>> Công chúng “đọc” được gì qua bài phỏng vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh?
Tiến sỹ Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh (Ảnh: Đặng Sơn) |
Né tránh, đổ lỗi cho cơ sở
Trước câu hỏi: “Ông đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện chương trình mô hình trường học mới VNEN ở Hà Tĩnh cho đến thời điểm này?”, ông Trần Trung Dũng trả lời vòng vo, qua chuyện, chủ yếu nói về số lượng các trường đã triển khai.
Về cái “được” của VNEN, theo ông Dũng là “ngoài các chuẩn kiến thức – kĩ năng, học sinh được bổ sung nhiều kĩ năng khác. Có người đã nhận xét, lâu nay học sinh Hà Tĩnh học giỏi nhưng bị hạn chế một số kĩ năng, nên chừng mực nào đó, mô hình này bổ trợ các kĩ năng cho các em”. Theo ông Dũng, “hiệu quả” của VNEN, vốn được ngành giáo dục, đứng đầu là ông, chỉ đạo rất quyết liệt, chỉ đem lại “bổ trợ các kỹ năng”, mà không rõ là kỹ năng gì, đạt được ở mức độ nào.
Về “tồn tại, hạn chế” của VNEN, ông Trần Trung Dũng tóm lược: “triển khai một số cơ sở quá máy móc, rập khuôn thì sẽ có những cái không thật phù hợp. Hai là chúng ta chủ yếu tập trung làm chuyên môn, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông để xã hội và nhất là các lực lượng liên quan hiểu đầy đủ để cùng chung sức triển khai”.
Như vậy là lãnh đạo Sở GD – ĐT và các Phòng GD – ĐT không hề có bất cứ trách nhiệm gì, tất cả do “cơ sở quá máy móc, rập khuôn”, rồi do “chưa làm tốt công tác tuyên truyền”. Ý cơ sở “máy móc” còn được ông nhắc lại nhiều lần. Theo nguyên tắc hoạt động của các cơ sở giáo dục, phải tuân thủ nghiêm túc quy chế chuyên môn, sự chỉ đạo của cấp trên. Đã không khen, ông Giám đốc còn đổ lỗi cho cấp dưới. Và cũng không hiểu ông nói gì trong vế “chưa làm tốt công tác tuyên truyền”?
Thưa ngài Giám đốc, cách tuyên truyền tốt nhất, hiệu quả nhất của chương trình, dự án giáo dục chính là chất lượng, hiệu quả giáo dục. Một dự án mà đem lại kết cục “con em càng học càng dốt”, “phụ huynh kêu trời”, “biểu tình” thì có tuyên truyền đến đâu, cũng vô ích.
Thiếu trung thực
Trước câu hỏi: “Chủ tịch UBND tỉnh vừa có quyết định dừng thực hiện đại trà chương trình VNEN. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này?”
Ông Trần Trung Dũng trả lời: “Cá nhân tôi cũng như ngành giáo dục Hà Tĩnh thấy chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh là cần thiết. Lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo như vậy mới tránh được những nóng vội từ phía cơ sở, từ đó chúng ta làm cẩn trọng hơn.Trong quá trình thực hiện VNEN ở Hà Tĩnh còn có những vấn đề rập khuôn, máy móc nên chúng ta chưa nhân rộng là cần thiết”.
Trong khi chương trình VNEN, một dự án thí điểm, chưa có sự tổng kết, đánh giá; Sở GD – ĐT Hà Tĩnh mà đứng đầu là ông Trần Trung Dũng đã có nhiều chỉ đạo, ban hành văn bản yêu cầu triển khai đại trà trên phạm vi toàn tỉnh; không hề thông qua ý kiến học sinh, phụ huynh và các nhà trường. Nhiều Phòng GD – ĐT, nhà trường dù không đồng ý nhưng cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để “cắn răng” triển khai VNEN. Do đó, mới bị Chủ tịch tỉnh đình chỉ, yêu cầu kiểm điểm.
Làm liều lĩnh như vậy, nhưng giờ đây ông Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Tĩnh lại tráo trở, đổ lỗi cho cấp dưới là “nóng vội”.
Giám đốc Sở “hiểu nhầm” về VNEN?
Trước thực trạng các trường “đập bục giảng, cưa ngắn bàn hay đã mua tài liệu dạy học” để triển khai thực hiện VNEN, ông Trần Trung Dũng phát ngôn: “Không phải cứ đập bục giảng, cưa ngắn bàn hay mua tài liệu mới là thực hiện mô hình trường học mới. Vì đó chỉ là những yếu tố hỗ trợ để chúng ta thực hiện tốt hơn. Nhưng để nguyên thì vẫn triển khai được, chúng ra phát triển dần”.
Theo như “ý tứ mà suy”, thì ông Giám đốc Sở GD – ĐT Hà Tĩnh cho rằng không cần phải tổ chức lớp theo mô hình mới (bỏ bục giảng; quay bàn lại theo nhóm), và không cần cả tài liệu VNEN vẫn có thể triển khai VNEN?
Theo ông Trần Trung Dũng, đó chỉ là những yếu tố “hỗ trợ”?!
Ý kiến của ông Trần Trung Dũng đã “sổ toẹt” tất cả những tài liệu, bài giảng, mô hình của Bộ GD – ĐT (đưa về từ Colombia) về VNEN.
Theo tài liệu của Bộ GD – ĐT, VNEN được giải thích: “Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy – học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy – học…
Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới về các hoạt động sư phạm, một trong những hoạt động đó là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học” (http://tieuhoc.moet.gov.vn/ver2/index.php?u=soct&page=3337).
Chắc ngài Giám đốc – Tiến sỹ chưa đọc tài liệu này, hay là ngài đã vội quên?. Xin ngài nhớ cho các ý cần tô đậm “đổi mới căn bản” “và “điểm nổi bật”, “tài liệu học tập” của mô hình VNEN.
Một trong những đổi mới căn bản đó là VNEN không có sách giáo khoa, mà chỉ có tài liệu hướng dẫn học (tài liệu học tập); giáo viên không phải soạn giáo án.
Không khỏi “choáng” khi đọc nhận định của ông Tiến sỹ: “Sách VNEN là công cụ để hỗ trợ chúng ta thực hiện chương trình tốt hơn. Có thể thực hiện không cần sách này. Sách này bản chất gần như là giáo án trong hồ sơ chuyên môn. Bản chất tài liệu này là đưa ra các yêu cầu, hình thành các hoạt động cho giáo viên và học sinh”.
Thật không hiểu nổi. Trong khi từ Bộ GD – ĐT cho đến tất cả các địa phương khác, ai cũng hiểu rằng chương trình VNEN thì phải có sách VNEN; giống như muốn đá bóng thì phải có quả bóng. Có thể có cách so sánh hơi khập khiễng: theo ý ông Tiến sỹ, có thể dùng quả bóng bàn, vẫn đá bóng ngon ơ, và trở thành cầu thủ giỏi?
Nếu ông làm được điều này, thì tin chắc rằng, đây quả thực là một đề tài Tiến sỹ rất ăn khách.
Không hiểu những GV và phụ huynh ở các trường, đã được Giám đốc quán triệt như thế rồi, mà vẫn ngớ ngẩn, bỏ ra bao nhiên tiền để phá bục giảng, cưa bàn, và mua những bộ sách VNEN với giá cắt cổ?. Vậy thì bị “mắng” là “máy móc” quả cũng không oan lắm.
Với tầm, khả năng nhận thức của người đứng đầu về VNEN như vậy, dễ hiểu vì sao Sở GD – ĐT Hà Tĩnh lại chỉ đạo triển khai ồ ạt VNEN, dẫn đến những hậu quả khôn lường, đến nay vẫn còn dai dẳng.
LÊ KIÊN CƯỜNG