Xã hội

Tiền giả, pháo lậu rao bán tràn lan trên mạng dịp cận Tết

Nhiều người đang "vô tư" bán các mặt hàng bị cấm trên mạng xã hội.

Gần Tết, mạng xã hội sôi động với các hoạt động mua sắm online. Bên cạnh áo quần, giày dép... gần đây còn xuất hiện các mặt hàng bị cấm, như pháo hoa lậu, pháo nổ lậu, điện thoại giả và cả tiền giả.

Trên Facebook, chỉ cần nhập một số mặt hàng bạn muốn mua vào khung tìm kiếm, hàng trăm kết quả hiện ra, chủ yếu là các hội nhóm kín, phải được phê duyệt mới có thể xem nội dung bài viết. Người mua thường được yêu cầu để lại số điện thoại dưới phần bình luận để người bán liên lạc, hoặc nhắn tin trực tiếp. Đa phần, người bán sử dụng tài khoản ảo, không có nhiều thông tin cá nhân.

Một chủ đề rao bán pháo lậu trên Facebook.

Liên hệ với một chủ tài khoản chuyên bán pháo, người này đưa hẳn "bảng giá" để lựa chọn, như pháo diêm 5.000 đồng mỗi hộp, pháo bi 200.000 đồng mỗi hộp, pháo hoa hộp 24 và 36 quả giá từ 300.000 - 500.000 đồng. "Sản phẩm" nào cũng có hình ảnh minh họa. Pháo sau đó sẽ được giao tại nhà hoặc địa điểm khách yêu cầu, bên ngoài được ngụy trang, dán nhãn là quần áo, giày dép để tránh bị phát hiện.

Bên cạnh pháo lậu, tiền giả cũng được mua bán công khai trên mạng xã hội. Các hội nhóm buôn bán mặt hàng này vẫn hoạt động theo hình thức nhóm kín và trao đổi thông tin qua tin nhắn hoặc gọi điện. Các mệnh giá phổ biến vẫn là 500.000 đồng, nhiều nhất là 200.000 đồng với tỷ lệ "một ăn năm" (tức một tờ tiền thật đổi năm tờ tiền giả", có nơi lên tới "một ăn sáu" (tức một tờ tiền thật đổi sáu tờ tiền giả).

Tiền giả cũng được mua bán công khai trên mạng xã hội.

Phía dưới phần nhận xét, một số người vẫn để lại số điện thoại để mua hàng cấm. Trong khi đó, không ít tỏ ra bất bình, lên án và cảnh báo người bán có thể "trả giá đắt" vì đã vi phạm pháp luật, thậm chí trích dẫn điều luật để bình luận.

Các chủ đề rao bán điện thoại giả, nhái các thương hiệu uy tín thì nhiều vô kể và có tần suất tăng cao từ đầu tháng 1/2018. Chỉ cần gõ thử các từ khóa như "mua pháo nổ", "mua tiền giả" hay "điện thoại fake" lên Google, hơn một triệu kết quả hiện ra chỉ trong vòng chưa tới nửa giây.

Theo đại diện Facebook, những tài khoản buôn bán, quảng bá hàng cấm (dựa trên pháp luật nước sở tại) là những tài khoản đã vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng (Community Standards) của mạng xã hội này. "Facebook nghiêm cấm bán hoặc mua những mặt hàng được kiểm soát bởi chính phủ trên nền tảng của chúng tôi và sẽ xóa nội dung, tài khoản vi phạm đó khi người dùng báo cáo", đại diện Facebook cho biết. Bên cạnh đó, họ cũng nhấn mạnh sẽ kết hợp với chính quyền, để loại bỏ những tài khoản được sử dụng cho mục đích xấu hoặc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ cũng như các hoạt động bất hợp pháp... Buôn bán tiền giả và pháo nổ nằm trong số đó.

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ thuộc công ty luật Tín Nghĩa tại TP HCM, chủ tài khoản mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung mình đưa lên. "Các cá nhân dùng Facebook để giới thiệu, tiếp thị hàng hóa nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận thì phải tuân thủ quy định pháp luật, bên cạnh việc phải đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng", luật sư Lễ nhấn mạnh.

Luật sư Lễ cho hay, riêng với pháo, nếu người nào vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép pháo có số lượng từ 1 đến dưới 15 kg hoặc dưới số lượng đó nhưng đã bị xử lý hành chính thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Với tiền giả, điều 180 Bộ luật Hình sự quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị dưới 3 triệu đồng thì bị phạt tù 3 đến 7 năm; từ 3 đến 50 triệu đồng bị phạt tù 5 đến 12 năm, còn nếu từ 50 triệu đồng trở lên thì có thể chịu 10 đến 20 năm tù hoặc chung thân. Cả người mua và bán đều phạm tội.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP