Giáo dục

Thủ khoa đầu tiên được giữ lại trường trong 10 năm của ĐH Thủy lợi

Lương Thị Giang, thủ khoa đầu ra ĐH Thủy Lợi năm 2017 là sinh viên đầu tiên được hiệu trưởng đề nghị ở lại trường làm giảng viên của ngành kế toán trong 10 năm qua.

Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên năm 2017, GS. TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi khi nhắc đến Lương Thị Giang, nữ sinh tốt nghiệp thủ khoa năm nay với mức điểm 3.79/4.0 đã đưa ra đề nghị Giang ở lại làm giảng viên cho trường.

“Trường ĐH Thủy lợi trước nay hạn chế giữ sinh viên do trường đào tạo ra ở lại làm công tác giảng dạy vì lo rằng các bạn sẽ hạn chế tư duy, cách nghĩ, không dám có chính kiến riêng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng, với hệ thống kiểm soát chất lượng của nhà trường, đạt được kết quả cao như em Giang là rất khó. Với kết quả cao như vậy thì em xứng đáng được trao cơ hội tốt, đồng thời cũng là để khích lệ tất cả sinh viên trong trường cố gắng" – ông Kim nói.

Lương Thị Giang, thủ khoa đầu ra năm 2017 của Trường ĐH Thủy lợi, cũng là sinh viên đầu tiên được đề nghị ở lại trường trong 10 năm qua của Bộ môn Kế toán. Ảnh: Lê Văn.


Đó là thông tin gây bất ngờ cho nhiều sinh viên lẫn các giảng viên có mặt trong lễ tốt nghiệp ngày hôm đó. Mặc dù Lương Thị Giang tốt nghiệp thủ khoa với điểm số rất cao, song ngành kế toán của ĐH Thủy lợi trong suốt 10 năm qua chưa từng giữ bất cứ sinh viên nào.

Người bất ngờ và xúc động nhất đương nhiên là Giang. Cô gái thủ khoa quê ở Thái Bình bối rối tới mức không thể diễn tả một cách rành rõ sự bất ngờ (và có lẽ cả niềm vui nữa) khi đón nhận lời đề nghị này từ thầy hiệu trưởng.

"Từ trước tới nay, lãnh đạo nhà trường có chủ trương chỉ tuyển tiến sĩ, thạc sĩ từ những trường khác như ĐH Kinh tế quốc dân hay Học viện Ngân hàng. Thầy cô giáo trong khoa đều ở các trường đó. Vì vậy, khi nghe thầy hiệu trưởng đề xuất, em cũng rất bất ngờ".

Giang cũng bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng mình cần thời gian suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. “Nếu ra làm ngoài, công việc sẽ cạnh trạnh hơn. Còn nếu ở lại trường thì sẽ học hỏi được nhiều ở các thầy cô đã từng dạy mình hơn” – Giang nói.

Vào ĐH thì mọi người đều có xuất phát điểm như nhau

Giang chia sẻ, năm lớp 12, khi lựa chọn ngành nghề, em cũng có nhiều dự định và lựa chọn nhưng sau đó đã quyết định chọn học ngành kế toán của ĐH Thủy lợi.

"Lúc đầu em định đăng ký thi ngành luật hình sự nhưng sau khi nghe bố phân tích thì em thấy rằng, ngành Kế toán phù hợp với khả năng của em hơn".

Từ khi còn nhỏ Giang và cậu em trai năm nay thi đại học khá thân thiết với bố nên những lời khuyên của bố ảnh hưởng lớn tới cô thủ khoa dù ở nhà bố mẹ chưa bao giờ áp đặt 2 chị em chuyện học hành.

Với mức điểm đầu vào là 23, cao hơn tới 5 điểm so với chuẩn đầu vào của trường năm đó, song Giang vẫn lựa chọn ĐH Thủy lợi thay vì những trường đào tạo kinh tế khác vì chương trình học của trường là phù hợp với mình.

Nói về quá trình học tập trong 4 năm ở đại học, Giang quan niệm, khi bước vào cánh cổng trường mọi người đều có xuất phát điểm như nhau. "Vấn đề là ai cố gắng hơn ai, ai quyết tâm hơn ai. Mình phải biết mình muốn gì, cần gì và có mục tiêu như thế nào để phấn đấu".

Giang cho rằng, mình đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng và nỗ lực để đạt được mục tiêu ấy.

"Ngoài ra, khi đã chọn ngành nghề cho mình thì phải thích ngành mình đã chọn, nếu không thích thì bắt ép cũng không được".

Xác định học phải đi đôi với thực hành nên từ năm thứ 3, Giang đã bắt đầu xin vào làm việc ở một công ty nội thất để thực tập. Tới tháng 10/2016, một năm trước ngày ra trường, Giang đã được vào làm việc như một nhân viên chính thức tại Viện Nghiên cứu và tư vấn phát triển.

"Khi bắt tay vào công việc thực tế, kiến thức học và kiến thức từ thực tế sẽ hòa quện với nhau thì mình sẽ hiểu vấn đề chuyên môn một cách sâu sắc hơn" - Giang chia sẻ. "Xác định mình còn trẻ nên lương không phải là vấn đề em đặt lên hàng đầu mà là vấn đề mình học được cái gì từ quá trình thực tập".

Liên lạc với Giang sau nửa tháng gặp cô thủ khoa tại lễ tốt nghiệp, Giang cho biết, hiện em đã quyết định sẽ nhận cơ hội ở lại trường giảng dạy mà thầy hiệu trưởng đề xuất và em đang chuẩn bị hồ sơ để nộp cho nhà trường xem xét.

Thừa nhận điểm yếu lớn nhất của mình đối với công việc trở thành một giảng viên là khả năng tiếng Anh, Giang cho biết, hiện tại em đang dành phần lớn thời gian cho việc trau dồi năng lực tiếng Anh của mình.

“Tiêu chí về ngoại ngữ mà trường đặt ra đối với giảng viên là rất cao trong khi đầu ra của sinh viên chỉ là chứng chỉ tiếng Anh A2. Em cũng biết đây là điểm chưa tốt của mình nên đang cố gắng khắc phục”.

Trong khi đó thầy Nguyễn Quang Kim thì khẳng định, vì đây là trường hợp đầu tiên được giữ lại trường ở bộ môn kế toán nên nhà trường sẽ ưu tiên tạo điều kiện để Giang hoàn thiện khả năng ngoại ngữ của mình nếu em quyết định ở lại trường để tiếp tục phát triển.

Tác giả: Lê Văn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP