Dự kiến sáng nay, 13-5, Hoàng Công Lương cùng bốn bị cáo trong sự cố chạy thận khiến chín người tử vong sẽ hầu tòa trong phiên xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình. Đáng chú ý, so với phiên sơ thẩm hồi cuối tháng 1, vụ án này có nhiều tình tiết mới phát sinh. Những tình tiết này có thể trở thành điểm mấu chốt ảnh hưởng tới kết quả của phiên phúc thẩm.
Hoàng Công Lương nhận thức lại ra sao?
Thay đổi lớn nhất của vụ án có lẽ đến từ chính Hoàng Công Lương, bị cáo nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Lương bị TAND TP Hòa Bình tuyên phạt 42 tháng tù về tội vô ý làm chết người. Hai lần tòa sơ thẩm mở, Lương đều kêu oan. Lương cho rằng mình là bác sĩ, chỉ thực hiện công tác khám chữa bệnh, cứu chữa cho bệnh nhân chứ không thể đảm bảo chất lượng nguồn nước.
Kết thúc phiên sơ thẩm, Lương tiếp tục kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, ít ngày sau, Lương bổ sung kháng cáo theo hướng xin miễn trách nhiệm hình sự.
Kêu oan và miễn trách nhiệm hình sự là hoàn toàn khác nhau. Trong đó, kêu oan nghĩa là khẳng định mình không có tội, còn xin miễn trách nhiệm hình sự nghĩa là thừa nhận hành vi của mình đã phạm tội nhưng xin được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một bất ngờ lớn khác đó là Hoàng Công Lương đã từ chối 9/11 luật sư (LS) đã bào chữa cho mình theo hướng vô tội tại các phiên sơ thẩm. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tại phiên phúc thẩm, Lương chỉ có duy nhất một LS bào chữa. Đây là lần đầu tiên vị LS này tham gia vụ án này.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về điều này, Hoàng Công Lương cho biết sẽ tiếp tục làm thủ tục mời thêm LS cho mình. Còn về quan điểm tội danh, Lương nói “làm sao để hài hòa, tốt đẹp cho mình”.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Nhìn nhận mới của gia đình các nạn nhân
Về phía người nhà chín nạn nhân, các gia đình này cũng có đơn đề nghị tòa phúc thẩm xem xét, chấp nhận bồi thường toàn bộ chi phí thực tế, bao gồm các khoản chi phí mai táng, kể cả do phong tục tập quán hay giá cả vùng miền.
Đáng chú ý nhất, các gia đình cho rằng nếu HĐXX phúc thẩm xét thấy Hoàng Công Lương có tội thì sẽ xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Như vậy, khác với phiên tòa sơ thẩm lần một và lần hai trước đây khi các gia đình đều khẳng định Hoàng Công Lương vô tội, đến nay họ đã chuyển sang xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo “trong trường hợp tòa xác định có tội”. Điều này cũng trùng hợp với nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin miễn trách nhiệm hình sự của bị cáo Hoàng Công Lương.
Các gia đình còn đề nghị xử lý thật nghiêm hai bị cáo Trương Quý Dương và Hoàng Đình Khiếu vì hai người này đã buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát quy trình dẫn tới hậu quả chín người chết.
Ở một diễn biến khác, thay vì LS quen thuộc trong các phiên tòa trước đây, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình các bị hại cũng được thay bởi một LS hoàn toàn mới.
Bộ Y tế lo bệnh nhân “chết đúng quy trình” Đáng chú ý, ba ngày trước khi phiên phúc thẩm mở, Bộ Y tế có văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến ký, gửi TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình, bày tỏ quan điểm của mình về vụ án. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế có ý kiến trực tiếp về vấn đề tội danh đối với các bị cáo. Bộ này nhận định lỗi của Lương chỉ là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp đến cái chết của nạn nhân, việc xác định bị cáo là chủ thể tội vô ý chết người là không thuyết phục. Văn bản của Bộ Y tế nêu: Nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội vô ý làm chết người sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y tế. Các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình sẽ bám vào thủ tục hành chính, bám vào quy trình nhiều hơn, mất rất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì cho sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để tận tâm chữa bệnh, cứu người. Hậu quả cuối cùng là người chịu thiệt thòi nhất lại là người bệnh vì họ sẽ chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trình… |
Tác giả: Tuyến Phan
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM