Trong thời gian qua, một số phương tiện truyền thông có phản ánh việc sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc nhằm kích thích trái cây như mít, chuối… nhanh chín.
Tại Đắk Lắk, Đoàn của Sở Y tế vừa qua đã đi kiểm tra một số cơ sở mua bán, sơ chế trái cây tại hai huyện Krông Pắk và Ea Ka. Bước đầu đoàn đã phát hiện một số cơ sở không đảm bảo vệ sinh và vẫn tiêm các loại hóa chất kích thích vào trái cây.
Để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương triển khai kiểm tra, xác minh nội dung thông tin như phản ánh của báo.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở chuyên thu mua trái cây, kinh doanh hoá chất trên địa bàn huyện Krông Pắk và huyện Eakar như thông tin báo nêu, lấy mẫu thực phẩm, hoá chất nghi ngờ để kiểm nghiệm.
Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cũng theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, hiện cơ quan này đã yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng hoá chất cấm, sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, hoá chất điều hoà sinh trưởng không đúng mục đích, đối tượng, quá liều lượng cho các hộ trồng cây ăn quả, người kinh doanh trái cây trên toàn địa bàn tỉnh.
Thuốc kích thích trái cây nhanh chín hại sức khỏe thế nào?
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện tại, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng của Bộ nên có thể nói việc sử dụng các loại thuốc thúc chín hoa quả như đu đủ, mít, xoài… là bất hợp pháp.
Trước đó, theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, thuốc ép chín xuất hiện trên thị trường được nông dân trồng trái cây hay sử dụng để thúc chín còn gọi là thúc tố có thành phần chủ yếu là chất ethephon, tinh thể màu trắng, rắn, tỷ lệ hòa tan rất tốt.
Phần lớn các sản phẩm bán trên thị trường hiện nay là các ống thuốc rất bé bằng ngón tay út đựng hóa chất này. Đây là chất không gây ung thư được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm D.
Hoạt chất ethephon có tên thương mại là Ethrel nhưng đây cũng không phải là tên chính thức.
Khi gặp nước, ethephon chuyển thành etylen – một hoocmon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín và quá trình già hóa của cây trồng và nông sản, nên khi phun vào cây, quả, ethephon xâm nhập vào tế bào, bị nước có trong tế bào phân hủy thành etylen.
Căn cứ trên việc khảo sát dư lượng ethrel trong thực phẩm, viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ xác định việc ethrel đi vào cơ thể qua thực phẩm là an toàn nếu liều lượng mỗi ngày không vượt quá mức cho phép 0,05 mg/kg cân nặng.
Với khối lượng của một người là 60kg thì lượng ethrel cho phép dung nạp hằng ngày là 3mg.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ethrel không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” nhưng lại có những độc tính nhất định.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy liều gây chết dùng qua đường ăn uống là LD50 > 2.000mg/kg. Nghĩa là với liều lượng ethrel 2.000mg/kg có thể tiêu diệt 50% các loài động vật thử nghiệm trong một thời gian nhất định (thường là 4 giờ).
Ethrel có hại đối với da và mắt, rất dễ kích ứng làm đỏ mắt, xót mắt, ăn mòn da, gây sưng, đỏ da.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chất ethephon là chất kích thích tăng trưởng dùng cho các loại cây trồng. Hóa chất này có chứa ethylen, phốt pho và clo.
Trong đó chất ethylen có chức năng kích thích chính. Ethylen là chất khí, vì thế thường được kết hợp với các hợp chất khác để tạo nên hợp chất ở dạng lỏng. Khi cho chất ethephon vào quả sẽ tạo nên phản ứng và ethylen bay hơi.
Hiện chất ethylen không được dùng với tư cách là phụ gia thực phẩm mà chỉ là loại thuốc BVTV. Theo một số nghiên cứu, hợp chất ethephone có thể dùng để dấm hoa quả chín đều trong 2 – 3 ngày với lượng thấp.
Tuy nhiên, vì hám lợi và “đốt cháy giai đoạn” nên người bán hàng đã sử dụng hợp chất ethephon với hàm lượng cao.
Với nồng độ này, chất ethylen làm chín nhanh nhưng chưa thể bay hơi hết, vì thế sẽ tồn dư chất clorit gây độc cho người ăn.
Ở giai đoạn đầu ngộ độc, con người sẽ bị kích thích thần kinh gây ra các triệu chứng như nhức đầu, cay mắt… Về lâu dài, chất clorit sẽ tích tụ gây nên các nguy cơ cho gan, thận.
Ông Lê Văn Thiệt cũng cho biết thêm: “Với sầu riêng khi thụ phấn cho tới khi quả chín phải tới 90-100 ngày, qua thời gian 90 ngày thì trái không bị sượng.
Trong khi thương lái lại muốn một vườn thu hoạch 2 – 3 đợt là xong, như vậy những trái chưa tới 90 ngày sẽ bị sượng, do đó người ta sử dụng thuốc thúc trái chín nhanh để trái chín cho đều.
Đồng thời, việc ép cây cho 1 – 2 vụ/năm, vắt kiệt chất dinh dưỡng của cây cũng gây hại tới vườn cây và cả chất lượng quả.
Khi chất lượng cây, quả kém dần thì lập tức bị bồi đủ loại hóa học để tăng tốc độ sai, độ chín… thì khả năng tồn dư hóa chất là khó tránh khỏi, chắc chắn ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.
Làm cách nào nhận diện trái cây “ngậm” thuốc kích thích?
Dưới đây là những “bí kíp” được các chuyên gia bật mí mà người tiêu dùng có thể “lận lưng” khi đi chợ, giúp chọn được trái cây chín ngon tự nhiên, an toàn cho sức khỏe, tránh mua nhầm trái cây chín do dùng thuốc kích thích.
Sầu riêng
Theo ông Lý Tấn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hiện trên thị trường, lượng sầu riêng có “ngậm” thuốc kích thích trái chín chiếm số lượng rất lớn, chỉ một lượng nhỏ là được chín tự nhiên.
Lý do, đa phần sầu riêng đến vụ thu hoạch là do thương lái đến tận vườn cắt chứ không phải chủ vườn cắt.
Mà nếu chỉ cắt những trái sầu riêng già vừa chuyển sang chín thì thương lái chỉ bán được ở cái tỉnh thành lân cận, vì trái chỉ để được thêm 3 – 4 ngày sau là lên mùi, để lâu sẽ bị hỏng.
Trong khi muốn bán đến những thị trường xa như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế… mất nhiều thời gian vận chuyển đòi hỏi thương lái phải cắt trái sớm hơn, lúc đó trái không thể chín tự nhiên mà phải chín bằng thuốc.
Lúc cắt trái từ cây, họ cho ngậm thuốc để khoảng 7 ngày sau chín là vừa. Người mua nhận diện trái có thuốc bằng cách thấy cuống trái héo cũ, gai bầm dập, màu sạm cũ.
Còn sầu riêng chín cây có cuống và gai tươi mới, xách lên ngửi sẽ cảm nhận hương thơm lừng…
Bòn bon
Ông Lý Tấn Phương cho biết cách nhận biết bòn bon chín cây rất dễ. Dưới đít trái có dấu châm kim li ti, trong khi cuống còn tươi, bóc ăn thử một trái cho vị ngọt thanh, cơm trong, hạt đen và nhỏ, đặc biệt không còn mủ.
Ngược lại, bòn bon chín do dùng thuốc kích thích sẽ có màu vàng đất bóng rất đẹp, không hề có dấu châm kim trên trái trong khi cuống bị thâm đen khiến trái dễ rụng khỏi chùm, bóc ăn thử cho vị chua, cơm đục, hạt to có màu hồng và dính mủ vào tay rất nhiều.
Chôm chôm
Tình trạng dùng thuốc kích thích để cho trái chín sớm thường diễn ra vào thời điểm loại trái cây này đang được giá.
Nhà vườn muốn tranh thủ kiếm lợi nhuận cao nên phun thuốc cho chín sớm. Thuốc này cho trái chín sớm thì cũng làm nhanh héo. Quá trình héo diễn ra rất nhanh, chỉ vài tiếng sau khi cắt khỏi cây.
Cách nhận biết tại quầy bán rất đơn giản là trái có cành lá tươi roi rói nhưng râu lại héo queo, nhàu nhĩ. Chôm chôm chín cây cho trái có râu khỏe và tươi, để 2-3 ngày sau vẫn chưa héo.
Măng cụt
Mặng cụt chín cây có cuống rất tươi và chín từng mảng từ đầu cuống lan xuống đít trái. Còn măng cụt chín do “ngậm” thuốc có cuống thâm đen mà ruột ăn chua.
Thanh long
Thanh long chín tự nhiên có vỏ mỏng, thân màu đỏ thẫm trong khi các gai trên trái có màu tươi đẹp. Còn thanh long chín do thuốc kích thích có màu đỏ nhạt, gai trên trái héo, vỏ dày, ăn vị rất nhạt.
Cam, quýt
Cam quýt chín tự nhiên có cuống rất tươi, trái no tròn, các nốt tinh dầu trên vỏ nở to, chín từng mảng từ trên cuống xuống. Cam chín do dùng thuốc sẽ cho màu chín vàng nhạt đều cả trái, cuống héo, các nốt tạo tinh dầu rất bé.
Xoài
Theo ông Nguyễn Thành Nhơn – Hợp tác xã Hòa Lộc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, xoài chín do dùng thuốc kích thích thường chín không đều, có xen kẽ sọc xanh, dễ bị sượng.
Xoài chín cây sẽ có cuống tươi, da căng, chín từng mảng kéo dài từ cuống đến đuôi và từ phần bụng đến phần lưng trái. Trái chín nhiều sẽ có màu vàng đậm và bóp thấy mềm thịt.
Đu đủ
Ông Nguyễn Thành Nhơn cho rằng đu đủ chín cây thì chín ngược lại so với nhiều trái khác, chín từng mảng đi từ dưới đít trái lên cuống, cuống lại rất tươi, dùng tay bấm vào trái thấy mủ chảy ra liền.
Đu đủ chín do thuốc có màu vàng nhợt nhạt và cuống héo, thậm chí mất cuống luôn.
Chuối
Chuối chín cây có da căng tròn, nhìn bên ngoài thấy màu vàng đậm, bóp nhẹ cảm nhận mềm. Trong khi chuối chín do thuốc có màu bên ngoài vàng rất đẹp, bắt mắt nhưng bóp vào trái chuối cho cảm giác cứng.
Mít
Dấu hiệu đầu tiên để “cảnh giác” là mít chưa già (gai bên ngoài nhọn, dày đặc và có màu xanh tươi) mà đã chín múi.
Khu vực gần cuống trái mít (chỗ tiêm thuốc kích thích chín) bị nhũn thối trong khi phần đít trái vừa chín tới chứng tỏ trái mít đó đã được dùng chất kích thích để làm chín.
Người tiêu dùng chỉ nên mua múi mít được lấy ra từ trái chín tự nhiên với đặc điểm: có gai nở to, màu xanh vàng xam xám, chín đều từ cuống đến đít trái.
Theo ĐS&PL