TP Hà Tĩnh

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa sau 10 năm chống tiêu cực

Sau khi tố cáo tiêu cực thi cử năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa (Trường THPT Thường Tín, Hà Nội) trải qua 10 năm sóng gió với cái “mác” gàn dở.

ht

Nhắc lại mùa thi năm 2006 tại Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội), thầy Khoa vẫn chưa quên cảm xúc ngỡ ngàng khi chứng kiến cách tổ chức thi cử ngày ấy.

“Có người đã rút đề ra thuê giải, photo hàng loạt rồi mang chia bài cho học sinh. Tôi thấy như thế không thể chấp nhận được”, thầy Khoa kể lại.

Thầy giáo này đã dùng điện thoại quay lại sự việc, rồi gọi điện cho Thứ trưởng GD&ĐT Bành Tiến Long báo cáo.

Đấu tranh – “tránh đâu”

Sau khi lên tiếng phanh phui tiêu cực, cuộc sống của thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị đảo lộn. Có người bảo ông gàn dở, thích soi mói; một số thì sợ hãi, xa lánh. Bố thầy Khoa chia sẻ: “Đã có những kẻ đến đập phá nhà, đánh vợ chồng Khoa”.

Nhiều năm thầy Khoa không được phân công coi thi. Công việc tại trường học cũng gặp nhiều khó khăn do mâu thuẫn với hiệu trưởng và bị đồng nghiệp cô lập.

“Họ dự giờ đột xuất một tuần hai tiết rồi chấm giờ giảng yếu. Họ cho tôi thời khóa biểu tiết một và tiết năm buổi sáng, rồi tiết một và tiết năm buổi chiều để không còn thời gian làm việc khác. Một tuần có 17 tiết thì họ giải kín mít cả sáng lẫn chiều trong tuần”, “người đương thời” Đỗ Việt Khoa nhớ lại.

Người thầy đầu đã hai thứ tóc tâm sự, điều khiến ông sốc nhất không phải chuyện bị người ta khủng bố, đe dọa, mà chính là thái độ vô cảm của những đồng nghiệp quanh mình.

“Có lần, một thầy giáo dạy toán uống nước cùng bị hiệu trưởng gọi lên văn phòng đe dọa là ngồi với Đỗ Việt Khoa để chống đối tôi à”, thầy giáo này nhớ lại.

Khi ấy, Thảo, con gái thầy Khoa, chuẩn bị thi vào lớp 6, gia đình nộp đầy đủ hồ sơ tuyển sinh cho con. Nhưng sau đó nửa tháng, thầy hiệu trưởng phát hiện nữ sinh là con gái Đỗ Việt Khoa nên yêu cầu giáo viên trả lại hồ sơ.

Thành quả được ghi nhận

Thầy Khoa tâm sự, với trách nhiệm công dân, trách nhiệm của giáo viên, thấy điều không thể chấp nhận được nên phải làm, và sẵn sàng chấp nhận khó khăn trước mắt.

“An ủi đối với tôi là được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đến tận nhà động viên và thỉnh thoảng vẫn hỏi chuyện qua điện thoại. Tôi cũng được nhiều thầy cô trên cả nước, những người có chính kiến rất rõ ràng, gọi điện chia sẻ, đồng cảm. Những gì tôi làm cũng được Bộ GD&ĐT lắng nghe, sửa chữa một số phần”, thầy Khoa nói.

Sau vụ phanh phui tiêu cực thi cử của thầy Đỗ Việt Khoa, Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào “2 không”. Năm 2007, Bộ cũng có một số phương án kỹ thuật khống chế những tiêu cực, gian lận.

Ngọc Quang

Nguồn: VTC

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP