Giáo dục - Đào tạo

Tràn lan sách nhảm: Cần một màng lọc nhiều tầng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều người nhấn mạnh cần một màng lọc nhiều tầng, trong đó có sự tham gia của những người làm sách, các cơ quan quản lý và đặc biệt là vai trò quan trọng của phụ huynh trong việc chọn sách, định hướng đọc sách cho con.

Các nhà nghiên cứu, chuyên viên tâm lý bày tỏ sự trăn trở, lo ngại vì trẻ em hiện nay có thể bị “đầu độc” dễ dàng từ những sản phẩm sách, truyện, tranh ảnh không lành mạnh.
Một câu hỏi – đáp trong cuốn sách Những câu đố vui dành cho trẻ nhanh trí (NXB Hồng Đức) – Ảnh: L.Trang

* Chuyên viên tư vấn tâm lý Phạm Thị Thúy:

Mưa dầm thấm lâu

Sách là người thầy thứ ba của con sau cha mẹ và thầy cô ở trường. Trẻ em ham đọc sách là một may mắn lớn cho tương lai các em và đất nước. Nhưng với tình hình liên kết xuất bản như hiện nay, cha mẹ nên lưu ý không phải sách nào được xuất bản cũng đảm bảo chất lượng.

Vì vậy cha mẹ khi chọn sách cho con cần đọc lướt từ đầu đến cuối để tự kiểm duyệt nội dung. Cần xem tác giả là ai, có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực của họ không.

Có nhiều cuốn sách chỉ do một tổ chức hoặc nhóm tác giả không có chuyên môn tự biên soạn, tự tổng hợp thì độ tin cậy không cao.

Điều đáng lo là trẻ em, nhất là trẻ vị thành niên, hiện nay đang tự chọn sách đọc, hầu hết các em không có người định hướng chọn sách, hướng dẫn cách đọc sách.

Sách các em chọn hiện nay theo bạn theo bè, không ít em chọn đọc truyện tranh có nội dung kích động, bạo lực, thậm chí có tranh vẽ khiêu dâm…

Khi đọc phải những cuốn sách nhảm thì ít nhiều trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều nhảm đó. Dù các em đọc cho vui nhưng mưa dầm thấm lâu sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, thái độ, hành vi hằng ngày. Hệ lụy không thể lường trước hết được.

Có những ảnh hưởng tiêu cực khi các em lớn lên mới bộc lộ, ví dụ như những quan điểm thoáng về chuyện quan hệ trai gái, những ám ảnh về hình ảnh bốc lửa của các cô gái nhân vật trong truyện… có thể phải đến tuổi dậy thì hay lớn hơn mới thấy rõ ảnh hưởng.

Truyện là thức ăn tinh thần, cũng giống như thức ăn hằng ngày, trẻ em ăn phải đồ độc hại sẽ bị ngộ độc và sinh bệnh tật. Mà bệnh về tinh thần rất nguy hiểm, khó chữa hơn bệnh thể chất nhiều lần.

Trẻ em đọc truyện có nội dung bạo lực, tranh ảnh phản cảm, những câu thoại không đúng ngữ pháp, ngôn ngữ không trong sáng hay truyện có những hình minh họa “bẩn”… sẽ làm ô nhiễm tâm hồn các em.

Trước mắt, đọc những sách nhảm khiến các em mất thời gian đọc những sách hay có lợi cho tâm hồn, cuộc sống, cho việc học. Mà rất đáng sợ khi sách nhảm lại hấp dẫn tính tò mò của trẻ hơn là sách hay.

* Bà Vũ Thị Thu Nhi (phó ban biên tập thiếu nhi Nhà xuất bản Trẻ):

Một phần trách nhiệm thuộc về cha mẹ

Ở nước ngoài, thói quen đọc sách của trẻ được hình thành rất sớm và nằm trong chương trình học. Mỗi ngày trẻ phải đọc một cuốn theo yêu cầu và ban đầu phụ huynh tóm tắt lại câu chuyện, sau đó ghi nhận phản ứng của trẻ về câu chuyện trong sách. Lớn hơn một chút, trẻ phải tự tóm tắt và nhận xét về sách đã đọc để nộp cô giáo.

Do đó việc đọc sách còn là sự tương tác với trẻ, hóa thân vào nhân vật và để trẻ xử lý, nói lên suy nghĩ, cảm nhận về cuốn sách. Khi thói quen đọc sách được hình thành, trở thành món ăn không thể thiếu thì trẻ sẽ tự chọn lọc sách mà cha mẹ không phải lo lắng nhiều về việc bé có chọn sách đúng hay không.

Việc lựa sách xuất bản là trách nhiệm của nhà xuất bản, nhưng để tạo ra văn hóa đọc thì có phần trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ. Nếu phụ huynh dành nhiều thời gian đọc sách cùng con sẽ an tâm hơn với trẻ. Thông thường sách thiếu nhi rất mỏng, cha mẹ nên đọc lướt qua để biết nội dung trước khi quyết định mua.

Sách liên kết có mặt xấu như không quản lý được chất lượng, nhiều công ty tư nhân tham gia làm sách không có lực, không có kinh nghiệm. Nhưng mặt tốt của liên kết xuất bản là tránh độc quyền, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh, kích thích các nhà xuất bản nâng cao chất lượng nội dung cũng như hình thức…

* Cô Nguyễn Thị Anh Đào (người có 28 năm phụ trách thư viện tại Trường tiểu học Trương Định, Q.7, TP.HCM):

Lọc và bỏ sách nhảm

Hiện nay trong thư viện của trường, ngoài sách chuyên môn thì sách tham khảo, truyện cho thiếu nhi chủ yếu của hai nhà xuất bản Trẻ và Kim Đồng. Đây là hai nhà xuất bản uy tín về sách thiếu nhi mà giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm khi chọn sách cho con.

Tuy nhiên, trong những đợt hội sách, khi học sinh mang sách từ nhà đến trường để làm kệ sách của lớp hoặc tặng tủ sách thư viện, chúng tôi phát hiện có những cuốn sách thiếu nhi của một số nhà xuất bản không thật sự phù hợp với trẻ em.

Cụ thể, sách có nội dung sai lệch, câu văn không phù hợp lứa tuổi, sai chính tả, biên tập ẩu, có chi tiết nhảm nhí… chúng tôi phải đọc và lọc bỏ những cuốn sách nhảm.

Mặt khác, chúng tôi ghi nhận lại những nội dung này và sau đó trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để lồng ghép trong hoạt động lớp cô sẽ định hướng, hướng dẫn học trò chọn sách, đọc sách.

Trong các buổi tập huấn về chuyên môn thư viện, chúng tôi được hướng dẫn rất kỹ việc tuyển chọn sách của nhà xuất bản uy tín, có nội dung phù hợp từng độ tuổi.

Với trường hợp các nhà xuất bản, nhà sách, cá nhân đến trường giới thiệu sách, nhà trường không tiếp nhận nếu không có văn bản cho phép của các cấp quản lý cao hơn như phòng giáo dục.

* Bà Phạm Thị Hóa (trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM – Fahasa):

Sách thiếu nhi chiếm số lượng lớn

Hiện nay trung bình mỗi tháng Fahasa đưa lên kệ 400-500 đầu sách mới, trong đó sách thiếu nhi chiếm hơn 50%. Sách thiếu nhi do Fahasa khai thác chủ yếu từ nguồn Nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng và các công ty truyền thông xuất bản sách.

Khi nhận mẫu sách được chào hàng, tùy uy tín nhà cung cấp và nội dung mà Fahasa quyết định số lượng sách nhập về. Thông thường sau một, hai tháng nếu thấy sách bán chậm hoặc có phản hồi không tốt từ khách hàng, báo chí thì Fahasa sẽ thu hồi sách trả nhà cung cấp.

Nhà xuất bản, công ty truyền thông liên kết xuất bản sách phải có trách nhiệm đọc và kiểm duyệt kỹ nội dung sách vì những đơn vị này có đội ngũ biên tập viên chuyên môn và bản lĩnh, ngoài ra họ còn qua quy trình thẩm định nội dung chặt chẽ với cấp cao nhất là giám đốc nhà xuất bản.

Trong khi đó đơn vị phát hành thì nhiệm vụ kinh doanh vẫn là chủ yếu và nhân viên kinh doanh, nhân viên nghiệp vụ của Fahasa chỉ có thể thẩm định một cách khái quát.

Mặt khác, theo hợp đồng ký kết giữa Fahasa và các nhà cung cấp sách thì các vấn đề liên quan đến bản quyền, nội dung sẽ do nhà cung cấp chịu trách nhiệm.

* Một cán bộ quản lý xuất bản đề nghị không nêu tên:

Phạt nặng

Thị trường sách hiện nay rất đa dạng với nhiều nhà xuất bản, đơn vị liên kết. Những đầu sách có nội dung phản cảm phần lớn nằm ở sách tham khảo và được cung cấp từ các tỉnh, đặc biệt là từ phía Bắc, đưa vào nên TP không làm gì được vì những đơn vị này không thuộc thẩm quyền quản lý của TP.

Khi phát hiện sách vi phạm, nếu không phải sách của nhà xuất bản thuộc thẩm quyền quản lý, Sở Thông tin – truyền thông sẽ làm văn bản gửi lên bộ đề nghị bộ xử lý.

Theo quy định mới về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản, cơ quan chức năng sẽ làm đến nơi đến chốn các vi phạm, phạt nặng cả nhà xuất bản, đơn vị liên kết, đơn vị phát hành để răn đe.

Tuy vậy, tuyên truyền vẫn là biện pháp tốt nhất và sự góp sức của cơ quan truyền thông trong việc xử lý sách bẩn rất lớn.

LƯU TRANG – HỒNG NHUNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP