Sau khi bản danh sách những thí sinh trúng tuyển được Cục QLTT công bố, lập tức, nhiều đơn thư gửi tới Bộ Công Thương tố cáo việc lộ đề thi. Thực tế, qua điều tra, phát hiện trong 10 thí sinh trúng tuyển (có tên ở trên), không ít là con, cháu của lãnh đạo ngành Công Thương.
Cụ thể, thí sinh Đỗ Mạnh Quân, sinh ngày 30/4/1989, có số điểm 351 (vị trí trúng tuyển: Phòng Tuyên truyền và Quan hệ đối ngoại) là cháu của ông Đỗ Thanh Lam, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cục QLTT.
Thí sinh Đào Ngọc Thắng, sinh ngày 7/10/1989, có số điểm 310 (vị trí trúng tuyển: Phòng Chống buôn lậu) là cháu của ông Đào Minh Hải, nguyên Cục phó QLTT, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương, hiện là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương.
Thí sinh Lưu Bách Trường, sinh ngày 26/5/1990, có số điểm 327 (vị trí trúng tuyển: Phòng Chống hàng giả) là con của ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội).
Ngoài ra, trong danh sách trúng tuyển còn có hai người trước khi dự thi là nhân viên hợp đồng tại Cục QLTT.
Cụ thể, Nguyễn Ngọc Tâm, sinh ngày 12/11/1989, có số điểm 318 (vị trí trúng tuyển: Phòng Tổ chức-Xây dựng lực lượng) là nhân viên của chính phòng này; thí sinh Chung Phương Anh, sinh ngày 28/10/1989, có số điểm 376 (ví trí trúng tuyển: Phòng Pháp chế) là nhân viên trực tiếp của ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế Cục QLTT và ông Nguyễn Đức Lê, Phó trưởng phòng (cả hai ông này hiện đã nhận hình thức kỷ luật do sai phạm trong kỳ thi tuyển – PV).
Nhiều người mang tài liệu, chép bài thoải mái
Đó là khẳng định của thí sinh Trần Hưng Thái. Anh Thái là một trong số 289 thí sinh bị trượt tại kỳ thi tuyển công chức của Cục QLTT (Bộ Công Thương).
Anh Thái sinh năm 1984, lấy bằng thạc sỹ tại Singapore, đăng ký thi vào Phòng Tuyên truyền và quan hệ đối ngoại (phòng này chỉ lấy 2 chỉ tiêu – PV). Trong 5 môn thi, anh Thái được miễn thi môn ngoại ngữ và tin học. Kết quả, anh Thái có tổng điểm 297, xếp thứ ba.
Trao đổi với PV, anh Thái cho biết: “Tôi thấy người ta mang tài liệu vào phòng thi, mặc sức chép. Tất nhiên, lúc đó tôi vẫn cứ làm bài thi của mình. Nhưng sau này, khi biết thí sinh chép bài trúng tuyển (tên Đỗ Mạnh Quân), tôi rất bức xúc. Tôi biết rõ trong thời gian nửa đầu làm bài thi, cậu ấy không làm được gì, vì ngồi bên cạnh tôi. Sau đó giám thị đi qua, rồi cậu ấy chép tài liệu”.
“Sau khi công bố kết quả thi, tôi đứng thứ ba nhưng vẫn trượt vì chỉ lấy hai chỉ tiêu. Một trong hai người trúng tuyển là Đỗ Mạnh Quân. Tôi thấy chán nản và bức xúc. Một kỳ thi quan trọng như vậy mà có người bằng quan hệ này nọ, chép bài, trúng tuyển. Chính vì vậy, tôi đã làm đơn khiếu nại. Sau này, đọc báo mới biết đó là kỳ thi được dàn xếp. Vậy Cục QLTT tổ chức thi làm gì khi biết trước người đỗ”, anh Thái nói.
Cũng theo anh Thái, tại phòng thi của anh, sau khi bóc đề thi, đã có thí sinh đứng dậy bỏ về ngay và tuyên bố “thi thế này thì gọi là kỳ thi công bằng hay không, khi có người đã biết trước mình đỗ”. Sau đó, thí sinh đó bỏ về mà không ai ngăn cản. Thậm chí ở phòng thi bên cạnh, có thí sinh dọa đánh giám thị, to tiếng rồi bỏ về.Kỳ thi tuyển công chức của Cục QLTT có 299 thí sinh tham dự. Điều dư luận thắc mắc là vì sao trong số 10 người trúng tuyển, đã có 5 người là con, cháu, nhân viên trong ngành Công Thương?