Trung Quốc ngụy biện việc đáp máy bay quân sự xuống Chữ Thập ngày 17/4 nhằm phục vụ mục đích nhân đạo. Ảnh: 81.cn |
– Theo ông đâu là âm mưu thực chất của Trung Quốc khi đưa máy bay quân sự tới đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
– Giáo sư Carl Thayer: Động thái mới nhất nằm trong toan tính của Trung Quốc nhằm phục vụ lợi ích quân sự của họ ở quần đảo Trường Sa. Họ thông báo mục đích là hoạt động nhân đạo, chở 3 công nhân bị bệnh. Nhưng thực chất, không có khủng hoảng nhân đạo cần hỗ trợ ngay lập tức như vậy.
Các tổ chức tình báo và cơ quan phân tích của Australia dự đoán, Trung Quốc sẽ thực hiện các hành động “dứt khoát và khiêu khích” ở Trường Sa. Nhiều khả năng, Trung Quốc đã đưa cán bộ cấp cao tới đá Chữ Thập để giám sát việc chuẩn bị cho những hành động “quyết định và khiêu khích” đó.
– Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Trung Quốc nói đưa máy bay vận tải cứu trợ 3 người thực chất là đưa “máy bay khổng lồ” thử sức chịu nén của đường băng trước khi đưa phi cơ ném bom chiến lược hiện đại nhất của Trung Quốc là H-6 và H-6K xuống đó.
Mục đích chở người bị bệnh thì không cần loại máy bay như vậy khi trọng tải của nó tương đương máy bay chiến lược H6, H6-K hay B-52 của Mỹ.
Leo thang quân sự ở Biển Đông
– Có vẻ Trung Quốc đang thực hiện đúng chiến lược “lát cắt salami” và “tạo sự đã rồi” trên Biển Đông?
– Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc có thể sẽ xây các công trình trên đá Chữ Thập để thể hiện “sự đã rồi” trước quyết định của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia . Ảnh: Getty |
Washington chắc chắn phản ứng trước các hành động sắp tới của Bắc Kinh trên Biển Đông. Mỹ cũng đang xây dựng lực lượng quân sự ở Philippines, gồm triển khai máy bay tấn công mặt đất, để đối phó với Trung Quốc.
– Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là Trung Quốc đang dần hoàn thiện âm mưu leo thang quân sự ở Biển Đông. Điểm lại các động thái gây hấn của Bắc Kinh, chúng ta đều thấy rõ điều đó.
Trung Quốc xây đường băng phi pháp dài hơn 3 km ở đá Chữ Thập để phục vụ việc cất cánh/hạ cánh của H6, H6-K – các máy bay chiến lược tầm xa có tính năng tương đương B-52 của Mỹ. Tại Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh xây đường băng dài 2 km phục vụ tiêm kích J-11, Su-27, Su-30.
Tháng 2, Trung Quốc đưa 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời lắp tổ hợp radar tần số cao ở đá Châu Viên. Từ tổ hợp radar này, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiểm soát tất cả máy bay, tàu chiến của nước ngoài đi qua biển Malacca và Biển Đông.
Sự kiện ngày 17/4 là bước leo thang quân sự tiếp theo ở Biển Đông. Bắc Kinh đang tạo vỏ bọc cho các mục đích thâm sâu. Điều này không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc luôn “nói một đằng, làm một nẻo”.
Trong những tháng còn lại của năm 2016 và đầu 2017, Trung Quốc sẽ hoàn chỉnh toàn bộ căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa và khống chế Biển Đông.
Hành động bất chấp luật pháp sẽ gánh hậu quả
– Các động thái liên tiếp của Bắc Kinh gần đây ở Biển Đông có liên quan tới việc Tòa Trọng tài sắp ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc hay không?
– Giáo sư Carl Thayer: Chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc gần đây tới thăm quần đảo Trường Sa. Từ sự kiện này, có vẻ Trung Quốc sắp đưa ra hành động mang tính quyết định để chiếm lợi thế trước khi PCA ra phán quyết vụ kiện “đường 9 đoạn”.
Trung Quốc sẽ khởi động chiến dịch tuyên truyền quốc tế để làm suy yếu tính hợp pháp của Tòa Trọng tài, bác bỏ phán quyết của tòa và ngang ngược làm ngơ trước chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh cũng tiếp tục hành động phi pháp nhằm củng cố cái mà họ cho là vị thế ở quần đảo Trường Sa và chứng minh, họ có thể hành động mà không sợ bị trừng phạt.
– Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thực ra các động thái đơn lẻ mới nhất từ Trung Quốc không liên quan tới quyết định sắp tới của PCA. Nó nằm trong kế hoạch được giới lãnh đạo Trung Quốc toan tính đầy đủ.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công An. Ảnh: Công Khanh |
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng biết tháng 6 tòa PCA sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc nên Bắc Kinh tìm mọi cách dồn toàn bộ lực lượng để hoàn chỉnh toàn bộ căn cứ quân sự gồm 2 sân bay ở Chữ Thập và Gạc Ma ở Hoàng Sa và Trường Sa, cùng 2 bến cảng – nơi neo đậu của tàu ngầm Trung Quốc.
Nhiều người tin, tòa sẽ ra quyết định có lợi cho Philippines khi bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đi ngược với Công ước về Luật Biển 1982. Phán quyết của PCA không mang tính cưỡng chế đối với Bắc Kinh nhưng phản ánh luật pháp và ý chí quốc tế. Phán quyết sẽ đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn về mặt pháp lý trong quan hệ quốc tế. Chống tòa trọng tài đồng nghĩa Trung Quốc chống lại thế giới và lương tâm loài người.
Phán quyết của tòa là bàn đạp để Mỹ và các đồng minh phê phán, phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông, chèn ép nước nhỏ. Các phê phán sẽ có thêm sức nặng, cho thấy Trung Quốc có thể mạnh về kinh tế, quân sự, nhưng trước hồ sơ Biển Đông, họ không có mẩu pháp lý nào cả.
Chia sẻ với Zing.vn, Giáo sư Jonathan London thuộc khoa Á châu và Quốc tê học, Đại học Thành Thị Hong Kong, việc Trung Quốc đưa phi cơ quân sự tới đá Chữ Thập là bước đi gần nhất thể hiện âm mưu và quyết tâm của Bắc Kinh nhằm sát nhập đảo, đá ở Biển Đồng theo cách trái luật pháp quốc tế.
Động thái này cho thấy giai đoạn mới trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Đó là giai đoạn đầy nguy hiểm nhưng cũng mang tính quyết định khi các nước lúc này cần đoàn kết và tìm giải pháp hợp pháp, đảm bảo quyền lợi an ninh quốc phòng và tự do hàng hải toàn khu vực.