Tin Hà Tĩnh

Thi công 'chui' cầu Lộc Yên ở Hà Tĩnh: Chủ tịch huyện yêu cầu tháo cọc nhồi và dầm cầu

Liên quan đến việc nhà thầu thi công 'chui' cọc nhồi và đổ dầm cầu khi chưa có đơn vị tư vấn giám sát, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã yêu cầu tháo dỡ.

Trước đó, An ninh Tiền tệ đăng bài "Hà Tĩnh: Doanh nghiệp thi công "chui" dự án cầu Lộc Yên?" phản ánh Dự án Công trình cầu Lộc Yên, huyện Hương khê (Hà Tĩnh) được đầu tư trên 40 tỷ đồng chưa có đơn vị tư vấn giám sát, chưa bàn giao mặt bằng nhưng đơn vị trúng thầu đã tiến hành thi công.

Ngang nhiên đổ cọc nhồi khi chưa có đơn vị tư vấn giám sát và bàn giao mặt bằng của chủ đầu tư.

Sự việc xảy ra tại dự án Công trình cầu Lộc Yên, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê. Đơn vị trúng thầu là liên doanh Công ty TNHH Vĩnh Phúc có địa chỉ ở xóm Thanh Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh và Công ty Cổ phần xây dựng Sông Ba, có địa chỉ tại huyện Hương Khê.

Theo tìm hiểu được biết, Dự án Công trình cầu Lộc Yên được đầu tư với số vốn 43,8 tỷ đồng. Công trình do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư. Dự án chưa được khởi công, UBND huyện Hương Khê chưa bàn giao mặt bằng.

Liên hệ qua điện thoại, ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho rằng: "Họ sai thì làm lại, cả hệ thống cọc nhồi và dầm cầu đều phải làm lại. Khi nào có đơn vị tư vấn giám sát thì mới nghiệm thu".

Một cán bộ am hiểu lĩnh vực tư vấn giám sát cũng nhận định: "Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư để nhà thầu "tự tung tự tác" còn phải nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương sở tại là UBND xã Lộc Yên và UBND huyện Hương Khê. Không thể nói rằng không biết sự việc khi trụ sở Ban quản lý dự án cách đó không xa, mà việc nhà thầu đưa thiết bị máy móc vào đổ cọc nhồi và 2 dầm cầu không thể ngày một ngày hai...

Vấn đề trách nhiệm trong việc để đơn vị thi công tự làm như vậy lỗi cơ bản thuộc về chủ đầu tư. Chỉ có trường hợp sau này mố cầu khác với hiện nay thì nhà thầu phải thi công lại; còn chuyện bóc, gỡ cọc nhồi bằng bê tông đã đổ rồi là chuyện "xưa nay hiếm"".

Dầm cầu đã được đổ khi chưa có thí nghiệm đầu vào.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Hương Khê cho biết thêm: "Nhà thầu phải đào cọc nhồi lên, chúng tôi phải có báo cáo đến Sở GTVT trước ngày 6/1".

Dư luận đặt câu hỏi, những dầm cầu đã được đúc, cọc nhồi đã được đổ bê tông có được nghiệm thu hay chuyển đi nơi khác? Cách xử lý của nhà thầu và UBND huyện Hương Khê sẽ ra sao?

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Hồ Thắng – Quốc Hoàn

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP