Tuy nhiên, khác với những lần trước đây, cuộc diễu binh lần này vắng bóng những vũ khí mạnh nhất và thậm chí chương trình hạt nhân từng gây hoang mang khắp toàn cầu của nước này còn không được đề cập.
Dõi theo rất sát phần trình diễn tên lửa vốn là tâm điểm chú ý các cuộc diễu binh của quốc gia bí ẩn nhất thế giới, truyền thông phương Tây có phần "hụt hẫng": Chỉ có mẫu Kumsong-3 màu xanh da trời - tên lửa hành trình chống hạm và vũ khí đất đối không Pongae-5.
Không thấy bóng dáng của những tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15 từng được Bình Nhưỡng tuyên bố là có thể vươn tới lục địa Mỹ. Những tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) này được cho là vũ khí tối tân nhất của Triều Tiên, đã làm thay đổi cân bằng chiến lược khi chúng được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm ngoái.
Thiếu vắng những "điểm nhấn" như vậy, đến cả những tên lửa tầm trung cũng không xuất hiện, trang Sky News thậm chí tường thuật rằng cuộc diễu binh hầu như không có tên lửa. Những vũ khí quân sự hạng nặng đáng kể diễu hành qua lễ đài tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng gồm có xe tăng, lựu pháo, rocket tầm ngắn và bệ phóng tên lửa.
Binh sĩ trên xe tăng tại lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên Ảnh: REUTERS |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự sự kiện nhưng không phát biểu trước đám đông ước tính lên tới 50.000 người. Thay vào đó, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Jong-nam đọc diễn văn phát biểu tập trung chủ yếu vào kinh tế, chứ không phải sức mạnh hạt nhân. Tham dự sự kiện có đại diện cấp cao nhiều nước trên thế giới, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko…
Lễ kỷ niệm quốc khánh năm nay của Triều Tiên cũng đánh dấu sự trở lại lần đầu tiên màn đồng diễn quy mô lớn Arirang sau 5 năm vắng bóng. Màn đồng diễn mang tính biểu tượng này quy tụ hàng chục ngàn người tham gia nhằm thể hiện sự đoàn kết quốc gia. Trong khi đó, chủ đề kinh tế cũng thấm đẫm ở buổi hòa nhạc được tổ chức đêm trước lễ kỷ niệm quốc khánh tại sân vận động trong nhà ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Nhận định về sự "kiềm chế" của lễ diễu binh lần này của Triều Tiên, chuyên gia cấp cao Duyeon Kim của Trung tâm An ninh Mỹ mới, viết trên Twitter: "Nếu phô diễn ICBM năm nay, giữa lúc tiến trình ngoại giao đang diễn ra, sẽ là quá khiêu khích". Vị chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục đưa ra những tín hiệu tốt và dường như "bóng sẽ đẩy ngược lại phía sân của Mỹ".
Cùng nhận định, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc Hong Min cho rằng Triều Tiên hiểu được nếu họ sử dụng ICBM tại cuộc diễu binh, cộng đồng quốc tế sẽ nghi ngờ quyết tâm của họ với cam kết phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, chuyên gia Tong Zhao thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu nói với Sky News: "Họ (Triều Tiên) cũng muốn gửi một tín hiệu lớn rằng nay họ muốn tập trung vào phát triển kinh tế".
Tác giả: THU HẰNG
Nguồn tin: Báo Người lao động