Xã hội

Thanh Hóa: 10 ngư dân vẫn mất liên lạc sau bão số 10

Dù bão số 10 đã đi qua vài ngày, nhưng 10 ngư dân tại Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đến thời điểm này vẫn đang mất liên lạc. Những người thân luôn mong ngóng điều kỳ diệu sẽ xảy đến và các anh bình yên cùng con tàu vỏ thép trở về.

Hàng xóm tới nhà anh Tuy cùng mong ngóng điều kỳ diệu sẽ xảy ra

Sáng 18/9, đã 5 ngày tàu cá của anh Nguyễn Văn Tuy (làng Thành Lập, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) ký hiệu TH 9366 TS, công suất 829 CV mất liên lạc. Chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 khoảng 18 tỷ đồng có 10 ngư dân trên tàu chưa biết ra sao.

Được biết, ngày 8/9, tàu xuất bến tại cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào vùng biển Nha Trang (Bà Rịa Vũng Tàu) để đánh bắt thủy hải sản. Trước khi bão đến, các thành viên trên thuyền vẫn thông báo, gọi điện về cho gia đình và các cơ quan chức năng. 10 thành viên trên tàu cá mất liên lạc gồm: Nguyễn Văn Tuy, sinh năm 1972; Nguyễn Văn Duy (em trai anh Tuy), sinh 1981 (hai anh em đều ở thôn Thành Lập, Ngư Lộc); Phạm Văn Đồng, sinh 1979, quê tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Mạnh Tuấn (1972), thôn Chiến Thắng, Ngư Lộc; Nguyễn Văn Duyên (1995), thôn Minh Đức, Minh Lộc; Nguyễn Văn Hiếu (1974), thôn Minh Thịnh, Minh Lộc; Phạm Văn Đại (1980), Minh Hải, Minh Lộc; Nguyễn Văn Dương (1980), Minh Hợp, Minh Lộc; Nguyễn Văn Đông (1989), Thắng Phúc, Ngư Lộc; Đoàn Văn Toàn (1984), Phú Hoà, Hưng Lộc.

Chị Gấm, em anh Tuy cầu mong cho các thuyền viên cùng con tàu an toàn trở về

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tới căn nhà nằm trong con ngõ nhỏ của gia đình chị Hoàng Thị Xuyên ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc mấy ngày nay có đông hàng xóm, người thân đến hỏi thăm. Ai cũng mang tâm trạng lo lắng vì anh Nguyễn Văn Tuy (chồng chị Xuyên) ra khơi đánh cá nhưng bặt vô âm tín sau bão Doksuri.

Người thân cho hay, vài hôm nay chị Xuyên không ăn ngủ, chỉ nằm bẹp trên giường than khóc lo lắng cho người chồng ở khơi xa. Thi thoảng có người hỏi thăm, chị cố nhổm dậy nhưng không thể trò chuyện. Gia đình phải thường xuyên túc trực ở bên cạnh chăm sóc chị.

Chị Nguyễn Thị Gấm (42 tuổi, em gái anh Tuy) kể, ngày 9/9 anh Tuy lái trưởng cùng 9 thuyền viên rời cảng Quy Nhơn (Bình Định) ra ngư trường vùng Nam Trung Bộ đánh bắt cá. Trước khi rời cảng, anh Tuy có gọi điện thoại về thông báo cho gia đình. Ba hôm sau, cơn bão Doksuri đi vào biển Đông và dự báo đổ bộ vào Việt Nam. Tất cả tàu thuyền đều tìm nơi tránh trú an toàn nhưng người thân vẫn không nhận được liên lạc gì từ con tàu của anh Tuy.

Theo người thân, giữa buổi chiều ngày 14/9, gia đình được báo tin, anh Tuy có liên lạc với đài duyên hải tỉnh Phú Yên, nhưng đó cũng là thông tin cuối cùng của con tàu này. “Bão đã tan hai ngày nay mà các anh không về nên gia đình hoang mang tột cùng”, chị Xuyên nói thêm.

Bình thường một chuyến ra khơi kéo dài cả tháng, nhưng cứ chừng một tuần lại vào đảo, cảng hoặc đất liền để tiếp nhiên liệu, mua lương thực và bán hải sản. Khi có điều kiện, các thuyền viên sẽ gọi điện về báo cho gia đình. Nhưng con tàu của anh Tuy đã nhiều ngày liền mất liên lạc với gia đình.

Mỗi lúc có tàu thuyền ra vào làng biển Diêm Phố, bà Hoàng Thị Xuân (ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) lại chạy đến hỏi han tin tức. Bà có con cả Nguyễn Mạnh Tuấn đang mất tích cùng 9 ngư dân khác trên tàu anh Tuy. “Tôi chỉ biết cầu trời phật độ trì cho các con bình an. Nó là con cả, trụ cột gia đình, nếu có mệnh hệ nào, vợ con nó và thân già tôi biết nương tựa vào ai…”, cụ bà nghẹn ngào.

Anh Tuấn có 4 đứa con còn nhỏ, vợ không có nghề nghiệp ổn định nên gia cảnh khó khăn. Anh Tuy cũng có năm người con, bốn gái một trai và đều độ tuổi ăn học. Con tàu vỏ thép hơn 800 CV của gia đình anh Tuy được đóng mới theo Nghị định 67, trị giá 18 tỷ đồng. Tàu hạ thuỷ đầu năm 2017 và mới ra khơi được 6 – 7 chuyến.

Sáng 18/9, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết việc tàu cá của gia đình anh Tuy mất liên lạc nhiều ngày trong bão là điều bất thường. Hiện xã đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng. Chính quyền xã Ngư Lộc tổ chức ba tàu cá công suất lớn cùng 30 ngư dân đi vào vùng biển Đà Nẵng để tìm kiếm tung tích tàu anh Tuy.

Tỉnh Thanh Hóa cũng có văn bản gửi cơ quan chức năng các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị hỗ trợ tìm kiếm tàu cá cùng 10 ngư dân đang mất liên lạc.

Theo thống kê từ Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 16/9, mưa bão đã khiến 2 người thiệt mạng, tổng giá trị thiệt hại do bão số 10 gây ra đến thời điểm này ước tính vào khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ông Phạm Văn Cường (SN 1973), trú thôn 1, xã Xuân Lâm, Tĩnh Gia bị nước cuốn trôi khi đánh bắt cá tại đầm tôm trong lúc mưa bão lớn. Nạn nhân thứ 2 là cháu Trịnh Văn Tài (1 tuổi), trú tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa. Sự việc xảy ra vào chiều tối ngày 15/9, do trời mưa lớn, nước ngập vào nhà, cháu bé bị ngã từ trên giường xuống đất nhưng bố mẹ sơ suất không để ý nên cháu ngạt thở dẫn đến tử vong.

Theo thống kê thiệt hại về nông nghiệp, nông lâm, thủy sản, hiện có 1.858 ha lúa bị ngập; 220 ha ngô, 93 ha mía bị đổ, gãy; 742 ha rau màu, hoa màu bị ảnh hưởng; 7.000 cây lâm nghiệp bị đổ, gãy; trên 3.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Số nhà bị ngập là 357 ngôi nhà, trong đó hư hỏng hoàn toàn là 48 cái; có 1 tàu khai thác thủy, hải sản bị chìm (tàu của ngư dân Nguyễn Văn Tư, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), 38 thuyền mủng, bè mảng dưới 20 CV bị cuốn trôi. Ngoài ra, có hơn 80.000m3 đê bao nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; 320m đê dưới cấp III bị sạt lở; 80m hồ chứa bị sạt lở, 90m kênh bị sạt lở, hư hỏng; sạt lở, xâm thực bờ biển 20-30 m chiều dài 18 km; đường và kè bờ biển khu du lịch sinh thái Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) bị sạt, hư hỏng hoàn toàn 4,5 km; 79m đường giao thông bị sạt lở.

Tác giả: Thanh Phương

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: mất tích , ngư dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP