Bùi Thị Hà được tuyên dương trong 100 thủ khoa xuất sắc nhất năm 2016 - Ảnh do bản thân Hà chia sẻ trên báo |
Bùi Thị Hà (quê Hà Giang) là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 8-2016. Nhưng hơn 1 năm nay, Hà không tìm được việc làm, ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả ngoài chợ... Khi câu chuyện của cô được chia sẻ rộng rãi, trong dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng ngành giáo dục, chính quyền địa phương chưa tạo điều kiện cho người tài. Có ý kiến chỉ trích lối giáo dục chỉ chú trọng vào lý thuyết của nhiều trường đại học… Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của cô Nguyễn Thị Mai Loan - một giáo viên Văn - xoay quanh cách lựa chọn của thủ khoa Bùi Thị Hà. |
Sẽ không có gì lạ nếu em được đặc biệt mời về dạy ở một ngôi trường lớn vì là thủ khoa. Sẽ rất hay nếu em đăng ký đến một vùng sâu dạy trẻ em nghèo. Nhưng câu chuyện riêng của em được phơi bày, cộng đồng mạng sôi lên.
Ai cũng thương cảm cho em tìm chưa được việc làm phải chăn lợn mưu sinh, dù mưu sinh bằng chăn lợn thì có gì xấu.
Trên trang Bigschools, TS. Lê Thống Nhất - tổng giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam - xác nhận là có nhiều trường mời Hà về cộng tác (trong đó có trường của thầy), nhưng Hà dứt khoát từ chối để chờ tìm việc biên chế gần nhà, tiện chăm sóc mẹ.
Thầy Lê Thống Nhất đặt câu hỏi: "Tại sao 2 năm đã trôi qua, bạn không nghĩ đến xin dạy học ở các trường dân lập? Nếu Hà Giang không có trường dân lập, bạn có thể xin phép mẹ để đi dạy ở các địa phương khác".
Ông Nguyễn Mạnh Hải - chủ tịch HĐQT trường tiểu học Lễ Văn tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh - cũng cho biết sẵn sàng mời Hà về giảng dạy nếu em có nhu cầu. Trả lời báo chí, một lần nữa em cho biết muốn xin việc ở Hà Giang để chăm sóc mẹ già.
Vậy là Hà rất hiếu thảo, giữ đạo lý làm con cái phải cận kề chăm sóc mẹ cha. Nhưng vậy thì em cần minh bạch chuyện đã có nhiều trường tư mời mà em từ chối vì muốn gần nhà, chờ biên chế.
Trước khi là giáo viên dạy trẻ điều hay lẽ phải, em phải là người có trách nhiệm với hình ảnh của chính mình.
Là giáo viên lâu năm, tôi rất thông cảm với em. Nhưng em ơi, biên chế đâu phải là con đường duy nhất! Phải mưu sinh bằng việc dạy trường tư thục có gì đáng chê? Chăn lợn mưu sinh có gì đáng xấu hổ?
Nếu em giỏi thật sự và hiếu thảo, em hoàn toàn có thể nhận việc ở Hà Nội và đưa mẹ tới ở cùng. Em có thể dạy 2-3 trường tư và số tiền kiếm được sẽ chi trả được sinh hoạt phí cho cả em và mẹ.
Nếu em quyết định ở nhà với mẹ và chờ biên chế thì cứ chờ, nhưng đừng biến chuyện đó thành chuyện để cộng đồng mạng xuýt xoa thương cảm. Có những giáo viên gần bước vào tuổi 50 vẫn đang phải học, vẫn bon chen rao bán mình dạy tư thục kiếm sống. Có gì sai và xấu?
Em cũng có thể thử dạy trực tuyến? Em có thể tham khảo các trang dạy học tích cực để thiết kế chuyên đề dạy học, làm app, quay clip bán chất xám văn chương của chính mình qua mạng.
Nhân đây, tôi cũng xin gửi đến các bạn trẻ một trăn trở. Kiếm sống là hành trình lâu dài, khó khăn, đặc biệt là kiếm sống bằng chất xám! Bạn phải thực sự năng động, luôn dấn thân, sáng tạo.
Quan trọng nhất là bạn phải trang bị tốt từ kiến thức đến kỹ năng, phải mạnh dạn tìm lối đi, can đảm đối diện và chấp nhận thử thách. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại, bạn còn phải biết cách tạo thương hiệu cho cá nhân, rao bán năng lực của mình hợp lý và hiệu quả.
Xã hội nói chung và nghành sư phạm nói riêng đang có nhiều vấn đề cần đối diện. Chúng ta khát khao tìm những điểm sáng của sự dấn thân vì cộng đồng, chớ không phải chỉ gieo thương hại và đeo bám những câu chuyện tiêu cực. Để kiếm sống, giới trẻ phải biết tự cứu mình!
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Tác giả: NGUYỄN THỊ MAI LOAN (Giáo viên Văn)
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ