Chúng tôi đã có mặt tại một số trung tâm điều trị và cả cơ sở cai nghiện thì được biết rằng, đây không phải là căn bệnh xa lạ gì …
I. Trung tâm cai nghiện tự nguyện T.T. (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) một ngày nọ tiếp nhận một bệnh nhân kỳ lạ. Bệnh nhân là một chàng trai trẻ tên Triệu Q., được 4 thanh niên to khỏe “áp tải” vào. Q. luôn miệng: “Các khanh đưa trẫm đi đâu thế này? Ở đây có đủ cao lương mỹ vị phục vụ không? Các nữ tì của trẫm đâu hết cả rồi…?”.
Người nhà của Q. cũng có mặt trong đoàn hộ tống. Chị ta phân trần mà miệng méo xệch: “Các cô các chú ơi cứu cháu nó với. Không hiểu nó đi giao du với bạn bè ở đâu, mà giờ hóa thành cái thằng dở người như thế này”.
Sau khi được các bác sĩ động viên, chị ta bình tĩnh kể lại. Q. vốn là một quý tử của một gia đình kinh tế thuộc dạng “khủng” ở phố cổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vốn ngày bé Q. là một đứa trẻ “không ngoan cũng không hư”, đi học về chỉ ở với bà nội. Khi Q. bước vào THPT thì bà mất, Q. chới với không có người dạy dỗ bảo ban nên đánh bạn với một đám học sinh sành điệu nhất trường. Q. được rủ tham gia các cuộc vui, ban đầu chỉ là những buổi sinh nhật, hay party nho nhỏ.
Ở các buổi ăn chơi này, cả nhóm thường dấm dúi nhau những gói bột đá trắng, mà chỉ có những thành viên “VIP” mới được sử dụng. Sau một lễ kết nạp nho nhỏ cùng lời thề: “Quyết không rời nhóm”, Q. lần đầu tiên được biết “đập đá” là thế nào.
Sau vài lần được tham gia các cuộc đập đá thì Q. không thể dứt ra được nữa. Q. trở thành thủ lĩnh đầu trò, có mặt trong mọi cuộc vui của hội. Mỗi tháng bố mẹ Q. chu cấp cả trăm triệu cho cậu ta ăn tiêu. Có tiền, Q. được đám bạn tôn lên làm “King of party” (Vua của bữa tiệc). Cứ thế Q. trượt dài trong cơn lốc của ma túy đá, đến nỗi phải bỏ học. Sau một năm “đập đá”, từ một chàng trai to cao, nhanh nhẹn – được nhiều bạn gái ngưỡng mộ – Q. đã trở thành người lù khù, chậm chạp. Bạn bè cũ không ai còn nhận ra “hoàng tử bạch mã” ngày nào đâu nữa.
Còn bố mẹ của Q. chỉ nhận ra con mình đã trở thành người khác khi Q. xưng “trẫm” với tất cả mọi người. Q. thường xuyên ngồi chễm chệ trên chiếc ghế salon to giữa phòng khách, coi đó là “ngai vàng”; người giúp việc trong nhà đều là những “nô tì” của Q. Không biết con mình nghiện ma túy, bố mẹ Q. tìm đủ mọi cách khuyên bảo, dỗ ngon dỗ ngọt, đưa Q. đi khám bác sĩ nhưng cậu ta không nghe. Q. bảo mình chỉ bị bệnh “hưng cảm” – nghĩa là hưng phấn cảm xúc nhất thời thôi, vài ba hôm là khỏi.
Phải cho tới khi Q. vác “thượng phương bảo kiếm” – là một thanh kiếm sắt không biết cậu ta lôi từ đâu về – đến một khách sạn gần nhà vừa múa vừa reo hò khiến người dân bạt vía thì bố mẹ Q. mới hốt hoảng chạy về. Sau khi nhờ mấy thanh niên to khỏe trói nghiến cu cậu vào, lục phòng ngủ, tủ quần áo… bố mẹ cậu phát hiện thêm 6 thanh kiếm khác nữa. Thế rồi bố của Q. lại nhờ họ “a lô xô” vào “khênh” cậu quý tử đi đến thẳng trại cai nghiện.
Cùng nhập viện một đợt với Q. có Phương D. (nhà trên phố Hà Trung, Hà Nội). D. cũng thuộc dạng “tiểu thư” lá ngọc cành vàng. Bố mẹ D. chuyên nhập hàng hiệu về bán, phân phối cho nhiều cửa hàng tại Hà Nội nên đi suốt ngày. Trong nhóm của Q., D. được tôn làm “Queen of night” (Nữ hoàng bóng đêm) không chỉ bởi dung nhan chim sa cá lặn cùng đồ hiệu tân thời nhất mà còn vì thành tích đập đá xuyên 3 ngày 3 đêm không ăn không ngủ.
Vì sợ xấu hổ với xóm làng, nên có ai hỏi thì bố mẹ D. cũng chỉ nói là con mình bị bệnh… “hưng cảm”. Họ còn tự mua thuốc về cho D. uống. Chỉ đến khi D. đêm nào cũng lảm nhảm, réo tên bố mẹ lên chửi; ban ngày thì hú hét múa may như người động kinh thì bố mẹ D. mới đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Bác sĩ Lưu Thành Long – người có hàng chục năm điều trị cho các con nghiện tại Trung tâm cai nghiện Bạch Đằng cho biết, “hưng cảm” hay “trầm cảm” là những biểu hiện của bệnh tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện, ma túy đá. Tùy vào cơ địa cụ thể mỗi người, sau khi sử dụng ma túy đá người nghiện sẽ có những cơn trầm cảm, hưng cảm bất thường. Người trầm cảm thì hay ngồi ủ rũ một mình, sợ ánh sáng, có thể lẩm bẩm hàng giờ đồng hồ… Người hưng cảm thì chạy nhảy, làm những việc bình thường không ai dám làm.
II. Có thể nói, ma túy đá hiện đã leo lên vị trí lựa chọn đầu bảng của giới ăn chơi. “Đá” được xem như loại “thần dược” đầy mê hoặc giúp thăng hoa, hưng phấn tột đỉnh nên đã nhanh chóng len lỏi vào mọi ngóc ngách của các buổi tiệc tùng, nhảy nhót, hát hò, bù khú. Nhiều cậu ấm cô chiêu nhờ “đập đá” mà đủ sức để “phá giời”. Chỉ đến khi thân tàn ma dại thì ngoảnh lại cũng đã muộn.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chúng tôi gặp bệnh nhân N. (nhà ở Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội) – cũng là một kẻ đập đá lâu năm.
Bà P., mẹ của N. ứa nước mắt khi kể chuyện về đứa con ngây dại của mình. Bà vốn là công chức tại một bộ, chồng làm chủ thầu xây dựng. Bà sinh được hai cậu con trai, N. là thứ hai.
Cách đây độ 3 năm, gia đình bà luôn ngập tràn trong niềm vui, hạnh phúc. Cậu con trai lớn có công ăn việc làm tử tế, còn N. cũng xin được vào làm tại một cơ quan báo chí. Thế rồi N. bập vào yêu đương với một cô gái học cùng THPT. Trớ trêu thay, người yêu của N. (tên Th) lại là một kẻ chuyên đập đá. Chính Th. đã đưa N. vào con đường nghiện ngập.
Bà P. kể, có một dạo cứ sau lần đi chơi với cái Th. về là con bà lại có biểu hiện khác lạ. Nó cứ lầm lầm lì lì cả ngày, chẳng nói chẳng rằng. Bình thường N. là người hiếu động, biết yêu thương mẹ. Cứ đi làm về là lao vào bếp nấu cơm, dọn dẹp… Song từ khi sử dụng ma túy đá, N. biến thành chàng trai khác hẳn. N. trở thành người bất thường, thoắt buồn, thoắt vui, nhạy cảm với tiếng động. Có những khi vài ba ngày trời, ăn không ăn, ngủ chẳng ngủ. Thế rồi có đêm, N. làm náo loạn cả nhà vì tự nhiên cầm dao leo lên nóc nhà huơ tứ tung. Hỏi thì N. bảo đang “đuổi ma”! Lần khác, sau khi đã “no đá”, N. cảm thấy mình được mọc cánh như chim. Và N. đã ra ban công, định “bay lên giời”. May mà người mẹ khốn khổ kịp thời giữ lại.
Qua theo dõi, bà P. phát hiện ra con mình đang sử dụng ma túy, bà cấm tiệt không cho N. đi với Th. nữa. Bà cũng bắt N. tự cai ở nhà. Được một thời gian, nghĩ là con đã tạm ổn, bà cho N. đi làm, rồi đi tập thể hình để nâng cao sức khỏe. Chẳng ngờ, N. lại bị bạn bè tiếp tục rủ rê đi đập đá.
“Bọn nó rủ khéo lắm cháu ạ. Nó bảo N. về xin phép mẹ đi họp lớp lành mạnh. Chẳng ngờ thằng N. đi họp hôm trước, hôm sau về thì liền lên cơn, rồi xỉu đi. Bác vội vàng đưa nó vào bệnh viện chạy chữa. Được chừng một tuần đơ đỡ thì cho về nhà. Nhưng buổi tối hôm nọ, chẳng biết đứa nào rủ rê nó lại đi “đập đá”, phê lên rồi định ra cầu Long Biên tự tử. Đưa về được đến nhà thì nó lại lên cơn…”.
Cũng ở Viện Sức khỏe tâm thần, chúng tôi được nghe kể về trường hợp tiểu thư Tr., nhà trên phố Hàng Da. Vốn có thân hình phổng phao sớm nên từ khi mới 13, 14 tuổi Tr. đã được nhiều chàng trai theo đuổi. Tr. sa vào mối tình với một “hot boy” ở gần nhà. Thế rồi tối ngày Tr. theo người yêu đi bar, lên sàn. Tr tâm sự với các bác sĩ là do đã biết bạn bè của mình bị bệnh “hưng cảm” nên nhiều lần được người yêu rủ đập đá nhưng Tr. đều từ chối. Một lần Tr. phát hiện chàng người yêu bắt cá hai tay, vậy là Tr. cãi nhau rồi chia tay.
Trong lúc thất tình, Tr. được bạn bè rủ đi hút shisha. Không ngờ đám bạn đã trộn ma túy đá vào bình. “Lúc đầu em thấy hơi nặng bụng, sau tim đập nhanh hơn và thấy quên hết mọi nỗi buồn trong cuộc đời” – Tr. kể về lần đầu tiên đi đập đá. Sau cái lần ấy, vài ngày không được hút “shisha” Tr. lại thấy nhớ, và tìm mua bằng được.
Bố mẹ Tr. thấy con dính vào nghiện ngập thì vội đưa con đi chữa khắp nơi; thậm chí còn đẩy Tr. đi du học cho… khuất mắt. Tuy nhiên, sau 2 năm đi “du học cai nghiện” về nước Tr. còn nghiện nặng hơn. Lúc nào trong đầu Tr. cũng có ý nghĩ mình đang bị ám hại. Chỉ cần nghe tiếng còi xe ở đầu ngõ là Tr. vùng dậy, rút dao thủ thế sẵn.
Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, bệnh nhân Nguyễn Khắc H. được đưa vào trong tình trạng thân xác gần như kiệt quệ. Khác với đám ngáo đá “ít học”, sau khi đập đá H. không quậy phá hay bù khú với bạn bè mà chỉ thích quan hệ với… vợ. Để phục vụ nhu cầu của chồng, vợ H. cũng sử dụng ma túy đá. H. kể mỗi lần đập đá, hai vợ chồng có thể kéo dài thời gian lên đỉnh nhiều giờ đồng hồ. Có thể quan hệ nhiều ngày liên tiếp mà không thấy mệt mỏi. Nhưng được một thời gian, H. bị kiệt sức đi lại không vững nữa và được người nhà đưa vào bệnh viện để chữa trị.
Cũng theo H., nhiều “cậu ấm cô chiêu” sau những ngày đập đá phá giời thì bị bố mẹ ép lấy chồng lấy vợ để cho yên chuyện. Như cặp vợ chồng M. – K. từng nằm cạnh buồng điều trị với H. M. kể thường xuyên bị vợ cầm dao đuổi chạy trối chết vì bị nghi là… ngoại tình.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho chúng tôi biết, khi sử dụng ma túy đá sẽ khiến người nghiện xuất hiện những hoang tưởng. Những hoang tưởng này có thể xảy ra ngay trong quá trình sử dụng hoặc một thời gian ngắn sau quá trình sử dụng. Việc xuất hiện của nó hoàn toàn bất ngờ không thể lường trước được. Có thể ngày hôm nay chúng ta sử dụng nó lại chưa xuất hiện, nhưng ngày mai mới xuất hiện. Sự xuất hiện của hoang tưởng ngắn, không có quá trình hình thành nên không ai biết mà đề phòng. Có những người lên cơn ngay khi đang cùng nhau sử dụng, nhưng có những người về nhà mới bị sinh hoang tưởng, ảo giác. Người nghiện cũng không phân biệt được người thân, bạn bè mà đều coi họ là đối thủ, đối tượng để tấn công.
Bên cạnh đó, khi hoang tưởng xuất hiện trong não bộ người nghiện hoàn toàn tin vào hoang tưởng đó và hành động theo niềm tin đó. Chính vì thế mà ta thấy họ làm những chuyện kỳ quặc, kỳ dị, thậm chí gây tội ác một cách vô cảm.
Khác với hêrôin, người nghiện ma túy đá không có biểu hiện vật vã khi lên cơn thèm thuốc, tuy nhiên trong tâm tưởng của họ thì luôn thèm muốn được sử dụng, nếu không có ma túy thì không thể làm được việc gì. Có những cậu ấm cô chiêu nghiện ma túy đá song lại về nói với bố mẹ là con đâu có nghiện, vì nếu nghiện thì phải lên cơn vật vã… Bố mẹ cũng tin điều đó. Chính sự thiếu hiểu biết của bố mẹ, người thân khiến cho ma túy đá dường như đang thâm nhập sâu vào một bộ phận giới trẻ và gây ra những tác hại khó lường
Theo Hoa Sơn
Công an nhân dân