Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn: Các nội dung phản biện chính sách giai đoạn 2011 – 2015 cần được các đơn vị liên quan thảo luận trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn
Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy – UBMTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, giai đoạn 2011 – 2015, Hà Tĩnh đã ban hành 26 văn bản chính sách chủ yếu liên quan đến “tam nông” với tổng kinh phí ngân sách giải ngân hỗ trợ khoảng 669,508 tỷ đồng.
Hệ thống chính sách thời gian qua chia thành 6 nhóm gồm: khuyến khích đầu tư, thành lập và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi và khai thác thủy hải sản; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ phát triển thương mại, hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; hỗ trợ khuyến khích bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đặc thu cho một số đối tượng mới được áp dụng sản xuất nôi trồng, công nghệ KH-KT ở Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bùi Nhân Sâm báo cáo giám sát kết quả thực hiện các chính sách của tỉnh về phát triển KT-XH giai đoạn 2011 – 2015.
Theo đánh giá, các chính sách của tỉnh ban hành đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM. Đến nay, trên toàn địa bàn có 12.433 mô hình sản xuất kinh doanh có doanh thu 100 triệu trở lên, thu nhập cho người dân nông thôn năm 2015 đạt trên 23 triệu đồng/người (tăng 2,7 lần so với 2010); tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn đạt 6,6%/năm (mục tiêu đề ra là 3,3%), cao gấp 1,12 lần mức bình quân chung cả nước; chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM từ chỗ chỉ đạt bình quân 3,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có 181 xã đạt dưới 5 tiêu chí đến nay toàn tỉnh đã có 52 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 9 tiêu chí.
Tuy nhiên, “trong 5 năm qua, Hà Tĩnh ban hành nhiều chính sách nên dẫn đến chồng chéo, trùng lặp; nhiều nội dung chính sách còn bất cập phải sửa đổi, bổ sung; định mức hỗ trợ giữa chính sách đặc thù và chính sách chung còn chênh lệch lớn gây khó khăn, phực tạp trong quá trình tổ chức thực hiện”, báo cáo nêu rõ.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Đề nghị HĐND, UBND tỉnh ban hành một vài quyết định nhưng mang tính bao quát, dễ áp dụng nhằm khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo.
Theo đó, nhiều chính sách thời gian có hiệu lực ngắn, mức hỗ trợ lớn nhưng yêu cầu vốn đầu tư cao nên chỉ có một số DN, cá nhân có tiềm lực mạnh mới tiếp cận được; một số chính sách quy định mức ngân sách đối ứng của cấp huyện lớn trong lúc nguồn thu nhiều địa phương khó khăn nên khó đáp ứng được yêu cầu; chính sách ban hành chưa chặt chẽ nên có sự lợi dụng trong quá trình thực hiện như chính sách cơ giới hóa nông nghiệp, đóng mới và cải hoán tàu cá; một số chính sách quan trọng nhưng ban hành chưa phù hợp với điều kiện của địa phương, người dân, doanh nghiệp nên khó tiếp cận như: Nghị quyết số 91/2014/NQ- HĐND và Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND…
Phát biểu định hướng thảo luận (chiều nay), Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, thời gian qua, các chính sách đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đời sống người dân, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn.
Tuy vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện có những chính sách không còn phù hợp, có chính sách cần dừng lại hoặc bổ sung.
Trên cơ sở này, các nội dung phản biện chính sách giai đoạn 2011 – 2015 cần được các đơn vị liên quan triển khai trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn bàn thảo để có cơ sở xây dựng hệ thống chính sách trong thời gian sắp tới phù hợp, hiệu quả.
Chi tiết nội dung thảo luận phản biện các chính sách tiếp tục được PV Báo Hà Tĩnh cập nhật.
Thành Chung – Dương Chiến