Danh Nhân

Tình yêu cổ tích của cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Trong một lần về mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng, tôi quyết tâm tìm gặp những nhân chứng của một thời khói lửa để được nghe những câu chuyện về tình yêu, về sự hi sinh hạnh phúc tuổi trẻ của những cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

Bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, tôi đã được trò chuyện với ông Nguyễn Đức Hồng, vị hôn phu của chị Võ Thị Tần, nữ đội trưởng Đội thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Và, khi viết những dòng này, điều khiến tôi ám ảnh và luôn thấy rưng rưng trong lòng là ánh mắt đầy hoài niệm của người cựu chiến binh đã bước sang tuổi 70 ấy. Đã hàng chục năm trôi qua, mối tình sâu nặng ấy vẫn chứa chan những kỉ niệm khôn nguôi…

Lời “giao kèo” trước lúc lên đường nhập ngũ


Đã có hàng trăm những bộ phim và các tác phẩm nghệ thuật ca ngợi tình yêu và sự hi sinh cao cả của những cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng có lẽ chừng ấy, hoặc nhiều hơn nữa vẫn không khi nào đủ để có thể xoa dịu nỗi đau của những người ở lại. Đi cùng với niềm tự hào, vẫn là nỗi đau, sự xót xa, tiếc nuối cho những bông hoa lịch sử ấy.


Chính vì thế, tôi biết rằng, gặp người xưa, ôn lại chuyện cũ, ít nhiều sẽ khiến họ tổn thương, day dứt. Nén lại tâm trạng có đôi chút băn khoăn, tôi mạnh dạn tìm gặp ông Nguyễn Đức Hồng (70 tuổi, trú tại xã Thiên Lộc, Can Lộc). Nhìn dáng người nhỏ nhắn trong chiếc áo xanh màu bộ đội, khuôn mặt hằn những nếp nhăn khắc khổ, tôi càng mến phục trước người chiến sĩ đã từng trải qua mưa bom bão đạn, hi sinh hạnh phúc bản thân đi theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước.


Hướng ánh mắt xa xăm, ông đưa tôi về quá khứ: “Nhà tôi và nhà Tần ở chung làng, chỉ cách nhau mấy trăm mét. Tuổi thơ lớn lên cùng nhau, lại học cùng trường, chẳng biết chúng tôi cảm mến nhau từ khi nào. Đến tuổi cập kê, vốn là người con gái xinh xắn, dễ thương, con trai khắp làng trên xóm dưới ai cũng mong cưới được Tần về làm vợ.


Thế nhưng chẳng hiểu sao Tần lại chọn tôi – chàng trai nghèo khổ, vất vả nhất làng. Cha mẹ Tần tôn trọng quyết định của con và không hề ngăn cấm gì. Không giống như bây giờ được tự do bày tỏ tình yêu, ngày đó tình cảm chúng tôi trao cho nhau chỉ qua ánh mắt nhìn e lệ, hay cái cầm tay vụng trộm. Còn nhớ mỗi lần đến chơi, ông Cung – cha của Tần bắt hai đứa ngồi yên trước ngọn đèn dầu chứ tuyệt đối không được đi đâu. Thế nên hai đứa chẳng dám nói gì, những yêu thương chỉ trao nhau qua ánh mắt… Ánh mắt ấy mãi mãi sau này cứ ám ảnh tôi…


Sau một thời gian tìm hiểu, hai bên gia đình quyết định cho chúng tôi tiến thêm bước xa hơn. Tháng 10/1964, chúng tôi làm lễ ăn hỏi. Sau lễ ăn hỏi, hai họ công nhận chúng tôi là vợ chồng và được coi như con cháu trong nhà. Khi nào tổ chức lễ cưới thì mới đưa Tần về nhà tôi. Hồi đó, theo tục lệ địa phương, hai đứa phải đi khắp nhà bà con hai họ gửi một cân thịt, một cái bánh chưng, cau trầu và một nắm chè xanh coi như lễ nhận họ hàng.


Tình yêu thương chân thành cùng những nghi lễ ấy đã gắn kết chúng tôi làm một. Chúng tôi hẹn ước, khi nào có điều kiện sẽ tổ chức lễ cưới và dựng xây gia đình hạnh phúc. Thế rồi, khi thấy chiến trường ngày càng cần thêm sức người, tháng 2/1964, tôi vào bộ đội. Trước khi lên đường, Tần trao tận tay tôi hai kỷ vật đó là một bức ảnh và một lọn tóc thề. Lọn tóc như lời hứa trọn đời sắt son, thuỷ chung của người con gái ấy đã theo tôi qua biết bao chiến trường. Kỷ vật thiêng liêng đó sau này tôi lại cho khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc, còn bức ảnh tôi lưu giữ làm ảnh thờ của Tần”.


Và rồi, dù đã trải qua hàng chục năm, ông Hồng vẫn nghẹn ngào khi nhớ lại lời căn dặn của người vợ hiền. Ông thổn thức nói: Trước khi đi, Tần dặn tôi: “Ung (cách xưng hô thân mật của người Hà Tĩnh – PV) đi cố gắng hoàn thành nghĩa vụ. Ung mà đảo ngũ là tôi không có tin nữa mô đó!”. Nghe lời nói chan chứa yêu thương nhưng cũng ẩn chứa ý tứ nhắc nhở về trách nhiệm của một người trai trẻ đối với thời cuộc, tôi mỉm cười nói với Tần rằng: “Được rồi, ung cứ yên trí. Không phải lo chi… Thanh niên đứng đắn mà đảo ngũ là… không chơi”. Dường như phải khó khăn lắm ông Hồng mới nhắc lại được những lời nói ấy. Đôi mắt ông rưng rưng, giọng như nghẹn lại.



Ông Nguyễn Đức Hồng nặng lòng khi nhớ về mối tình đầu với liệt sỹ Võ Thị Tần.


Cuộc chia ly nghẹn đắng


Tiếp mạch câu chuyện, ông Hồng nhớ lại những tháng ngày chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc. Tháng 2/1964, ông lên đường nhập ngũ và được phân về đại đội Lê Hồng Phong, Trung đoàn 270, Quân khu 4. Sau khi đi vào giới tuyến Vĩnh Linh, ông được điều ra đảo Cồn Cỏ (Vịnh Mốc) chiến đấu. Ngày 1/1/1968, ông được cử đi học ở trường sĩ quan ở Sơn Tây (Hà Nội). Ông đinh ninh lần này sẽ xin đơn vị mấy hôm để cưới vợ. Năm 1969, khi về đến quê hương, ông hay tin sét đánh người vợ yêu thương bé bỏng của mình đã hi sinh trước đó một năm.


Ông Hồng xúc động nói: “Về nhà tôi mới nghe gia đình kể lại vì sợ mất Tần, đã có lần đôi bên họ hàng đã từng bàn nhau tổ chức một buổi cưới “khống”, chấp nhận không có mặt tôi trong lễ cưới để giữ chân Tần, không cho Tần tham gia thanh niên xung phong. Tuy nhiên, Tần kiên quyết không đồng ý và đã lên đường đi thanh niên xung phong, tham gia gỡ bom tại Ngã ba Đồng Lộc khói lửa. Mỗi lần về phép, Tần đều qua nhà thăm và động viên bố mẹ tôi. Khi đó, bốn anh em tôi cùng đi đánh Mỹ nên nhà cửa vắng vẻ lắm”.


Những ngày tham gia chiến đấu, hình ảnh người yêu bé nhỏ cứ luôn chan chứa trong ông và là động lực cho ông trong những giây phút cam go nhất. Trong một lần đóng quân tại một bản người dân tộc ở phía Bắc, ông Hồng đã từng nằm mơ thấy vợ yêu. Ít phút gặp nhau ngắn ngủi trong mơ, người vợ trẻ chỉ dặn ông một câu ngắn gọn: “Anh cố gắng giữ sức khỏe nhé”!… Lời căn dặn như điềm báo về một cuộc chia ly mãi mãi.


“Tình cảm ấy thiêng liêng lắm”


Trở về quê hương, dù người yêu thương không còn nữa, nhưng gia đình bên ngoại vẫn coi ông như con cái trong nhà. Về phần ông Hồng, ông cũng thường xuyên đi lại và chăm lo cho gia đình bên ấy. Ông cho hay: “Mẹ Tần mất trong một trận bom ác liệt Mỹ dội xuống địa bàn xã Thiên Lộc, ba ngày sau mới tìm thấy xác. Ông cụ thân sinh ra Tần lại thêm phần đau đớn. Sau khi mọi chuyện nguôi ngoai, ông cụ còn động viên tôi lập gia đình và đích thân cụ đi hỏi bà Minh về làm vợ cho tôi. Bà Minh cũng là người phụ nữ ngoan hiền, hiếu thuận và rất khéo léo.


Tình cảm giữa hai bên gia đình nội ngoại, bà đều lo lắng rất chu toàn. Khi biết tôi có ý định lập bát hương thờ mẹ Tần và Tần trên ban thờ gia đình, bà ấy hoàn toàn đồng tình và còn động viên tôi rất nhiều”. “Trong gia đình tôi, Tần được xem như là một thành viên chính, vợ tôi coi Tần như một người chị, các con tôi gọi Tần là mẹ. Tình cảm ấy thiêng liêng lắm, tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả hết. Dù đã trải qua biết bao đắng cay, gian khổ, nhưng tôi cảm nhận mình là người đàn ông hạnh phúc nhất đời vì đã có hai người phụ nữ tuyệt vời, yêu thương, chung thuỷ và dành trọn cuộc đời cho tôi”, vị cựu chiến binh xúc động chia sẻ.


Ánh mắt và tâm trạng của người cựu chiến binh già cứ ám ảnh mãi trong tôi. Những giây phút được lắng nghe tâm sự về chuyện tình yêu cổ tích của cô gái đã đi vào lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thật đẹp và là một cảm xúc đáng trải nghiệm, trân trọng trong cuộc đời cầm bút của tôi.

Sâu nặng mối tình đầu

Suốt buổi gặp gỡ, dường như không khi nào ánh mắt ẩn sau đôi mắt kính của ông không ngân ngấn lệ. Những lời nói đứt đoạn, những câu chuyện dở dang cứ làm người viết nghĩ ngợi khi vô tình đã khơi dậy những hoài niệm trong ông. Nó đẹp nhưng buồn, một nỗi buồn sâu nặng mà dường như chỉ có ông cảm được. Ông nói: “Cảm xúc nhiều không thể diễn tả nổi. Nhưng đã ở cuối đời, cứ nghĩ lại lại thấy day dứt vô cùng. Càng kể càng đau. Bởi mối tình đầu bao giờ cũng rất sâu nặng…”.


Phạm hạnh

Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP