Nhân ái

Thương thiên thần nhí 6 tháng tuổi phải bỏ con mắt vì ung thư võng mạc

Hơn 6 tháng tuổi, số ngày nằm viện của Quỳnh Chi còn nhiều hơn số ngày ở nhà. Ba tháng trước, bác sĩ phải múc bỏ một bên mắt của cô bé để ngăn ngừa tế bào ung thư lây lan và giữ lại sự sống cho em.

Kể từ khi cô con gái thứ 3 phát hiện bệnh, gia đình anh Đức đã rơi vào cảnh kiệt quệ, nay hai người chị của Quỳnh Chi cũng phải xuống viện kiểm tra hàng tháng vì có khả năng cao mắc bệnh khiến gia đình rơi vào bước đường cùng.

Căn nhà của gia đình anh Quách Văn Đức (SN 1984) và chị Phạm Thị Thắm (SN 1986) nằm sâu trong mảnh rẫy cà phê tại thôn Tân Bình, xã Đắk R’Moan, TX. Gia Nghĩa. Ngay từ đầu ngõ, tiếng khóc the thé, nức nở của trẻ nhỏ đã phá tan sự vắng vẻ, cô quạnh của căn nhà gỗ lụp xụp.

Chị Thắm ảo não, ngồi lặng lẽ và khẽ dỗ dành cô con gái út Quỳnh Chi ngủ một chút, bởi cứ thức là bé khóc vì đau đớn. Hơn 3 tháng nay, Quỳnh Chi đã phải chịu những cơn đau hành hạ bởi căn bệnh ung thư võng mạc.

Hơn 3 tháng tuổi, Quỳnh Chi đã phải giành giật sự sống trước căn bệnh ung thư võng mạc

Gương mặt nhợt nhạt, đôi mắt thâm quầng vì những đêm thức trắng chăm sóc con, chị Thắm phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà ngoại mới cáng đáng nổi. Người mẹ của ba đứa con tâm sự, chị theo bố mẹ từ Ninh Bình vào Đắk Nông lập nghiệp rồi quen anh từ những ngày đi làm thuê, làm mướn. Anh Đức, chồng chị vốn là người Mường, cũng đi theo diện kinh tế mới từ Thanh Hóa vào Lâm Đồng sinh sống. Cả hai gia đình đều nghèo khó, nên sau khi kết hôn thì anh chị xin nhà ngoại một miếng đất nhỏ để làm nhà.

Đầu năm 2018, anh chị sinh thêm được Quỳnh Chi sau khi đã có hai cô con gái. Quỳnh Chi sinh ra hoàn toàn bình thường và phát triển như những đứa trẻ khác cho đến khi em được 3 tháng tuổi.

Căn bệnh khiến em phải múc bỏ một bên mắt trái

“Ngày ấy bị mất điện, trong lúc dùng đèn pin cho con ăn, chị vô tình phát hiện một đốm trắng ngay trong mắt trái của cháu. Sáng hôm sau, vợ chồng chị đưa cháu đi ra bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ bảo cháu bị đồng tử trắng. Không yên tâm về kết quả này, chị đưa cháu xuống Bệnh viện mắt TP.HCM khám lại, bác sĩ kết luận cháu bị u mắt, phải mổ ngay. Nghe thông báo ấy, anh chị ngã quỵ, cầu xin bác sĩ có cách nào khác để giữ lại con mắt cho cháu không. Tia hy vọng cuối cùng cũng bị dập tắt ngay sau khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện tế bào ung thư có dấu hiệu xâm lấn thần kinh thị, di căn sang con mắt còn lại”, chị Thắm nhớ lại.

Việc bỏ mắt trái là biện pháp duy nhất để giữ Quỳnh Chi được ở lại với gia đình

Ngay ngày hôm sau, Quỳnh Chi được đưa vào phòng mổ, múc bỏ con mắt bên trái. Theo bác sĩ, đây là cách tốt nhất để giữ lại mạng sống cho đứa con của chị Thắm. Và cũng kể từ đó, vợ chồng chị Thắm bước vào hành trình cùng cô con gái 3 tháng tuổi giành giật sự sống trước căn bệnh ung thư.

“Nằm điều trị trong viện, cháu là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhưng có lẽ chịu đau đớn nhất vì cháu phải trải phẫu thuật, múc bỏ mắt, tạo hốc mắt, đặt bi tạo hình… Những lần như vậy, hai vợ chồng chị chỉ biết ôm con khóc vì không biết con có được làm người như người ta không. Thế nhưng, có lẽ con bé thương bố, thương mẹ mà ngoan lắm. Mọi người ai cũng bảo con bé trắng trẻo, xinh xắn như thiên thần, ngoan ngoãn mà lại phải chịu đau đớn từ quá sớm nên cả phòng bệnh thương lắm, thường xuyên giúp đỡ cháu”, chị Thắm chia sẻ thêm.

Cô bé có khuôn mặt thiên thần, ngoan ngoãn, nhưng kiên cường chống chọi với bệnh tật

Nhìn con gái ngủ thiêm thiếp vì mệt trong vòng tay của bà nội, khuôn mặt hồn nhiên, đáng yêu, chị càng nghẹn ngào: “Giá mà khi lấy mẫu xét nghiệm cháu ngủ như thế này thì vợ chồng chị cũng đỡ đau lòng. Nhưng cháu còn bé quá nên mỗi lần lấy mẫu, bác sĩ phải cho dùng thuốc ngủ mới lấy được. Nếu như người khác thì chỉ cần 2 ngày, cháu thì phải mất 3 ngày liên tục dùng thuốc ngủ mới lấy đủ mẫu. Mỗi lần như thế, ngồi ngoài phòng bệnh mà hai vợ chồng chỉ biết quỳ lạy ông trời thương cháu mà cho cháu tai qua, nạn khỏi”.

Hai chị gái của cô bé cũng phải xuống viện kiểm tra, xét nghiệm thường xuyên

Tuy nhiên, trong thời gian Quỳnh Chi điều trị bệnh, hai chị gái của cô bé cũng có một số biểu hiện tương tự nên bác sĩ yêu cầu đưa đi xét nghiệm. Mỗi tháng một lần, Quách Thị Bảo An (SN 2013) và Quách An Na (SN 2016) lại theo bố mẹ xuống TP.HCM để kiểm tra, xét nghiệm.

Không còn tiền, cả năm người phải sống nhờ những bữa cơm từ thiện trong những ngày ở bệnh viện

Ba tháng, kể từ ngày con gái út phát bệnh, anh Đức trở thành trụ cột chính, để chị Thắm yên tâm ở nhà chăm sóc các con. Tuy nhiên, với đồng lương công nhân ít ỏi tại khu công nghiệp Alumin Nhân Cơ, số tiền ấy cũng chỉ đủ cho con nằm điều trị tại bệnh viện trong một thời gian ngắn. Do Quỳnh Chi còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu, không thể nhập viện nội trú vì sợ lây nhiễm các bệnh khác, nên cả nhà phải ra ngoài thuê phòng trọ. Mỗi lần đi mất một tuần trời, cả gia đình 5 người chỉ dám sống nhờ những bữa cơm chay từ thiện.

Hiện tại cả gia đình chị Thắm đang sống nhờ trên mảnh đất của nhà mẹ đẻ

Thương con, thương cháu, cô Mến đành rao bán mảnh đất của gia đình để các cháu ngoại có tiền chữa trị. Cô Mến rưng rưng nước mắt, thổ lộ: “Không giống như các căn bệnh ung thư khác, ung thư võng mạc nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng liệu trình thì hi vọng sống của các cháu cao lắm. Gia đình chỉ mong sao cháu được ở lại trên đời, bố mẹ con cái được ở bên nhau. Thế nhưng, chặng đường phía trước còn dài và gian nan lắm, không biết gia đình tôi còn cầm cự được bao lâu nữa !”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3117: Chị Phạm Thị Thắm (trú thôn Tân Bình, xã Đắk R’Moan, TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông)

Số ĐT chị Thắm: 0931.626.849

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP