>> Một thợ lặn ở công trình dự án Formosa tử vong
Chưa hết ám ảnh Formosa
Mới đây Formosa Hà Tĩnh đã lên tiếng nhận trách nhiệm về sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung tháng 4 vừa qua đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu USD cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển.
Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, 3 ngư dân tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã cùng phóng viên lặn xuống đáy biển để tận mắt chứng kiến và ghi lại hình ảnh đường ống xả thải khổng lồ của Formosa chôn dưới biển Vũng Áng.
Chiều 1/7, trao đổi với Đất Việt, anh Dương Văn Bắc (Thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một trong 3 thợ lặn cho biết cảm thấy vui khi đại diện Formosa đã lên tiếng nhận sai, xin lỗi cũng như nhận trách nhiệm với người dân.
“Tôi sức khỏe đã đỡ hơn rồi. Giờ vẫn cố gắng ra biển. Tuy nhiên nhiều khi vẫn còn hơi khó chịu, tức ngực”, anh Bắc nói.
Chia sẻ thêm với Đất Việt, chị Võ Thị Thủy (vợ anh Bắc) cho biết, đến thời điểm này dù đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng những ảnh hưởng từ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa vẫn chưa hết ám ảnh người dân.
Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh xin lỗi vì xả thải gây ô nhiễm môi trường. |
“Thôn tôi mọi người sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Từ bé sinh ra đã gắn bó với biển rồi.Trước đây khi biển còn sạch, mỗi lần ra biển trừ tiền thuê ghe, xăng dầu, gia đình có thể bán cá được cả triệu, có hôm 2 triệu là bình thường.
Nhưng bây giờ thì ra biển cũng chẳng đánh được gì mấy, thậm chí còn lỗ. Hôm nay chồng tôi đánh bắt sò nhưng cũng không có gì, nhà phải bù tiền trả thêm. Tuy nhiên mai vẫn ra biển để dần dần khắc phục khó khăn, bắt tay vào làm việc lại”, chị Thủy nói.
Việc cá chết hàng loạt, môi trường biển bị ô nhiễm đã khiến gia đình chị bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.
“Hai vợ chồng lấy nhau cũng chỉ có tí vốn. Để xây nhà, trang trải việc đi biển thì đã phải vay mượn thêm mọi người. Gia đình tính sẽ tiết kiệm tiền bán cá, hải sản để trả nợ dần nhưng giờ thì khó khăn quá.
Hai con tôi, một cháu còn nhỏ, một cháu chuẩn bị vào lớp 1 nên cũng có nhiều việc phải lo. Giờ chỉ biết đợi, mong biển mau chóng sạch, trở lại như trước kia để ngư dân có thể đi biển trở lại, cải thiện kinh tế gia đình”, chị Thủy chia sẻ.
Thợ lặn có thể được chế độ đền bù
Trước việc Formosa Hà Tĩnh xin lỗi về việc gây ô nhiễm môi trường biển, chị Thủy hi vọng, nhà nước, chính phủ và các ban ngành xử lý nghiêm và có những yêu cầu rõ ràng để doanh nghiệp này có trách nhiệm hơn trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Nói thật là chúng tôi cũng chẳng mong muốn nhận tiền đền bù, hỗ trợ gì cả. Được ít tiền thật nhưng tiêu một thời gian cũng sẽ hết. Ngư dân giờ chỉ mong được tạo điều kiện thuận lợi để đi biển cũng như doanh nghiệp Formosa cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường biển, không gây ô nhiễm” chị Thủy nhắn nhủ.
Cùng ngày, trao đổi thêm với Đất Việt về chế độ dành cho các thợ lặn phát hiện hệ thống xả thải của Formosa, ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Tĩnh khẳng định, các ngư dân sẽ được giải quyết theo chế độ của chính sách pháp luật.
Những người thợ lặn biển phát hiện hệ thống ống xà thải ngầm dưới biển có thể được chế độ đền bù. |
“Việc này thì người lao động thuộc đơn vị nào thì do đơn vị đó giải quyết theo chế độ chính sách của pháp luật. Tỉnh hiện nay vẫn chưa có chế độ cho những việc này.
Những nhóm thợ lặn này có công nhưng về chế độ thì chưa thể trả lời được. Nó đang nằm trong lộ trình chung”, ông Dũng khẳng định.
Chia sẻ thêm với những khó khăn của ngư dân, một vị cán bộ thôn Ba Đồng khẳng định sẽ có những kiến nghị lên các cấp để hỗ trợ, giúp đỡ các ngư dân có phát hiện lớn trong việc Formosa xả thải môi trường.
“Chúng tôi sẽ có đơn kiến nghị lên phường Kỳ Phương cũng như lãnh đạo thị xã Kỳ Anh. Việc quyền lợi của người dân được hưởng là chính đáng”, vị cán bộ nói.
Huy Hoàng