã chân chồn gối mỏi không thể đi xa. Có những cộng đồng người xa xứ đã trở về với cái Tết Việt Nam bằng cách tổ chức nấu bánh chưng, rượu nếp, thổi xôi, làm hoa đào, hoa mai, nấu các món ăn truyền thống và tụ họp với nhau để đón chào năm mới dưới cái tuyết lạnh xứ người. Dẫu hữu hình hay vô hình thì mọi sự trở về ấy đều làm cho mỗi người trở nên Người hơn và làm cho hồn cốt quê hương đậm đà hơn.

Trở về dưới mái nhà xưa...

Mai vàng đợi Tết

Ai đó nói rằng mọi sự ra đi đều để mà trở về. Dẫu là trở về bằng đôi chân của một trang nam nhi cường tráng hay chiếc nạng gỗ của người thương binh, chiếc gậy trúc của người già hay chỉ là linh hồn, nỗi nhớ và tưởng vọng của những người ly hương thì còn có nơi trở về đối với mỗi con người đã là một diễm phúc. Còn đau đáu một tấm lòng với cố quốc tức là còn bản ngã để vượt qua mọi trở lực, mọi cám dỗ, mọi giằng xé của cuộc đời để sống thiện, sống tốt, không hổ danh mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Còn như đã không chút hoài vọng nhớ nhung đến cội rễ, đến quê hương tức là đã trở thành kẻ vong bản, như cây không có cội, sông không có ngọn nguồn, như con thuyền lênh đênh vô định giữa biển cả cuộc đời. Và có gì thiêng liêng và vẫy gọi hơn là những cái Tết quê nhà trong tình mẹ cha, xóm làng, tình anh em, bè bạn? Còn gì gợi nhớ gợi thương hơn là hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình và những con đường, ngõ thôn, khối phố lung linh sắc màu, rực rỡ đào mai trong những cái bắt tay nồng ấm với lời quê mộc mạc mà đầm ấm, chan hoà.


Các chuyến tàu Bắc – Nam, các hãng máy bay đều đã hết vé cả tháng nay. Những chuyến xe tốc hành tăng chuyến, chạy thâu đêm đều đã nêm chặt người. Các bến xe, bến tàu, sân bay, cửa khẩu… càng gần Tết càng chật ních. Mấy năm gần đây Việt Kiều về ăn Tết ngày càng nhiều. Dòng người như sóng cuộn. Con sóng lòng của tình yêu quê hương đã thúc giục bước chân họ trở về…


Bùi Minh Huệ

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP