Giải trí

"Thương nhớ ở ai" thê lương hơn "Bến không chồng"

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh dựng lại bối cảnh ngột ngạt đến tức thở nhưng cũng đậm chất văn hóa của làng quê Việt Nam trong "Thương nhớ ở ai"

Được dựng thành phim từ tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng, bộ phim "Thương nhớ ở ai" phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam đang gây "sóng gió" với khán giả truyền hình không chỉ bởi câu chuyện thê lương của các nhân vật trên phim mà còn bởi phục trang không nội y của các diễn viên nữ.

Sức hút của đề tài nông thôn xưa

Trong phiên bản truyền hình lần này của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, câu chuyện được triển khai chi tiết hơn phim điện ảnh (cũng của đạo diễn này) với nhiều cảnh đời éo le, ngang trái, khắc họa sâu cay về làng quê Việt. Làng Đông hiện lên ngoài nỗi ám ảnh về bông hoa gạo đỏ rực và bến không chồng thê lương - nơi các bà ngồi lặng thinh, còn có rất nhiều âm nhạc đương đại được viết đầy cảm xúc với màu sắc dân gian và cả những khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, nhịp phách ca trù được lồng vào hành trình cuộc đời của các nhân vật nữ.

Một cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai" dài 34 tập, phát sóng trên VTV3 lúc 14 giờ 30 phút thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh dựng lại bối cảnh ngột ngạt đến tức thở nhưng cũng đậm chất văn hóa của làng quê Việt Nam trong "Thương nhớ ở ai". Vạn - nhân vật chính - người anh hùng của làng Đông với khẩu súng trường trên vai, trong người vài vết thương, ngực đỏ huân chương và quá khứ từng đi ở đợ cho nhà địa chủ, háo hức chạm bến đò quê hương.

Nhưng xung quanh Vạn, cả làng quê đang cuồng lên cơn "say chiến thắng", với những nhận thức lệch lạc nhưng tất cả đều im lặng đồng thuận ủng hộ cái sai bởi không ai chịu thừa nhận mình sai. Vì cái tự ái cá nhân cố hữu ẩn náu trong mỗi con người và lại đánh đồng điều đó với niềm tự hào giai cấp chống lại thành phần bóc lột đã khiến nhiều số mạng ra đi oan uổng.

Oán hận chất chồng, điều tiếng dị nghị lan truyền như những cơn sóng ngầm, bằng cả những tiếng gõ kẻng, gõ mâm, như những tiếng lòng bị bóp nghẹt dồn nén, bức bối đến ngạt thở, nhất là đối với những thân phận phụ nữ mất chồng, trong một ngôi làng mà phần lớn đàn ông đều đã đi chiến đấu và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Vạn yêu Nhân - cô gái đã khiến cả làng đồn rằng anh có lần phải tự tử. Bây giờ Vạn trở về làng, Nhân đã là góa phụ trẻ, chồng cô hy sinh trong kháng chiến. Nhưng Nhân không thể vượt qua điều tiếng để chấp nhận Vạn. Và trớ trêu là người anh hùng của làng lại phải ở ghép trong nhà địa chủ. Hai chái nhà trống hoác, một bên là Vạn - người đàn ông nặng trĩu suy tư, một bên là Hơn - vợ con trai địa chủ - với chiếc áo yếm tênh hênh, ngồi ru con và khóc vì người chồng đang trong tù, chờ ngày xử bắn.

Khi những tiếng súng oan nghiệt vang lên, người làng đồn rằng Vạn là người xử tử nhưng Nhân vẫn cho rằng tiếng súng thứ hai không phải của Vạn, rằng anh không bao giờ bắn vào người bạn thuở ấu thơ mà anh đã long đong, lật đật chạy lên xã, lên huyện xin được giảm án. Vạn chỉ im lặng trước mọi lời đồn thổi, không thanh minh, không hé răng về sự thật. Vạn luôn im lặng như thế trước mọi nỗi cơ cực, đắng cay của người lính bước ra khỏi cuộc chiến. Cho đến mãi sau này, câu chuyện về những cái chết ở làng vẫn chỉ là lời đồn thổi.

Trong những bước ngoặt cùng cực của cuộc đời, Hạnh (con gái của Nhân) đã bị xô đẩy vào bế tắc và có chung những khoảnh khắc với Vạn. Hạnh có thai, sau khi sinh con, Hạnh trở về làng. Vạn - người đàn ông sống thoi thóp trong lề thói làng xã bao năm, giờ đột ngột biết tin mình có con với Hạnh (con gái của Nhân - người mà Vạn yêu năm xưa), bàng hoàng, sững sờ, đau đớn, ngột ngạt, đủ thứ cảm xúc dồn nén xô đẩy người đàn ông cứng rắn, mạnh mẽ sụp đổ. Như một vực sâu không đáy, hay cơn thác lũ tuôn trào, Vạn treo cổ tự tử trên cầu Đá của làng.

Đề tài cũ, dấu ấn mới

Tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991. Bi kịch của một thời được đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa lên màn ảnh rộng với tác phẩm điện ảnh cùng tên hồi năm 1999 và đoạt giải A giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001. "Bến không chồng" được đánh giá là một trong những bộ phim điện ảnh thành công nhất của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và cũng là bộ phim có sức ám ảnh dai dẳng nhất về số phận người lính thời hậu chiến. Trong phim điện ảnh "Bến không chồng", Lưu Trọng Ninh vào vai chính - nhân vật Vạn đã lấy nước mắt của khán giả Việt thời đó.

Với phiên bản truyền hình "Thương nhớ ở ai", nhân vật nam chính - Vạn được đạo diễn Lưu Trọng Ninh lựa chọn, gửi gắm cho Lâm Vissay (Việt kiều Đức không rành tiếng Việt). Lâm Vissay từng được đào tạo chuyên nghiệp về diễn xuất ở Đức. Đánh giá cao kịch bản giàu kiến thức lẫn phong cách đạo diễn đòi hỏi khắt khe nhưng cực kỳ chu đáo, kỹ lưỡng, có tâm với từng cảnh diễn của Lưu Trọng Ninh, Lâm Vissay đã diễn hết mình, hóa thân vào nhân vật như thể đó là cuộc sống thật. Khó có thể tìm thấy điểm sơ hở trong diễn xuất của Lâm Vissay. Vai Vạn đã thực sự lột tả được gánh nặng đè nén lên vai người lính thời hậu chiến.

Bộ phim đã quay ròng rã trong nhiều tháng chứ không làm theo kiểu "hàng chợ", mỗi ngày quay một tập như các phim truyền hình khác. Cả ê-kíp phải đợi tới 2 năm sau để tất cả các khâu khác hoàn thiện theo ý đạo diễn.

Dàn diễn viên chính phụ trong "Thương nhớ ở ai" đều đã diễn tròn vai. Thanh Hương vai ca nương tên Nương, Trương Phương vai "cán bộ xã" Tí Hin, Thiện Tùng vai cán bộ văn hóa tên Quất, Ngọc Anh vai vợ liệt sĩ tên Nhân, Hồng Kim Hạnh vai Hơn - cô vợ trẻ của con trai địa chủ, đều được đánh giá là "lột xác" với các vai diễn này.

Sốc vì phục trang không nội y

Tuy nhiên, sau khi phát sóng các tập đầu tiên, "Thương nhớ ở ai" đã nhanh chóng gây xôn xao dư luận bởi vấn đề phục trang. Tất cả các nhân vật nữ trong phim đều mặc áo yếm như trang phục áo lót, dẫn đến có khá nhiều cảnh phim "gợi cảm". Cảnh nhân vật Hơn rút rơm mang vào bếp mặc áo yếm, "bà cán bộ xã" Tí Hin ngồi ăn cơm chiều với chủ tịch xã và dân phòng Vạn cũng cởi toang áo ngoài chỉ mặc áo yếm vì "em nóng lắm", chị Nhân - vợ liệt sĩ nhưng xuất hiện trong cảnh đêm ở ngoài đường làng cũng mặc áo yếm?

Nữ diễn viên Hồng Kim Hạnh chia sẻ lúc được yêu cầu không mặc nội y trong "Thương nhớ ở ai", cô cảm thấy rất e ngại. Cô cho biết: "Vì đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã quyết định và mọi người đều thống nhất cho nên tôi cũng phải chấp hành". Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng: "Ngày xưa, các cụ mặc thế nào thì bây giờ mình cũng phải mặc đúng như thế". Tuy nhiên, khó để khẳng định rằng các bà, các cô ngày xưa mặc áo yếm ra ngoài đường như vậy.

Dàn diễn viên phim "Thương nhớ ở ai" dẫu sao cũng cảm thấy bất ngờ khi nhiều người chú ý đến chuyện các nữ diễn viên không mặc nội y. Hồng Kim Hạnh cho biết: "Phim được thực hiện và mong chờ suốt 3 năm qua là cả một sự kỳ công, hy sinh của mọi người nhưng một số người lại chỉ chú ý đến phục trang. Việc mọi người soi quá nhiều làm mất đi giá trị nhân văn của phim. Từ khi chủ đề nội y trở nên ồn ào, người ta chú ý đến vấn đề ấy nhiều hơn nội dung phim".

Tác giả: Hòa Bình

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP