Một nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết từ năm 2014 đến đầu 2017, ông Lê Nguyên Hưng - Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM - lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng là bà Chu Thị Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.
Lỗ hổng quản trị tiền gửi
Ông Lê Nguyên Hưng lợi dụng bà Chu Thị Bình ký khống giấy ủy quyền để điền tên 3 người được ủy quyền, gồm: Bà Nguyễn Thị Hồng Lê (người thân của vợ ông Hưng), ông Nguyễn Minh Huân và một người chưa rõ danh tính (người này và ông Huân là đối tượng kinh doanh vàng) để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà Bình. Mặt khác, ông Hưng còn chỉ đạo cấp dưới xác nhận giao dịch không đúng quy định của Eximbank, chi trả tiền không đúng người gửi. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của bà Bình.
Vào khoảng tháng 2-2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam. Thời điểm này, bà Bình kiểm tra số dư 3 sổ tiết kiệm, trong đó một sổ 247 tỉ đồng, một sổ 49 tỉ đồng và một sổ 5,4 tỉ đồng thì phát hiện toàn bộ tổng số tiền 301,4 tỉ đồng "không cánh mà bay".
Tại một phòng giao dịch của Eximbank ở TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: TẤN THẠNH |
Lập tức, bà Bình đến làm việc với tổng giám đốc Eximbank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B) - Bộ Công an. Đầu tháng 2-2018, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank Chi nhánh TP HCM.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại vào chiều 22-2, bà Chu Thị Bình gần như bật khóc sau hơn 1 năm mệt mỏi yêu cầu Eximbank trả lại tiền. "Ngày 7-2-2017, khi sổ tiết kiệm 49 tỉ đồng đến ngày đáo hạn, tôi liên hệ để rút số tiền này thì Eximbank cho biết toàn bộ tiền gửi của tôi không còn trong hệ thống. Còn trước đó 1 tháng, ông Hưng (lúc đó là phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM) đã bỏ trốn song Eximbank không thông báo cho tôi biết" - bà Bình kể.
Theo bà Bình, Eximbank quản lý không tốt, nhân viên làm sai quy trình, giả mạo chứng từ để rút tiền của người gửi là lỗ hổng quản trị vô cùng lớn. Trong khi đó, khách hàng vẫn còn giữ sổ tiết kiệm nhưng khi đến rút thì ngân hàng (NH) thông báo tiền không còn và chưa thực hiện chi trả là vô lý.
"Eximbank hứa hẹn với tôi chờ kết luận của cơ quan điều tra sẽ trả lại tiền. Tôi đã có thiện chí, tin tưởng chờ đợi hơn 1 năm qua. Đến nay, cơ quan điều tra đã có văn bản thông báo cho tôi rằng Eximbank có trách nhiệm trả lại tiền nhưng NH này chưa thực hiện, chờ phán quyết của tòa án là cố tình kéo dài thời gian vụ việc. Tôi là người gửi tiền vào Eximbank và không gửi tiền cho nhân viên NH này. Vậy tại sao NH không trả lại tiền mà phải chờ đợi phán quyết của tòa án? Eximbank hành xử như thế liệu người gửi tiền còn niềm tin hay không?" - bà Bình bức xúc.
Eximbank cam kết trả nhưng phải chờ phán quyết của tòa
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 22-2, ông Lê Văn Quyết - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Eximbank - xác nhận bà Chu Thị Bình mất hàng trăm tỉ đồng là có thật; đồng thời cho biết theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đang ở Mỹ và đã bị công an Việt Nam thông báo truy nã quốc tế.
Từ nhiều năm trước, hàng loạt NH đưa ra chương trình chăm sóc cá nhân gửi tiết kiệm với số tiền hàng tỉ đồng (VIP). Theo đó, khách VIP thường không đến NH để giao dịch mà ủy quyền cho các cán bộ là lãnh đạo cấp chi nhánh, trưởng phòng giao dịch... của NH thay thế họ thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền...
Trong khi đó, hội đồng quản trị (HĐQT), ban tổng giám đốc các NH có phần lơ là trong việc giám sát, phòng chống rủi ro trong giao dịch tiền gửi. Từ đó, một số cán bộ NH lợi dụng kẽ hở này, sự tin cậy của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, trong đó điển hình nhất là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như của VietinBank lừa hàng ngàn tỉ đồng và mới nhất là ông Lê Nguyên Hưng.
Đề cập đến việc bảo vệ tiền gửi của khách hàng, ông Lê Văn Quyết cho biết Eximbank đã rà soát, kiểm tra toàn bộ các khách hàng VIP, tăng cường giám sát mọi giao dịch, đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến ủy quyền giao dịch cho nhân viên NH. HĐQT, ban điều hành Eximbank cũng đã nhìn nhận thiếu sâu sát trong việc quản trị rủi ro về tiền gửi; xử lý trách nhiệm các lãnh đạo, nhân viên liên quan đến vụ mất tiền của bà Bình.
Để giải quyết quyền lợi của bà Chu Thị Bình, trong ngày 22-2, HĐQT Eximbank đã tiến hành họp, thống nhất phương án trả lại tiền cho bà Bình.
Ông Lê Văn Quyết cho biết NH đã khởi kiện ông Lê Nguyên Hưng, đồng thời HĐQT Eximbank cũng ban hành nghị quyết cam kết trả tiền cho bà Bình sau khi có phán quyết của tòa án. "Có thể ngày 23-2, Eximbank sẽ có văn bản chính thức trả lời cho bà Bình và gửi đến các cơ quan chức năng phương án xử lý sự cố khách hàng bị mất tiền" - ông Quyết nói.
"Tại sao Eximbank phải chờ phán quyết của tòa án mới trả lại tiền?" - phóng viên hỏi. Theo ông Quyết, tuy cơ quan điều tra đã có kết luận ông Lê Nguyên Hưng là người lừa đảo nhưng chưa phải phán quyết cuối cùng nên tại thời điểm này, HĐQT Eximbank chưa dám quyết định trả lại tiền cho bà Chu Thị Bình vì nếu trả, HĐQT sẽ rất khó trả lời trước các cổ đông.
"NH không né tránh trách nhiệm của mình. Khi tòa án phán quyết ông Hưng lừa đảo và người bị thiệt hại là Eximbank, lập tức HĐQT sẽ quyết định trả lại tiền cho bà Bình" - ông Quyết nhấn mạnh.
Không nên kéo dài thời gian hoàn trả tiền Theo chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu, về nguyên tắc, nếu việc mất tiền gửi NH liên quan đến tội phạm thì phải chờ đợi phán quyết của tòa án. Thế nhưng, tại các quốc gia phát triển, NH thường trả lại tiền cho khách hàng trong vòng 24-72 giờ. Bởi lẽ, khi người gửi bị mất tiền, NH phải chịu trách nhiệm. Còn trường hợp nhân viên gian dối, lừa đảo rút tiền của khách hàng thì họ là người đại diện cho NH thực hiện giao dịch. Do đó, NH không thể đổ lỗi cho nhân viên và phải nhanh chóng bồi thường cho người gửi tiền. "Tại Việt Nam, có tình trạng NH lập lờ trong việc trả lại tiền, thường phải chờ kết luận của các cơ quan chức năng mới thực hiện việc chi trả. Đây là một yếu tố mà pháp luật cần phải điều chỉnh cho hợp lý" - ông Hiếu đề xuất. |
Tác giả: Thy Thơ
Nguồn tin: Báo Người lao động