Các công trình hồ đập do công ty quản lý có tổng dung tích gần 600 triệu m3, hàng năm phục vụ tưới tiêu cho hơn 46.000 ha đất trồng lúa 2 vụ và cây trồng cạn, cấp nước phục vụ cây công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, điều tiết lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái…
Ngoài một số hồ đập lớn đã được nâng cấp an toàn như: Kẻ Gỗ, Thượng Tuy, Đập Bún, Tàu Voi, Sông Rác, Đá Cát, Mạc Khê…, phần lớn các hồ chứa, nhất là vùng Hương Khê do công ty quản lý được xây dựng từ những năm 1960-1970 đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Hệ thống thủy lợi hồ sông Rác (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh) vừa được nâng cấp, sửa chữa |
Qua rà soát, hiện có 19 công trình hồ đập nhỏ bị thấm, cống lấy nước bị rò rỉ, nhiều tràn xả lũ nhỏ không được gia cố nên không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ đập. Mặt khác, một số công trình có chỉ tiêu kỹ thuật không còn phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và tiêu chuẩn hiện hành. Các hồ này chưa được nâng cấp, sửa chữa nên nguy cơ mất an toàn cao.
Điều đáng nói, một số công trình từ khi xây dựng đến nay chưa được sửa chữa, nâng cấp như: đập Làng, đập Họ, Khe Trồi, Khe Sông, Khe Dài… Phần lớn tràn đất tự do ở các công trình này đều bị xói lở, thân đập thấp và yếu, xuất hiện rò rỉ tại nhiều vị trí. Riêng các công trình xẩy ra sự cố đã được sửa chữa như đập Họ Võ, Khe Con, Mục Bài, Khe Nậy nhưng hiện nước rò rỉ tại đập chính, đập đất yếu, đòi hỏi kinh phí lớn, kỹ thuật phức tạp.
Các đập: Hội, Nhà Lao, Mưng, Khe Trạng, Ma Leng đã được sửa chữa trong những năm 2005. Tuy nhiên, khi lập đầu tư dự án, do nguồn vốn hạn hẹp, nâng cấp không đồng bộ, việc áp dụng các tiêu chí kỹ thuật trước đây không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu nên hiện nay công trình đầu mối vẫn chưa đảm bảo an toàn, lượng nước rò rỉ qua đập đất lớn, đập yếu và thấp, tràn xả lũ bị hư hỏng và nhiều chỗ bị xói lở.
Theo ông Trịnh Xuân Cần – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đối với các công trình miền núi do nguồn thủy lợi phí thấp nên không đủ chi phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đầu mối. Các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tài trợ chương trình, dự án nước ngoài trước đây chưa đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa giải quyết được tình trạng mất an toàn công trình trong điều kiện diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu hiện nay.
Trước thực trạng khó khăn trên, công ty xây dựng phương án phòng chống bão lụt cho các hồ chứa, an toàn công trình thủy lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản và người dân vùng hạ du khi xẩy ra sự cố do mưa bão gây ra. Trong đó, đơn vị đặc biệt chú trọng các công trình hồ đập nhỏ bị xuống cấp, mất an toàn cao. Đối với các hồ đập bị rò rỉ, công ty bố trí cán bộ kỹ thuật thường xuyên túc trực, theo dõi quan trắc tình trạng thấm. Nếu phát hiện rò rỉ quá mức cho phép thì sử dụng phương án di dời dân vùng hạ du. Những công trình có thân đập yếu, công ty tiến hành nâng, đắp bổ sung đỉnh đập, tránh tình trạng nước lũ tràn qua đập đất, gây xói lở. Mặt khác, chuẩn bị bao tải đựng đất để đắp thành con lươn nhằm ngăn nước tràn qua đập đất khi nước trong hồ dâng cao. Đặc biệt, các công trình đầu mối tại những địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn, đơn vị đã “sắm” 2 chiếc thuyền máy để tiến hành kiểm tra, phát hiện sự cố báo cáo kịp thời để xử lý. Công ty cũng đã trích kinh phí sửa chữa hệ thống đóng mở không kín cho 6 hồ nhằm đảm bảo an toàn cho cống dưới đập khi mưa lũ xảy ra.
Bên cạnh đó, công ty thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra nhân lực, vật tư dự phòng, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xẩy ra. Đồng thời, phối hợp với các địa phương phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành lang hồ chứa nước thuộc đơn vị quản lý….
Hoàng Long/Baohatinh.vn