TP Hà Tĩnh

Thương binh giả trục lợi chính sách

314 trường hợp thương binh giả ở tỉnh Nghệ An vừa được nhận diện, theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An đã đình chỉ trợ cấp tiếp tục và tiến hành thu hồi 33 tỷ đồng mà các đối tượng trên đã hưởng sai chế độ. Đây là kết quả thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra, rà soát 22.000 hồ sơ thương binh các loại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cơ quan công an thu giữ 75kg giấy tờ có liên quan đến cả ngàn hồ sơ giải quyết chế độ thương binh ở phường Lê Mao, TP Vinh. Ảnh: vtv.vn

Trước đó, năm 2015 Công an tỉnh Nghệ An phát hiện tại nhà của một thương binh hạng ¼ sinh sống tại khu Tân Thành, phường Lê Mao, TP Vinh thu giữ 75kg giấy tờ có liên quan đến cả ngàn hồ sơ giải quyết chế độ thương binh.

Thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, tỉnh Thanh Hóa phát hiện 202 trường hợp hưởng sai chế độ…

Tình trạng làm hồ sơ giả của người có công xảy ra trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Về bản chất thì hình thức làm giả hồ sơ này chính là sự trục lợi chính sách. Lợi dụng truyền thống cao đẹp “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công của dân tộc Việt Nam vốn tồn tại và phát triển từ nghìn năm nay. Lợi dụng chính sách ưu đãi đối với người có công, kẻ trục lợi chiếm đoạt những khoản tiền bất chính, đồng thời bản thân họ được hưởng một số ưu đãi trong cấp đất ở, đất sản xuất hoặc ưu đãi thuế trong kinh doanh; con cái họ được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi đại học, miễn giảm học phí, được ưu tiên ở trong ký túc xá của các trường đại học… Kết quả thanh tra, rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công cho thấy những sai phạm phổ biến trong hồ sơ của thương binh là: Nhiều người được nhận sổ thương binh nhưng họ tên của những người này không có trong danh sách gốc mà đơn vị quản lý. Giấy chứng thương bị chỉnh sửa; mượn huân, huy chương của người khác để bổ sung hồ sơ chất độc màu da cam cho mình; “chạy” hội đồng giám định thương tật…

Điều đáng buồn là, ở nhiều địa phương, nhiều tổ dân phố, thương binh giả và thương binh thật cùng sống và sinh hoạt trên cùng địa bàn, cho nên đã xảy ra nhiều câu chuyện cãi cọ, châm chỉa, thậm chí cả choảng nhau. Chính việc cấp hồ sơ thương binh sai đối tượng hoặc đối tượng chưa đủ chuẩn đã gây bức xúc trong nhân dân, tạo ra sự mất công bằng giữa những người hy sinh, đổ máu với những người chưa có sự cống hiến đạt đến chuẩn đó. Chính điều này cũng làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan chức năng. Nhân dân ta trân trọng, tôn vinh những người có công nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh đến tận cùng những kẻ trục lợi nhằm được hưởng sự ưu tiên, ưu đãi như những người có công thực sự. Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát hiện được số lượng lớn hồ sơ thương binh giả, nhưng ở các địa phương giống nhau ở điểm khó: Việc thu hồi khoản tiền hưởng sai ở các thương binh giả là rất khó, vì hầu hết các thành viên trong nhóm đối tượng này tuổi đã cao. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn…

Vậy làm thế nào để những bệnh binh, thương binh được hưởng đúng quy định về chế độ thương tật đóng góp và loại bỏ được những kẻ trục lợi? Trước hết, các y, bác sỹ khám sức khỏe cho các cựu chiến binh phải có kết quả khách quan, trung thực. Các thành viên trong hội đồng giám định y khoa phải trung thực, minh bạch, không vì người thân, vì quan hệ hoặc vì sự cám dỗ mà “nâng cấp” hồ sơ. Ở các bộ phận kiểm tra, giám sát tư liệu giấy tờ của các cựu chiến binh cũng cần phải trung thực, thẳng thắn… Đồng thời, kết hợp minh bạch, công bằng ở tất cả các khâu sẽ cho kết quả hồ sơ thương tật đúng nhất, thuyết phục nhất.

Tác giả: Thế Lữ

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP