Giáo dục

Thưa Bộ trưởng Nhạ, giáo dục không thể định giá như hàng hóa

Không biết Bộ trưởng có bao giờ đi mua vé xem phim, vui chơi ở công viên nước,... hay không. Nếu có, ngài sẽ thấy luôn có một bảng giá được người ta niêm yết ở vị trí dễ quan sát. Dĩ nhiên, người mua hoàn toàn có quyền chủ động trong việc rút ví, khi đồng ý với mức giá của bên cung cấp dịch vụ và đủ tiền để “giao dịch”.

Kính gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!

Những ngày gần đây, dư luận thắc mắc về chuyện dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Giáo dục đại học đề xuất đổi quy định học phí thành giá dịch vụ đào tạo, hẳn Bộ trưởng cũng rất phiền lòng. Theo dõi cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội mới thấy, Bộ trưởng liên tục nhấn mạnh “nội hàm” của hai khái niệm trên.

Tôi không phải chuyên gia hay giáo viên ngôn ngữ, tôi không thực sự hiểu những phân tích hàn lâm, vượt xa khả năng tiếp cận của mình. Nhưng với tư cách là một bậc phụ huynh, có 2 con đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi vẫn muốn gửi đôi lời nhắn nhủ tới Bộ trưởng.

Tính tôi vốn hay quên, ở lá thư này, tôi sẽ không nhắc tới sự thất bại của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) hay những thay đổi liên tục ở kỳ thi THPT Quốc gia từng khiến các lứa “chuột bạch” tẩu hoả nhập ma nữa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay việc gọi "giá dịch vụ đào tạo" thay vì "học phí" là theo luật Giá. Ảnh: Trí Thức Trẻ.

Không biết Bộ trưởng có bao giờ đi mua vé xem phim, vui chơi ở công viên nước,... hay không. Nếu có, ngài sẽ thấy luôn có một bảng giá được người ta niêm yết ở vị trí dễ quan sát. Dĩ nhiên, người mua hoàn toàn có quyền chủ động trong việc rút ví, khi đồng ý với mức giá của bên cung cấp dịch vụ và đủ tiền để “giao dịch”.

Nhưng giáo dục, cũng là quốc sách hàng đầu của chúng ta, thì không thể định giá đơn giản như hàng hoá, như mớ rau con cá như ngoài chợ được.

Nếu tôi “dỗi”, không hài lòng vì mức giá chẳng tương xứng với dịch vụ, yêu cầu con nghỉ học và nhà trường phải bồi hoàn tiền thì tất cả thầy cô cũng căn cứ theo các điều khoản để xử lý yêu cầu của khách hàng, mặc kệ tha thiết học tập, đến trường của con tôi?

Và kể cả đề xuất chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang thu giá dịch vụ đào tạo được cơ quan thẩm tra tán thành (điều đã không xảy ra trong thực tế) thì Bộ trưởng cũng không cảm thấy kỳ cục nếu phụ huynh, học sinh thực sự phải “nộp giá”, “đóng giá” thay vì “nộp phí”, “đóng phí”.

Vừa qua, việc nhiều trạm thu phí BOT trở thành "trạm thu giá" cũng khiến dân tình xôn xao tranh luận. Người ta đùa với nhau về chuyện “trả giá” hoặc cười ra nước mắt khi nghĩ đến cảnh mang giá... đỗ để qua trạm thu như thời hàng đổi hàng khi xưa.

Thực ra cũng giống như cánh tài xế, phụ huynh chúng tôi chẳng quan tâm nhiều lắm đến cách sử dụng từ, sẵn sàng còng lưng cày cuốc để có tiền cho con ăn học.

Chúng tôi sẵn sàng trả giá cao ngút ngàn khi chất lượng đào tạo tăng cao vời vợi - Nhưng vế thứ hai, nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách, đã được hiện thực hoá ở mức ngang bằng với các nước trong khu vực chưa, thưa Bộ trưởng?

Và không giống như cách thu giá ở BOT, việc thu giá trong môi trường sư phạm nếu để gây ra hệ luỵ xấu sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân hay một nhóm bất kỳ.

Cuối thư, không biết nói gì hơn, chỉ mong Bộ trưởng luôn nhớ tới phát ngôn ấn tượng của mình lúc mới nhậm chức: "Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm".

Kính thư

Tác giả: Một phụ huynh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP