Khi máy bay chở Rupert Wingfield-Hayes bay qua khu vực này để tiếp cận các đảo, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa- Việt Nam mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên đó, ngay lập tức hải quân Trung Quốc phát cảnh cáo, yêu cầu chiếc máy bay này phải rời ngay lập tức.
Rupert Wingfield-Hayes viết trên BBC rằng: “Bạn đừng mơ khi Trung Quốc sẽ mời truyền thông đến các khu vực đảo này. Bạn chỉ có thể tiếp cận bằng cách bay từ đất liền Philippines ra bãi đá Thị Tứ” rồi từ đó mới bay tiếp ra Biển Đông để tận mắt thấy các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc tại đây.
Đá Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ – quần đảo Trường Sa-Việt Nam. Hiện Philippines đang chiếm giữ đảo này.
Sau nhiều lần cố gắng để chính quyền Manila đồng ý cho lên máy bay, cuối cùng ngày phóng viên Rupert Wingfield-Hayes bay ra Biển Đông đã đến.
“Vào khoảng 5g30 ngày hôm đó, 5 người gồm Hayes, người quay phim tên Jiro, một kỹ sư, hai phi công đã cất cánh từ Puerto Princesa- trên đảo Palawan (Philippines) ra Biển Đông trên chiếc máy bay nhỏ loại một động cơ Cessna 206.
Kế hoạch của đoàn Hayes là bay trực tiếp từ đảo Palawan ra đảo Thị Tứ rồi hạ cánh tại đây để tiếp nhiên liệu ( Philippines chiếm đảo Thị Tứ ở Trường Sa). Sau đó, chiếc Cessna 206 từ Thị Tứ sẽ bay chếch về hướng tây nam ra Biển Đông rồi bay vòng trên đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc đang xây đường bằng và căn cứ hải quân.
Sau đó chiếc Cessna 206 sẽ bay về đảo Thị Tứ để tiếp nhiên liệu lần hai để bay về đảo Palawan. Trong hành trình này, đoàn của Hayes sẽ bay qua đá Vành Khăn- một bãi đá khác mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Sau 30 phút bay từ đá Thị Tứ về phía nam, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes đã nhìn thấy qua cửa sổ một bãi đất dài màu cát vàng xuất hiện. “Đó là đá Ga Ven”- Hayes nhận ra.
Ngay lúc đó, một giọng nói từ hải quân Trung Quốc vang lên qua radio cảnh báo phi công máy bay: “Máy bay quân sự không xác định đang bay trên vùng trời phía tây bãi Nam Huân tiêu (tên Trung Quốc gọi đá Ga Ven), đây là hải quân Trung Quốc. Các bạn đang xâm phạm an ninh của chúng tôi. Để không nảy sinh tính toán sai lầm, hãy rời khỏi đây ngay lập tức”.
Mặc dù Cessna 206 đã bay xa khỏi đá Ga Ven, giọng nói qua radio “vẫn tiếp tục vang lên bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, giọng điệu ngày càng kích động hơn”.
Sau đó chiếc Cessna 206 chuyển hướng bay về phía tây nam. Sau khoảng 1 giờ bay nữa (từ đá Ga Ven), “một dải đất rộng màu vàng hiện ra. Đó là đá Chữ Thập” – Rupert Wingfield-Hayes tường thuật.
Khi máy bay tiến gần, cách đá Chữ Thập khoảng 20 hải lý, một giọng khác cảnh báo từ radio lại vang lên: “Máy bay nước ngoài đến từ tây bắc đảo Vĩnh Thử (tên của Trung Quốc gọi đá Chữ Thập), đây là hải quân Trung Quốc, bạn đang xâm phạm an ninh trạm của chúng tôi”.
Lần này, phi công trên chiếc Cessna 206 ngay lập tức cảnh báo: “Chúng tôi cần tiếp cận gần hơn. Đây là máy bay dân sự, không phải là máy bay quân sự “.
Sau đó chiếc Cessna 206 bay xuống đá Thị Tứ tiếp nhiên liệu trước khi quay về đất liền Philippines. Trong hành trình này, chiếc máy bay bay qua đá Vành Khăn. Khi cách bãi đá này khoảng 12 hải lý, một giọng cảnh báo từ radio của hải quân Trung Quốc lại vang lên giống những lần trước.
Bên dưới những đám mây, đường băng máy bay Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn hiện lên rõ rệt. Vị trí này chỉ cách bờ biển gần nhất của đất liền Philippines 140 hải lý. Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes tính toán : “một máy bay chiến đấu Trung Quốc cất cánh từ đây chỉ mất từ 8 đến 9 phút để đến bờ biển Philippines”.
Sau cùng chiếc máy bay chở đoàn cũng vào được đất liền, kết thúc chuyến hành trình “sóng gió”. Những gì họ quay lại cho thấy cận cảnh các công trình Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.
Các bãi đá Vành Khăn, Chữ Thập, Ga Ven, Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa- Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc và Philippines chiếm giữ. Trong đó, chính quyền Trung Quốc những năm gần đây đã ráo riết xây các công trình trái phép trên các bãi đá này. |
Clip đoàn thị sát chụp cận cảnh đá Vành Khăn với các công trình Trung Quốc xây trái phép bên trên (nguồn: BBC) :