Tin trong nước

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Hà Nội cần tạm dừng cấp phép xe hợp đồng

Hà Nội cần tạm dừng cấp phép xe hợp đồng và giao Thanh tra Sở, Cảnh sát giao thông kiểm tra, rà soát toàn bộ xe hiện nay.

Buổi đối thoại thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự

Chiều 1/3, tại Sở GTVT Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Vũ Văn Viện đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải hành khách bị điều chuyển luồng tuyến từ bến xe Mỹ Định về bến xe Nước Ngầm.

Mở màn buổi đối thoại, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh: Cuộc đối thoại được thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết những thắc mắc, khó khăn của các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh sau một thời gian thực hiện điều chuyển tuyến theo chủ trương của Hà Nội.

Việc điều chuyển luồng tuyến được thực hiện theo đúng chủ trương của UBND TP. Hà Nội nhằm giảm ùn tắc giao thông, tránh xe khách đi xuyên tâm trên đường vành đai 3.

Tính đến ngày 12/2 đã điều chuyển 623 nốt trên 628 nốt tuyến chiếm trên 99%. Còn 5 nốt doanh nghiệp không thực hiện điều chuyển, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản phối hợp với Sở GTVT Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai xử lý theo quy định.

Sau khi thực hiện việc điều chuyển, tình hình ùn tắc trên đường vành đai 3, khu vực Bến xe Mỹ Đình được cải thiện hơn. Các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm hoạt động ổn định, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, phục vụ tốt cho nhân dân dân đi lại dịp Tết Đinh Dậu.

Ông Nguyễn Xuân La, đại diện doanh nghiệp vận tải Xuân La đến từ tỉnh Thái Bình phát cho rằng, việc điều chuyển luồng tuyến là không hợp lý, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, ông Nguyễn Xuân La, đại diện doanh nghiệp vận tải Xuân La đến từ tỉnh Thái Bình, phát biểu: Khi nhận được lệnh điều chuyển, chúng tôi chấp hành tốt nhưng trong gần 60 ngày qua, chúng tôi rất khó khăn. Giá cao, giá thấp chúng tôi không ý kiến, nhưng rất vắng khách, kể cả dịp Lễ, Tết Nguyên đán vừa qua. Chúng tôi đang lỗ vốn rất nhiều và có nguy cơ phá sản.

“Tình trạng xe xuất bến không có khách diễn ra triền miên. Nguyên nhân được xác định là do ở Hà Nội có quá nhiều xe dù bến, bến cóc. Các doanh nghiệp mong Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội phải công bằng và sớm có biện pháp xử lý xe trá hình,nếu cứ thế này không sớm thì muộn các doanh nghiệp vận tải sẽ phá sản hết”, vị đại diện này nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty vận tải Nam Trực (Nam Định), Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Nam Định, khẳng định việc điều chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm là chưa hợp lý, khiến doanh nghiệp bị điều chuyển bị thua lỗ nặng nề. Việc điều chuyển là chưa công tâm, chưa công bằng, gây bức xúc trong số các doanh nghiệp bị chuyển tuyến.

“Có doanh nghiệp có số lượng 150 xe chạy, trong hai tháng bị điều chuyển vừa qua, tháng đầu lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ hai lỗ 275 triệu đồng. Họ đang đối diện với nguy cơ phá sản”, ông Thạch đưa ra dẫn chứng.

Một ý kiến khác lại cho rằng, thưc tế cho thấy sau khi phân luồng tuyến, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép rất nhiều cho loại xe dán mác Limousine 9, 16 chỗ hoạt động. Các loại xe này hợp đồng là xe du lịch nhưng vẫn chuyển hành khách cố định.

Xe dù tuyến Nam Định – Hà Nội hoạt động công khai, đúng như phản ánh của các DN làm ăn chân chính.

Đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách tỉnh Thanh Hoá, ông Trần Ngọc Quảng, chủ nhà xe Hà Sơn Hải, bức xúc: “Các anh có điều kiện, lên khu vực bến xe Mỹ Đình, xem tình trạng xe dù, bến cóc nó mạnh như thế nào. xe limousine nó phát triển kinh khủng sau khi chúng tôi bị ra khỏi bến Mỹ Đình. Có phải điều chuyển chúng tôi để xe dù, bến cóc nó hoạt động không”.

Giải đáp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT khẳng định: hiện tất tuyến xe khách đều vắng khách. Lý do là việc đi lại của người dân ít; người dân đi các phương tiện vận tải khác và họ chưa quen với việc điều chuyển tuyến. Nguyên nhân cuối cùng là trùng luồng tuyến giữa bến Giáp Bát và Nước Ngầm.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận tình trạng xe dù, bến cóc ở Hà Nội đang rất lộn xộn. Nguyên nhân cơ quan là công tác quản lý quá kém và thiếu các phương tiện kết nối giữa các bến xe.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện Hà Nội chưa quản lý được xe dù bến cóc, xe hợp đồng. Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối.

Theo Thứ trưởng Trường, khách vẫn có nhu cầu đi từ bến xe Mỹ Đình nhưng xe đã chuyển sang Nước Ngầm. Do thiếu phương tiện kết nối nên hành khách đi xe dù cho nhanh.

“Hà Nội là chưa quản lý được xe dù bến cóc, xe hợp đồng. Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối. Tuy nhiên các doanh nghiệp đề xuất quay trở lại bến Mỹ Đình là không được. Bởi nếu quay lại tình trạng ùn tắc, lộn xộn sẽ tiếp tục xảy ra”, Thứ trưởng Trường khẳng định.

Mặt khác, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng từ thời điểm này, Hà Nội phải tạm dừng cấp phép xe hợp đồng và giao Thanh tra Sở, cảnh sát giao thông kiểm tra, rà soát toàn bộ xe hiện nay. Nếu vi phạm, kiên quyết xử lý bằng việc tước giấy phép.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT, UBND Hà Nội đối thoại với các doanh nghiệp vận tải về phân luồng xe khách. Nội dung của buổi đối thoại phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/3.

LÊ MINH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP