Kinh tế

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mọi mặt

Thị trường chứng khoán hiện nay khác hẳn với 10 năm trước

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) tổ chức ngày 22-1, Phó Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết các đợt thoái vốn, bán cổ phần lần đầu (IPO) của doanh nghiệp (DN) nhà nước và niêm yết của các DN lớn có chất lượng đã thu hút mạnh các dòng vốn tham gia thị trường, đặc biệt là vốn ngoại.

Không còn khái niệm chơi chứng khoán

Cụ thể, năm 2017, khối ngoại đã mua ròng trên tất cả sàn giao dịch chứng khoán với giá trị 28.000 tỉ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 18.700 tỉ đồng trái phiếu. Sang các phiên giao dịch từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan này thống kê nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong tất cả các phiên với tổng giá trị mua ròng đạt 7.200 tỉ đồng.

Quy mô vốn hóa thị trường năm 2017 đã lên đến 3,5 triệu tỉ đồng, tương đương hơn 74% GDP, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. VN-Index cũng đã đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 4.981 tỉ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi sắc đáng kể trong năm 2017 Ảnh: Hoàng Triều

Cập nhật đến các phiên giao dịch đầu tháng 1-2018, quy mô vốn hóa thị trường tiếp tục tăng thêm 10%, đạt gần 3,8 triệu tỉ đồng, tương đương 77,2% GDP. Với mức tăng trưởng kỷ lục của thị trường chứng khoán (TTCK), tổng lợi nhuận trước thuế của các công ty chứng khoán đã tăng gấp đôi so với năm 2016, ước đạt 7.000 tỉ đồng.

Đề cập đến dự báo sự phát triển của TTCK năm 2018, ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc Quỹ VFM, Phó Chủ tịch CLB Quản lý quỹ ở Việt Nam, cho rằng "cái gì lên thì sẽ xuống, không thể nào lên mãi được", quan trọng là phải nhìn điều này một cách bình tĩnh. Khác với cách đây 10 năm, TTCK đã có sự phân hóa rõ rệt, bên cạnh các mã chứng khoán tăng trưởng nóng vẫn có những mã giao dịch dưới mệnh giá, do kết quả kinh doanh èo uột.

"Điều này cho thấy thị trường đã bắt đầu nhìn nhận thông minh và khách quan hơn, trưởng thành hơn rất nhiều. Khái niệm chơi chứng khoán không còn nữa mà thực sự là đầu tư" - ông Tân nhận xét.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bản thân TTCK không tự tốt được mà chỉ tốt khi nền kinh tế tốt, đi đúng hướng bởi TTCK chính là hàn thử biểu của nền kinh tế. "Đừng quên TTCK ra đời để huy động vốn cho nền kinh tế. Đó không chỉ là nơi các cá nhân, tổ chức nhảy vào để kiếm lợi nhuận rồi rút ra" - ông Hưng nhấn mạnh và cho rằng muốn đạt được mục tiêu này, thị trường cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Một loạt động thái xử phạt mạnh mẽ của UBCKNN trong điều kiện bị hạn chế về mặt pháp lý vừa qua đã cho thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng vì mục tiêu minh bạch, công bằng, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị trong năm 2018, UBCKNN tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó triển khai xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tháng 10-2018. Hoàn thiện đề án hợp nhất 2 sở giao dịch chứng khoán; tiếp tục các giải pháp tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết và chất lượng công tác quản trị công ty…

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết sau khi lấy ý kiến từ các công ty chứng khoán và có sự đồng thuận cao, quy định về tỉ lệ ký quỹ (margin) sẽ được thay đổi từ 50% lên 60% và có khả năng áp dụng từ ngày 1-3 tới.

Hệ thống giao dịch HoSE gặp sự cố

Liên quan đến sự cố phát sinh trong quá trình hệ thống xử lý giao dịch xảy ra vào đợt khớp lệnh đóng cửa (ATC) chiều 22-1 trên sàn chứng khoán TP HCM, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hải Trà, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), cho biết do lỗi phát sinh từ máy chủ khớp lệnh của HoSE bị "overflow" (PV - có thể hiểu là quá tải) chứ không phải hacker (tin tặc). Bởi hệ thống giao dịch của HoSE hoàn toàn được bảo đảm an toàn trước các rủi ro tấn công từ bên ngoài. "Sở đã mời các chuyên gia từ Thái Lan kết nối vào hệ thống để xử lý và tìm lỗi cụ thể. Việc này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến giao dịch hay thiệt hại cho nhà đầu tư" - ông Trà nêu rõ.

Theo ông Trà, có hai giải pháp xử lý sự cố này đó là tổ chức lại phiên khớp lệnh ATC của phiên đóng cửa và sử dụng giá giao dịch gần nhất để làm giá tham chiếu cho phiên tiếp theo. Tuy nhiên, giải pháp được chọn là sử dụng giá giao dịch gần nhất làm giá tham chiếu cho phiên tiếp theo theo quy chế đã có.

Thực tế, phiên giao dịch ngày 22-1 dù gặp sự cố cuối ngày nhưng lượng mua bán trên các sàn vẫn tăng lên rất cao. Cụ thể, VN-Index dừng ở mức 1.087,42 điểm, tăng 25,35 điểm, tương ứng 2,39% so với phiên trước. HNX-Index tăng 1,49 điểm lên 123,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch sàn HoSE và HNX lên 311 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 8.800 tỉ đồng. Nếu được thực hiện đầy đủ trong cả phiên, khả năng thị trường sẽ còn giao dịch nhiều hơn nữa.

Một chuyên gia về mạng cho biết lỗi trên sàn HoSE có thể chỉ là sự cố quá tải đường truyền của hệ thống giao dịch, làm treo các kết quả giao dịch. Trong giao dịch mạng thì sự cố xảy ra là bình thường. TTCK Việt Nam đã từng xảy ra sự cố tương tự hơn 11 năm trước, vào đầu tháng 12-2006, khi đó HoSE còn là Trung tâm Giao dịch chứng khoán

TP HCM và lệnh nhập từ các công ty chứng khoán đến HoSE chủ yếu bằng phương thức thủ công. Thị trường khi đó cũng đang trong "cơn sốt" và kéo dài đến hết năm 2007, đầu 2008.

Tác giả: Phương Anh - Sơn Nhung

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP