Kinh tế

Thi công Dự án sửa chữa, nâng cấp cống Cầu Sú: Xem nhẹ việc đắp quai sanh, nhà thầu trả giá!

Rạng sáng 12/9, lượng mưa trên địa bàn TP Hà Tĩnh chỉ ở mức trung bình nhưng do lượng nước từ lưu vực trà sơn Thạch Hà đổ về khá lớn nên cống Cầu Sú cũ (phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh) không tiêu thoát kịp dẫn đến vỡ quai sanh (đê bao) bảo vệ thi công cống mới, đồng thời vượt tràn gây xói lở hàng chục khối đá dăm nền tràn đang thi công dở và cuốn trôi hàng trăm khối vật liệu tập kết dưới chân tràn…

Ông Hồ Văn Lợi là bảo vệ kiêm thủ kho của Đội xây lắp 2 – Công ty CP Xây dựng thương mại Bắc Á chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Lúc đó khoảng 2 giờ sáng. Tôi nghe rầm một tiếng, tức thì quai sanh thượng lưu dùng để ngăn nước khi thi công cống Cầu Sú bị vỡ một đoạn gần chục mét. Kế đó là tiếng lạch cạnh khi nước lũ đánh sập và cuốn trôi hệ thống dàn giáo vừa được dựng lên để đổ dầm bản cống”.


8 giờ đồng hồ sau thời khắc mà ông Lợi kể, dòng nước lũ từ thượng nguồn trà sơn Thạch Hà vẫn chảy xiết trong sự sốt ruột của các đơn vị thi công. Anh Lê Tiến Tầm – Đội trưởng Đội Xây lắp 2 – Công ty CP Xây dựng Bắc Á cho biết, do đã hoàn thành đổ bê tông thân cống và 2 tường bên nên dù nước lũ có luồn qua miệng cống cũng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vấn đề trước mắt mà đơn vị tập trung xử lý là ngưng dòng chảy, sau đó chờ đường khô mới có thể vận chuyển đất về đắp lại quai sanh.


Nằm bên cống Cầu Sú không xa là tràn Cầu Sú đang thi công dở khi mới đổ xong dốc vuốt và 4 khoang bê tông với độ dài gần 57/196m. Anh Mai Quang Trung – Phụ trách kỹ thuật Đội xây lắp 2 – Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành cho biết, rạng sáng 12/9, lượng nước chảy về khu vực cống và tràn rất lớn; thời điểm cao nhất đã vượt đỉnh tràn đang thi công gần 50cm. Nước lũ dâng cao lại vào ban đêm nên đơn vị thi công không thể huy động máy đào phá quai sanh hạ lưu nên không lâu sau khi vượt tràn, nước lũ đã phá vỡ một đoạn quai sanh dài hơn 5m tại vị trí tiêu năng. Ngoài cuốn trôi 10 xe đá dăm, 10 xe cát, nước lũ còn gây xói lở nền ngưỡng tràn của 3 khoang (30m) đang chuẩn bị đổ bê tông. Hiện nay, tuy nước đã xuống thấp nhưng vẫn lấp xấp tràn nên chưa thể biết chính xác thiệt hại cụ thể.

Xem nhẹ việc đắp quai sanh, nhà thầu trả giá!

Nước lũ vượt tràn gần nửa mét gây xói lở nền tràn đoạn chuẩn bị đổ bê tông…

Theo BQL Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, dự án sửa chữa, nâng cấp cống – đường Cầu Sú có tổng mức đầu tư gần 13,4 tỷ đồng. Dự án nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ, không gây ngập úng cho huyện Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh; đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt, cung cấp nguồn nước tưới cho 2.799 ha đất canh tác, đồng thời tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khép kín mạng lưới giao thông trong vùng.


Theo đó, dự án xây dựng cống Cầu Sú mới (cách cống cũ 51,2m) với kết cấu bê tông cốt thép, có hệ thống đóng mở bằng cửa van phẳng, khẩu độ cống rộng 5m; kiên cố tràn đất cũ với chiều rộng 196,4m bằng bê tông cốt thép, nối tiếp gia cố sân sau tiêu năng bằng các tấm bê tông và đá hộc xếp chèn chặt; tuyến đê dài 455m được tôn cao trình đạt 3,2m, mở bề rộng mặt đê đạt 6m (gia cố bê tông dày 20cm)…

Xem nhẹ việc đắp quai sanh, nhà thầu trả giá!

… và cuốn trôi hàng trăm khối vật liệu phục vụ đổ bê tông tràn Cầu Sú

Sau hơn 3 tháng chính thức thi công, dự án đã đạt phân nửa khối lượng với việc đắp đê đến cao trình đỉnh, đổ xong bê tông thân cống, đổ hơn 1/3 bê tông của gần 200m tràn. Do không thể đáp ứng yêu cầu vượt lũ nên việc đảm bảo an toàn của những khối lượng đạt được luôn được Sở NN&PTNT đặt lên hàng đầu, trong đó đáng chú ý nhất là việc thiết kế và đắp quai sanh đảm bảo an toàn chống lũ.


Tuy nhiên, tập trung làm rõ vai trò của hệ thống quai sanh ở 2 hạng mục chính của dự án này là cống và tràn, lại thấy chất lượng đắp đê bao nhằm đảm bảo an toàn cho việc chống lũ chưa đạt yêu cầu. Theo quan sát tại hiện trường, thay vì thực hiện theo biện pháp thi công khi dự thầu là “đắp cao so với cốt thiên nhiên +1m, bề mặt rộng 1m, đáy rộng 3m; sử dụng đầm cóc để đầm nhằm đảm bảo an toàn về độ chặt của lớp đất” thì đơn vị thi công chủ yếu kết hợp đất đào móng đổ lên nhưng chưa đảm bảo mặt cắt thiết kế và không đầm chặt theo thiết kế đặt ra.

Xem nhẹ việc đắp quai sanh, nhà thầu trả giá!

Tác động của lũ liệu có gây ảnh hưởng đến chất lượng cống Cầu Sú?

Điều đó thể hiện rõ từ trước khi cơn bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào tỉnh ta, ngày 29/7, lãnh đạo Sở NN&PTNT, sau khi kiểm tra công trường, đã chỉ đạo: “Nhà thầu thi công cống Cầu Sú cần tổ chức triển khai đắp quai sanh cống đảm bảo mặt cắt đủ rộng để bảo vệ tối đa móng và tường cống đang thi công dở. Nhà thầu thi công tràn Cầu Sú cần tiến hành mở quai sanh của tràn trả lại khẩu diện tiêu thoát lũ”.


Tiếc rằng, hơn một tháng rưỡi sau, việc đảm bảo chống lũ an toàn của hệ thống quai sanh không được thực hiện nghiêm túc. Vì thế, hệ thống quai sanh của cống và tràn Cầu Sú gặp cảnh “nơi cần chống thì không chống nổi, nơi cần mở thì không mở kịp!”.


Còn quá sớm để đánh giá những tác động của sự cố vừa qua tới chất lượng cống và tràn Cầu Sú, song, đó là dịp để các cơ quan, đơn vị liên quan cùng nhìn lại những hạn chế, thiếu sót khi thi công công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ.


Hải Xuân

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP