Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế và những khó khăn riêng có của đơn vị hành chính mới thành lập. Nhưng với nổ lực phấn đấu vượt khó, thoát nghèo, Lộc Hà đã và đang tập trung thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, do đó tình hình chung có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 10%/năm. Tốc độ tăng GDP năm 2010 đạt 13,2%, năm 2011 đạt 12,38%; cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy vậy, thành lập trong giai đoạn liên tiếp xảy ra suy thoái kinh tế, hiện Lộc Hà vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng và phát triển kinh tế. Đến 31/12/2011 huyện còn 17,04% hộ nghèo (3.724 hộ, 13.520 khẩu); 20,35% hộ cận nghèo (4.483 hộ, 18.909 khẩu); đến cuối năm 2012 số này giảm còn 14,55% hộ nghèo (3.258 hộ, 11.206 khẩu); 15,36% hộ cận nghèo (3,439 hộ, 15.939 khẩu). Qua thanh tra cho thấy:
1. Về quản lý Tài chính – Ngân sách:
a) Ưu điểm:
Trong điều kiện bộ máy của huyện mới còn nhiều khó khăn do tổ chức và nhân sự bất cập, nhưng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thu, chi ngân sách của UBND huyện Lộc Hà cơ bản thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Công tác thu thực hiện tương đối tốt, số thu (không tính thu tiền sử dụng đất) đều vượt kế hoạch được giao (năm 2010 đạt 190,5%; năm 2011 đạt 104,4%). Về cơ bản các sắc thuế đều đạt và vượt chỉ tiêu (năm 2010 đạt 9/10 chỉ tiêu; năm 2011 đạt 8/10 chỉ tiêu), số ít không đạt chỉ tiêu có phần khách quan do thay đổi chính sách (năm 2010: phí và lệ phí; năm 2011: thu quốc doanh và tiền thuê đất). Số thu được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách.
Công tác lập và giao dự toán chi ngân sách thực hiện đúng qui định. Chi ngân sách huyện hàng năm đều tăng so với dự toán của tỉnh với lý do có sự tăng thu trên địa bàn và do sự thay đổi chính sách chế độ. Trong bố trí chi (cả phần tăng chi) đã có sự cân đối về tỷ lệ giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển (chi đầu tư phát triển năm 2010 chiếm 16,36%, năm 2011 chiếm 17,26% trên tổng chi ngân sách).
Trách nhiệm tham mưu của Phòng Tài chính – Kế hoạch, tuy lực lượng thiếu, lại phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ nhưng cơ bản đã thực hiện tốt: Từ năm 2010 đến nay đã tham mưu và trực tiếp ban hành 12 văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các qui định của pháp luật về TC-NS, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham mưu tổ chức lớp đào tạo chứng chỉ Kế toán trưởng cho đội ngũ kế toán cơ sở; thực hiện việc theo dõi, quản lý nguồn thu, tham mưu xử lý các yêu cầu, nhiệm vụ chi, xử lý theo quy định đối với các trường hợp phát sinh ngoài dự toán; duy trì tốt chế độ giao ban kế toán; có cố gắng trong việc thẩm tra quyết toán TC-NS hàng năm cho các đơn vị thuộc thẩm quyền, năm 2010 và 2011 tất cả các xã đã được thẩm tra quyết toán.
b) Một số hạn chế, khuyết điểm:
Dự toán thu ngân sách một số chỉ tiêu chưa sát thực tế, chưa huy động hết các khoản thu (ở các xã) vào ngân sách. Công tác kiểm tra người nộp thuế còn hạn chế về đối tượng (năm 2010 kiểm tra 11/60 đối tượng; 2011 kiểm tra 16/74 đối tượng). Tiến hành rà soát, kiểm tra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn, vẫn còn hiện tượng bỏ sót nguồn thu (Đoàn kiểm tra tại 02 doanh nghiệp, số thuế phải xử lý truy thu là 175.889.570 đồng).
Chi thường xuyên chưa tiết kiệm; chi hoạt động Đảng, tổ chức chính trị, hội, đoàn thể còn lớn (năm 2011 số chi nội dung này bằng 264,13% số dự toán HĐND huyện giao). Việc đưa nội dung hỗ trợ kinh phí cho đơn vị có ngân sách, kinh phí riêng (như Liên đoàn Lao động) vào Nghị quyết của HĐND huyện và việc hỗ trợ kinh phí cho Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội và một số đơn vị khác là không đúng quy định.
Việc giao khoán, giao tự chủ kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện chậm, đến nay Nghị định số 43/2006/NĐ-CP chưa được triển khai thực hiện.
Việc kiểm soát, thanh toán, chi trả của Kho bạc nhà nước chưa chặt chẽ, nhiều khoản chi tại các đơn vị không đảm bảo thủ tục quy định nhưng vẫn được chấp nhận thanh toán.
Phòng Tài chính – Kế hoạch còn chậm trong việc tổ chức thẩm tra phê duyệt quyết toán tài chính đối với các đơn vị, đặc biệt tại các đơn vị sử dụng ngân sách lớn như Văn phòng HĐND& UBND huyện, Văn phòng Huyện ủy; việc hướng dẫn nghiệp vụ, phát hiện các sai phạm để chấn chính, khắc phục còn hạn chế, tham mưu quản lý sử dụng Quỹ Quốc phòng – An ninh, Quỹ Phòng chống thiên tai chưa có các giải pháp tích cực để thực hiện tốt chỉ tiêu thu, tăng nguồn lực các quỹ.
Từ ngày thành lập huyện đến nay việc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý TC-NS chưa được UBND huyện thực hiện.
Việc chấp hành các quy định tài chính, kế toán ở một số đơn vị còn hạn chế. Tại các đơn vị được kiểm tra còn vi phạm chế độ ghi chép ban đầu, chế độ quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ khi mua hàng hóa, dịch vụ còn khá phổ biến nhưng chưa được phát hiện để kịp thờichấn chỉnh, khắc phục. Vi phạm quy định về quản lý TC-NS phải xử lý (xã Thạch Bằng và Phòng Lao động – Thương binh và xã hội) là 34.484.000 đồng.
* Quản lý sử dụng các loại quỹ: Các quỹ được hình thành, quản lý sử dụng đúng quy định. Tuy nhiên, việc đóng góp xây dựng quỹ chưa được chú trọng, một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm, tỷ lệ huy động các quỹ hàng năm đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra. Nhiều đơn vị trên địa bàn không nộp quỹ theo quy định, nhưng UBND huyện chưa có biện pháp chấn chỉnh, xử lý (Cơ quan Thi hành án Dân sự và Trường THPT Mai Thúc Loan nhiều năm liên tục không đóng góp xây dựng quỹ). Qua kiểm tra tại 02 xã (Phù Lưu, Hồng Lộc) và Trường THPT Mai Thúc Loan kinh phí các quĩ đã thu của các đối tượng nhưng không nộp phải xử lý là 116.602.000 đồng.
2. Về quản lý đầu tư, xây dựng:
a) Ưu điểm:
Trong thời gian ngắn, cùng với nguồn vốn được bố trí cho việc xây dựng huyện mới, Lộc Hà đã thu hút được các nguồn vốn đầu tư khá lớn của Nhà nước và huy động nguồn lực trong nhân dân tương đối tốt, do vậy kết cấu hạ tầng được tăng cường đáng kể. Các tuyến đề sông, đề biển được tập trung đầu tư củng cố, nâng cấp; các công trình giao thông trọng điểm, các công trình giao thông kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, cứu nạn, cứu hộ được tập trung đầu tư; hệ thống công sở và các công trình hạ tầng kỷ thuật khác phục vụ dân sinh xã hội được hình thành. Các công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng chất lượng đảm bảo, phát huy hiệu quả sử dụng, tăng cường cơ sở hạ tầng toàn huyện, khu trung tâm hành chính, đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng ngày càng được quan tâm; tình trạng phân tán trong quản lý đầu tư đối với các công trình do huyện làm chủ đầu tư đã được khắc phục. Về cơ bản quy trình thủ tục đầu tư xây dựng được chấp hành bản đảm bảo.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (Ban A) đã thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Hạn chế, khuyết điểm:
Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên toàn địa bàn còn hạn chế, Phòng Tài chính – Kế hoạch chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, tình hình ĐTXD trên địa bàn. Các dự án/công trình do huyện làm chủ đầu tư, mặc dù đã tập trung đầu mối về Ban A, nhưng việc phối hợp của các phòng, ban trước đây với Ban A trong việc xử lý, giải quyết tồn tại phát sịnh do quản lý phân tán chưa tốt. Ban A cơ quan chuyên trách tham mưu giúp UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện các công trình, dự án lực lượng và năng lực còn bất cập chưa bao quát hết các nhiệm vụ.
Quá trình triển khai thực hiện các dự án/công trình: Trình tự thủ tục đầu tư có mặt chấp hành chưa tốt. Quản lý tổng mức đầu tư có trường hợp chưa đúng quy định. Công tác lập dự toán, xác định, phê duyệt giá gói thầu có trường hợp chưa đúng quy định, thiếu chính xác; tổ chức đấu thầu thi công chủ yếu thực hiện bằng hình thức đấu thầu hạn chế, một số công trình được chia nhỏ để đấu thầu gây khó khăn cho việc quản lý cũng như tổ chức thi công. Trong thi công, nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, nhất là đối với các công trình giao thông, đê điều. Công tác giám sát, nghiệm thu còn hạn chế, chưa phát hiện được các sai sót của tư vấn và nhà thầu thi công. Việc quyết toán công trình chưa được quan tâm, hầu hết các công trình do huyện làm chủ đầu tư hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được quyết toán. Nợ XDCB khá phổ biến, phát sinh ở hầu hết các công trình/gói thầu. Tổng hợp đến 30/9/2012, nợ XDCB tại các xã (xây lắp) 29.302 triệu đồng. Các công trình huyện làm chủ đầu tư không xác định được nợ XDCB tại thời điểm thanh tra do các công trình chưa được quyết toán.
Kết quả kiểm tra tại 33 gói thầu xây lắp thuộc 15 dự án/công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư cho thấy: giá trị hợp đồng xây lắp 414.932 triệu đồng, giá trị xây lắp đã nghiệm thu 267.709 triệu đồng, phát hiện sai 6.384.609.000 đồng, kiến nghị xử lý với số tiền 6.187.012.000 đồng (trong đó giá trị thanh toán quá 892.627.000 đồng; giá trị hợp đồng không thể thực hiện (trồng cây chắn gió) 953.100.300 đồng).
Tại 05 dự án/công trình do UBND xã làm chủ đầu tư: giá trị hợp đồng xây lắp 39.801,18 triệu đồng, giá trị xây lắp nghiệm thu 32.373,125 triệu đồng, phát hiện sai phải kiến nghị xử lý 340.611.000 đồng.
3. Nguyên nhân, trách nhiệm:
Đạt được những kết quả, ưu điểm về quản lý TC-NS, đầu tư xây dựng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, với sự quan tâm của UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các Bộ, Ngành TW, đồng thời là sự nổ lực cố gắng của lãnh đạo UBND huyện và các phòng ban chuyên môn.
Nguyên nhân của những thiếu sót, sai phạm:
Trong điều kiện huyện mới thành lập công việc nhiều, tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ, công chức bất cập có mặt chưa đảm bảo; xuất phát điểm thấp, nguồn thu nhỏ bất cập với yêu cầu phát triển, lại bị tác động của suy thoái kinh tế và điều kiện tự nhiên bất thường đưa lại.
Mặt khác, các cơ quan chuyên ngành của tỉnh như Sở Tài chính, Sở KH&ĐT chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước của mình, việc kiểm tra hướng dẫn phát hiện sai sót để uốn nắn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho huyện chưa được thực hiện.
Chịu trách nhiệm trước các khuyết điểm, sai sót nêu trên trước hết thuộc về lãnh đạo UBND huyện và các phòng ban chuyên môn như: Phòng Tài chính – Kế hoạch, Văn phòng UBND huyện, Ban A huyện … trong việc tổ chức và trực tiếp tham mưu thực hiện các qui định về quản lý TC-NS, quản lý đầu tư xây dựng.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư liên đới trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ Quản lý nhà nước theo lĩnh vực. Trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác quản lý như: Chi cục Thuế, KBNN huyện.
Những sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng, trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị, tổ chức liên quan đến quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng như: các đơn vị tư vấn (khảo sát thiết kế, dự toán, giám sát…), các nhà thầu thi công xây dựng công trình.
4. Từ kết luận trên, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND huyện Lộc Hà một số nội dung cụ thể như sau:
– Tăng cường công tác quản lý TC-NS, giao dự toán ngân sách sát thực tế, nhất là đối với cấp xã. Thực hành tiết kiệm chi ngân sách, chỉ đạo thực hiện giao khoán và tự chủ kinh phí theo tinh thần Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; hạn chế thực hiện chi ngân sách cho những đơn vị không thuộc phạm vi đảm bảo của ngân sách huyện. Quan tâm đầy đủ đến việc huy động đóng góp, nộp kinh phí về huyện và xử lý kịp thời các sai phạm về quỹ. Thanh tra huyện, Phòng Tài chính – Kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra TC-NS; tăng cường kiểm tra nội bộ để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hạn chế, sai sót. Tổ chức có hiệu quả việc tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý TC-NS, nhất là đối với đội ngũ làm công tác kế toán. Chỉ đạo khắc phục các sai sót theo kiến nghị của Đoàn thanh tra.
– Phối hợp với Cục Thuế trong việc chỉ đạo Chi cục Thuế tăng cường kiểm tra thực hiện các quy định của Luật Quản lý thuế. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh trong việc chỉ đạo Kho bạc Nhà nước huyện thực hiện đầy đủ quy định về kiểm soát chi ngân sách và các nguồn vốn khác.
– Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, cụ thể hóa trách nhiệm của Phòng Tài chính – Kế hoạch và Ban A. Có biện pháp lựa chọn đơn vị tư vấn để nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế lập dự toán; chấn chỉnh công tác đấu thầu, giám sát, nghiệm thu thanh toán; tập trung quyết toán vốn đầu tư hoàn thành.
– Chỉ đạo xử lý việc dự toán vượt tổng mức đầu tư tại Dự án Củng cố, nâng cấp đê Tả Nghèn, đoạn từ K26 – K35+700; chỉ đạo Ban A và các phòng ban liên quan tập trung nghiệm thu, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, xác định chính xác nợ XDCB trên địa bàn, trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện việc xử lý nợ XDCB theo tinh thần Chỉ thị sổ 27/CT-TTG ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tự rà soát, kiểm tra đối với các công trình dự án đã và đang triển khai thi công để chủ động khắc phục các sai sót. Xử lý theo quy định việc chậm tiến độ đối với Gói thầu 08XL thuộc Dự án Củng cố, nâng cấp đê Tả Nghèn, đoạn từ K16+300 – K26+00 và Gói thầu 08XL thuộc Dự án Củng cố, nâng cấp đê Tả Nghèn, đoạn từ K26 – K35+700; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh uốn nắn các sai sót của cán bộ công chức trong tham mưu quản lý và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng.
Về kinh tế: Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, đôn đốc thực hiện việc thu hồi, cắt giảm giá trị thanh toán các khoản tiền sai phạm trong quản lý sử dụng ngân sách, quản lý đầu tư xây dựng theo kiến nghị của Đoàn thanh tra.
Lê Văn Dũng – Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh