Chia sẻ trong chương trình Cà phê sáng mới đây của Đài Truyền hình Việt Nam, PGS.TS Lê Anh Vinh cho biết anh dạy trẻ em học toán thông qua trò chơi. Theo anh, trẻ khó có thể thích một bài thơ nhưng dễ thích học toán.
Tuy nhiên, hiện nay, những đứa trẻ không thể trả lời câu hỏi “Con thích bài toán nào nhất?”, bởi đối với chúng, toán là giải bài tập. Rất ít em suy nghĩ về những bài toán chưa thể giải.
Video:
5 nguyên tắc dạy trẻ học toán của tiến sĩ Lê Anh Vinh PGS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ 5 nguyên tắc dạy toán, gồm luôn đặt câu hỏi, cho trẻ thời gian, hướng dẫn trẻ tự tìm câu trả lời, chấp nhận sự khác biệt và chú trọng trò chơi.
“Tôi nhớ khi còn đi học, mọi thứ không thế này. Sách bài tập có toán sao, không giải được sẽ rất khó chịu. Bạn nào giải được sẽ rất vui và tự hào. Tôi muốn việc dạy toán cho trẻ bây giờ phải như vậy, khiến các bé cảm thấy bài toán này hay, nếu không giải được phải suy nghĩ và trăn trở về nó.
Tôi thấy toán học như bức tranh nhiều màu sắc, rất đẹp. Nhưng trong chương trình học của chúng ta, trẻ con không được học bức tranh ấy. Nó được yêu cầu tô màu nhưng không được vẽ, không được nhìn, không được cảm nhận bức tranh ấy”, PGS.TS Lê Anh Vinh nêu quan điểm.
Anh so sánh các bài toán giống nhau như một hàng rào, giải các bài giống nhau như việc tô màu hàng rào.
Đề cập việc dạy học cho trẻ, người nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard, Mỹ (tháng 5/2010) thông tin anh đặt ra 5 nguyên tắc: Luôn đặt câu hỏi, cho trẻ thời gian, không giúp trẻ trả lời mà phải hướng dẫn trẻ tự tìm câu trả lời, chấp nhận sự khác biệt và chú trọng các trò chơi.
Bên cạnh đó, phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013 cho rằng mọi người đang đánh đồng trẻ nhanh nghĩa là thông minh, bé chậm là không thông minh và không học được. Tuy nhiên, thực tế, mỗi em có một ưu điểm riêng. Học sinh không tính nhanh nhưng có thể suy nghĩ logic tốt.
“Đứa trẻ không cần người dẫn dắt mà cần bạn đồng hành. Nhiều thầy cô và phụ huynh quên mất điều đó. Họ cứ nghĩ con phải theo đường này, làm cái này mà quên mất trẻ cần một người ngô nghê giống mình, cùng khám phá thế giới”, giảng viên ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh.
Tiến sĩ trẻ thông tin trẻ có thể học những kiến thức cao siêu ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng kiến thức đó phải được lồng vào trong hoàn cảnh mà các em có thể hiểu.
PGS.TS Lê Anh Vinh nghĩ cách dạy toán cho học sinh như hiện nay cần phải thay đổi, không nên bắt các em học những thứ khô khan trong tờ bài tập.
“Mình thay đổi thế nào trẻ cũng thích ứng được. Cái khó là thay đổi giáo viên”, anh nói.
Anh Vinh cho hay muốn trẻ làm tốt mọi việc phải cho các em hiểu ý nghĩa của việc đó. Toán học hiện nay xa rời thực tế. Người dạy phải có trách nhiệm lồng thực tế vào trong môn học này, thậm chí mang cả truyện cổ tích vào bài.
“Tôi mong muốn nhân rộng thái độ học tập của trẻ, làm sao để thái độ của tích cực và cảm thấy thích học”, TS Vinh nói.
Kim Ngân (Theo VTV)