Trong nước

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục nói về việc xử lý vu gian lận thi

Trong 2 ngày (ngày 31/7-1/8/2018), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu cụ thể trước Chính phủ về sai phạm bộc lộ trong kỳ thi THPT quốc gia, nhất là hướng xử lý.

Mở đầu phiên họp sáng 31/7, Thủ tướng trực tiếp trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Gợi ý nội dung thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức chu đáo kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhận định tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, còn một số yếu kém, hạn chế, khó khăn, thách thức và đề nghị các thành viên Chính phủ bàn sâu, đề xuất các giải pháp, đối sách cụ thể. Trước hết là tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ, song sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt là căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra… Thủ tướng yêu cầu tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ trong xử lý, ứng phó với vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ (ảnh: VGP)

Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp cần báo cáo về vấn đề này trước Chính phủ, lưu ý tập trung vào các giải pháp xử lý, khắc phục; nhấn mạnh vấn đề xử lý nghiêm sai phạm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về những vấn đề đang nổi lên liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tích cực chuẩn bị tốt cho các hội nghị chuyên đề của Chính phủ trong thời gian tới.

Trong ngày làm việc đầu tiên, 31/7, Chính phủ dành trọn vẹn cho công tác xây dựng pháp luật.

Phát biểu thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các thành viên Chính phủ đề cập đến các nội dung về đổi mới phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục-đào tạo; đổi mới công tác quản lý giáo dục-đào tạo; chính sách học phí đối với học sinh ở các trường công lập và dân lập; tăng cường tự chủ đối với các cơ sở giáo dục-đào tạo; xây dựng Hội đồng trường;…

Phát biểu kết luận về 2 dự án luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giáo dục là vấn đề lớn, có liên quan đến các gia đình và toàn xã hội; là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, việc xây dựng 2 dự án luật này cần hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

Đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng dự án luật phải trên tinh thần Nhà nước thống nhất quản lý về giáo dục; tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục-đào tạo; đổi mới tư duy quản lý giáo dục-đào tạo;…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên các yêu cầu đặt ra đối với cơ quan chủ trì soạn thảo về tính khả thi, tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; vấn đề phát huy vai trò tự chủ của các sơ sở giáo dục đại học; xây dựng Hội đồng trường, phát huy vai trò của Hội đồng trường trong hoạt động giám sát, lãnh đạo các mặt hoạt động của các trường đại học;…

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào những vấn đề: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của rượu, bia; chính sách thuế, giá nhằm hạn chế tiêu dùng rượu, bia; xây dựng quỹ phòng chống tác hại của rượu, bia; chính sách kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với đồ uống là rượu, bia;…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, qua thực tiễn 7 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự đã xuất hiện một số vướng mắc; việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự để khắc phục những vướng mắc của luật hiện hành là cần thiết.

Phó Thủ tướng cho rằng, đây là dự án Luật có phạm vi sửa đổi lớn, sửa đổi một cách rất cơ bản, vì vậy đề nghị nên đổi dự án Luật nêu trên thành dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)…

Tác giả: P.T

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP