Mái tóc trắng như cước, khuôn mặt hiền từ, đã hơn cái tuổi “thất thập cổ lai hy” 10 năm nhưng trông ông Nguyễn Viết Nhự vẫn rất khỏe mạnh. Ông như một người nông dân thực thụ, hết đồng áng lại làm vườn, nuôi gà, thả cá… Những lúc nhàn rỗi thì í ới bà con hàng xóm cùng chia cốc nước chè xanh…
Tôi gặp ông vào một buổi chiều, khi ông đang dẫn đàn trâu về nhà dưới cơn mưa tầm tã. Khuôn mặt bị nước mưa phủ đầy nhưng vẫn rạng lên những nét nhân từ. Ông cười đôn hậu: “Cháu thấy đường vào đây có đẹp không? Giờ thì đi lại sướng lắm, thuận lợi lắm rồi”…
Đập Bái Thượng được người dân gọi là đập ông Nhự vì công lao to lớn của ông |
Bên ly nước chè xanh thơm ngát, trong câu chuyện cùng tôi, ông Nhự đã trở lại một thời “khai hoang lập ấp” ở vùng thâm sơn. Hồi ấy, những năm trước 1979, Đảng, Nhà nước có chủ trương đưa dân đi khai phá các vùng đất mới. Hưởng ứng chủ trương, hơn 500 hộ dân của 15 xã vùng hạ Thạch Hà đã di dời nhà cửa lên vùng đất mới (Nam Hương bấy giờ). Đất hoang hóa, đồi hoang vu, rừng thiêng, nước độc, muỗi gây sốt rét, thú dữ hoành hành; đường, trường, trạm chưa có…
Thực tế này đã khiến nhiều hộ dân không thể chống đỡ. Huyện ủy Thạch Hà liền triệu tập cuộc họp tìm giải pháp ổn định tình hình, cử cán bộ cắm chốt. Hết người này đến người khác đều từ chối vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Bấy giờ, ông Nhự là Trưởng ban Kinh tế mới, được đích thân Bí thư Huyện ủy chỉ định với lời hứa: lên làm nhiệm vụ vài tháng rồi trở về huyện tiếp tục công tác…
Tháng 10/1979, ông Nhự chính thức lên vùng đất mới. Một bức tranh hỗn mang hiện rõ trước mắt ông. Từng túp lều tranh của người dân chuyển từ miền xuôi lên “mọc” xập xệ giữa đồi hoang vu; đường đi lại chưa có; thủy lợi không; dân đói. Nỗi lo dân chết đói xâm chiếm ông. Và chính điều đó đã không cho phép ông bỏ cuộc.
– Bác đã dùng hai kế, thứ nhất, vận động nhân dân sản xuất khoai, sắn để cứu đói ngắn ngày; thứ hai là đi xin khắp nơi để về trợ cấp cho dân. Có hôm xin được 10 tấn gạo, 7 tấn mì.
Có lương thực, người dân bắt đầu tin tưởng. Chiến dịch vận động nhân dân khai hoang sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Mặt khác, ông tiến hành thành lập HTX. Hơn 50 ha mía được sản xuất với thu hoạch trên 20 tấn/vụ. HTX Nam Hương xây dựng nhà máy mía, đưa mía vào chế biến mật và rượu, phục vụ nhân dân trong xã và toàn huyện Thạch Hà.
Điện về làng, nước về đồng
Khi dân đã có cái ăn, có thể sản xuất để bám trụ, ông Nhự bắt đầu chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước hết là điện. Nhờ có chiếc máy cày của HTX mà ông lặn lội ra tận trung ương xin về nên xin được vật liệu bất cứ đâu là ông đưa máy cày đến chở. Riêng hệ thống cột điện, ông gom, xin từ những nơi họ không còn sử dụng. Cuối cùng, “cơ sở hạ tầng” cũng đủ điều kiện để cho Bộ Điện năng đóng điện. Khoảnh khắc những chiếc bóng điện đầu tiên tỏa sáng trên vùng núi đồi khiến lòng dân vỡ òa: “Trời ơi… răng giữa một vùng như ri mà có thể đưa được điện về!” – ông Nhự nhớ lại.
Nước là nhu cầu thiết yếu phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp nên ông đã vận động người dân làm đến 13 con đập lớn nhỏ. Riêng đập Bái Thượng, người dân nhất định gọi là đập ông Nhự vì công lao quá lớn của ông. Ý tưởng làm con đập này cũng rất bất chợt. Trong một lần về dự cuộc họp thôn, ông thấy đã 12h trưa mà người dân vẫn chưa đi làm về. Ông chứng kiến cảnh đoàn người đi tắm giặt ở hồ Bộc Nguyên (cách thôn 3 km, tính theo đường băng qua rừng). Thấy dân cơ cực, ông nghĩ đến việc phải làm ngay con đập trong xóm để dân có nước tắm, giặt; trâu, bò có nước uống và phục vụ sản xuất. Huyện phê duyệt với mức hỗ trợ trên 400 ngàn đồng.
– Có đầu tư của Nhà nước nhưng sức dân là chính. Để dân nghe, đồng lòng góp sức, tôi phải làm con đập nhỏ bên cạnh theo dạng mô hình trình diễn. Công đoạn đầu thì cho máy húc, ngoặm, thậm chí phải dùng mìn nổ, còn đào sâu xuống thì nhờ sức người. Từng đoàn người thay nhau đào đất rồi đội lên đầu mang đi đổ. Cứ thế, 3 năm liền mới hoàn thành con đập diện tích 10 ha. Tiếp đến, người dân lại phải sẻ đôi ngọn đồi để làm đường dẫn nước. Đập giữ nước là chính, không có nước nguồn nhưng cũng đủ tưới cho 50 ha đất lúa trong xóm.
Cứ thế, ông mải mê kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác…
Lấy sức dân xẻ đôi ngọn đồi để đưa nước từ đập về đồng. |
Tôi hỏi: “Hồi ấy, huyện cử đi theo diện tăng cường, sao bác lại ở mãi đây cho đến bây giờ?”.
– Huyện có gọi về hai lần nhưng tôi từ chối vì sợ công việc dở dang. Nói thật, với điều kiện khắc khổ như hồi đó, cán bộ có cùng ở, cùng làm thì người dân mới tin. Nếu cán bộ về thì họ sẽ về ngay. Vì vậy, tôi phải bám lại. Tôi đã về quê ở Thạch Lưu vận động cha mẹ và vợ chuyển nhà lên cùng sinh sống với dân làng để tạo thêm niềm tin.
Năm 1983, xã Nam Hương chính thức được thành lập. Ông Nguyễn Viết Nhự giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đến năm 1992 thì về hưu. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục được tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Hội Cựu chiến binh, bí thư chi bộ. Một điều đặc biệt là ông chủ động ứng cử tham gia các tổ chức khi thấy mình còn có thể góp sức. Ông đã từng ứng cử bí thư chi bộ vì một lý do là “để làm cho người dân thôn này con đập”.
“Thành hoàng” sống
Trên đường dẫn tôi ra xem con đập mà người dân gọi bằng tên ông, ông Nhự hết chỉ tay hết con đập này đến con đập khác. Chúng đều nằm cạnh những quả đồi và không xa những thửa ruộng, rồi nói:
– Nhờ đập cả đấy! Hồi xưa, người dân đói vì không có nước sản xuất, mỗi năm có được mấy yến lúa, nhà nhiều nhất cũng chỉ được vài tạ, nhưng giờ nhà nào cũng lúa tấn. Nhìn lại thấy lòng thanh thản vì mình thực sự đã thành công trên vùng đất này. Những gì mình làm được từ hồi xưa, bây giờ thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, phát huy. Vui nhất là đời sống người dân ngày một ấm no, nhiều nhà đã trở thành tỷ phú. Đảng bộ xã đã phát triển hơn 100 đảng viên. Quy hoạch vùng kinh tế mới năm xưa đã đạt được mục tiêu: 500 hộ với 3.000 nhân khẩu đủ điều kiện sống ổn định từ đời này sang đời khác. Nói rồi, ông Nhự lại nhâm nhi mấy câu thơ do mình tự làm: Bao năm đợi mấy tháng chờ/ Mà nay hồ (đập) có ta nhờ vào ai/ Khen cho chỉ đạo cũng tài/ Khai hoang sẻ núi nước về đồng ngay…
Nói về ông Nhự, ông Trần Hữu Sáu (72 tuổi, ở xóm Yên Thượng) khẳng định: “Ông Nguyễn Viết Nhự chính là người đã khai sinh ra xã Nam Hương và có công “nuôi dưỡng” rất lớn để Nam Hương có được ngày hôm nay. Là một Huyện ủy viên nhưng kể từ khi về đây, ông Nhự như một nông dân thực thụ, lăn xả khai hoang, kiến thiết…; rồi ngủ qua đêm giữa đồng không mông quạnh, giữa núi rừng để canh vật liệu, canh dây điện khi triển khai xây dựng trạm bơm, kéo đường điện về thôn xóm… Giờ thì đời sống người dân đã ấm no. Chúng tôi luôn biết ơn và trân trọng những việc ông đã làm cho xã”.
Biện Nhung