Giáo dục - Đào tạo

Trăn trở “làng đại học” Hà Tĩnh

Thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) là một trong những thôn bị thu hồi đất nhiều nhất trong dự án xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh năm 2010. Bên cạnh cái “mác” “dân đền bù” mà nhiều người ao ước thì còn đó bao nỗi lo: thất nghiệp, đổi nghề và ô nhiễm môi trường!

Niềm vui “lên đời”: ngắn ngủi

Năm 2010, dự án xây dựng Trường Đại học Hà Tĩnh tiến hành GPMB, thu hồi đất và thực hiện công tác hỗ trợ, đền bù. Nằm trong vùng quy hoạch, thôn Bình Minh bị thu hồi 85 ha đất nông nghiệp của 150 hộ dân với giá đền bù 54 triệu đồng/sào (bao gồm cả hỗ trợ mất đất, hỗ trợ việc làm theo quy định của Nghị định 69). Sau khi nhận được tiền đền bù, cuộc sống của bà con nơi đây bỗng chốc “lên đời”. Không vui sao được khi những người nông dân “chân lấm, tay bùn”, quần quật quanh năm vẫn khốn khó, nay bỗng nhiên có trong tay hàng trăm triệu đồng. “Sốt” với đồng tiền như “trên trời rơi xuống”, nhiều hộ đã mặc sức mua sắm tiện nghi, xây dựng công trình mà quên đi rằng, đó là cái giá của những “bờ xôi, ruộng mật”.

Trăn trở “làng đại học”
Không có đất sản xuất, người dân thôn Bình Minh buộc phải tìm kiếm đủ nghề để kiếm sống.(ảnh minh họa)

Người nông dân xưa nay nghèo khó, chưa quen với khái niệm tích lũy, sử dụng đồng tiền sinh lợi nên có tiền là họ mặc sức tiêu pha. Để rồi bây giờ, tiền đền bù đã cạn mà nhiều hộ dân không biết phải làm gì. Sau những “phút huy hoàng”, cuộc sống của nhiều gia đình lại lâm vào khốn khó”. Thiếu đất – thất nghiệp, những lão nông buộc phải “nghỉ hưu non”. Ba năm đầu dự án xây dựng khu kí túc xá, giảng đường, người dân địa phương còn được thuê làm việc. Hơn 1 năm nay, dự án hoàn thành, người dân thôn Bình Minh phải lo lắng tìm kế sinh nhai. Chị Nguyễn Thị Liên cho biết: “Nhận được 110 triệu đồng tiền đền bù, gia đình đã trang trải gần hết cho nhu cầu cấp thiết, số còn lại không đủ để đầu tư chuyển đổi nghề. Với lại, nông dân như tui không có kinh nghiệm, không được ai tư vấn, hướng dẫn nên không biết phải làm gì”.

Chuyển nghề: vô vàn khó khăn

Hầu hết lao động của thôn Bình Minh ở độ tuổi 40-55, 100% lao động chân tay nên việc chuyển đổi nghề rất khó khăn. Khi thực hiện thu hồi đất, ngoài số tiền đền bù, bà con còn được hứa hẹn chuyển đổi nghề nghiệp. Thế nhưng, đến nay, tất cả vẫn chỉ là lời hứa. Theo ông Võ Văn Ý – Trưởng thôn Bình Minh: “Từ khi bà con bị thu hồi đất đến nay, chưa có cơ quan nào về địa bàn thống kê số hộ dân mất đất, mất bao nhiêu % để có phương án hỗ trợ việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân. Hình như chủ đầu tư và các đơn vị quản lý đã “quên” rằng: công trình được xây dựng từ “cần câu cơm” của hàng trăm hộ”.

Ông Ý cho biết thêm: Khi mới triển khai dự án, người dân chỉ nghĩ đơn giản rằng: trường đại học đóng tại địa bàn sẽ kéo theo việc kinh doanh như ăn uống, phòng trọ, chợ và nhiều dịch vụ khác phát triển, lo gì thiếu việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, thôn Bình Minh thuộc “sân sau” của Trường Đại học Hà Tĩnh, không có cổng nối xóm với trường, vì vậy, các dịch vụ của bà con cũng khó lòng tồn tại.

Không có đất sản xuất, người dân thôn Bình Minh buộc phải “tha hương, cầu thực”. Ai vay mượn được vốn thì đi xuất khẩu lao động, nếu không thì “Nam tiến” kiếm cơm. Trong thôn bây giờ chỉ toàn phụ nữ và trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Lan cho biết: “Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đề xuất ý kiến nhưng chưa có chuyển biến. Mong muốn của chúng tôi bây giờ là các cấp, ngành cần xem xét, sớm có giải pháp chuyển đổi nghề giúp bà con có việc làm.

Nguyễn Thị Phú/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP