Việc đưa vào thử nghiệm mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được tiến hành tại Thành phố Hà Tĩnh và bước đầu đã đạt được một số kết quả khá khả quan.
Trong vụ xuân 2013, thành phố Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện việc sản xuất lúa theo mô hình Cánh đồng mẫu tập trung chỉ đạo 3 đơn vị xây dựng nông thôn mới là Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Bình với diện tích hơn 53 ha chuyên cấy giống TH3- 3, trong đó ở xã Thạch Hạ, với tổng diện tích 26 ha. Ngay từ đầu vụ sản xuất, xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức tuyên truyền vận động ký cam kết đến từng hộ dân thực hiện mô hình. Ngoài cơ chế hộ trợ 100% giống, nilon che phủ chống rét cho mạ, xã Thạch Hạ còn hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, tập huấn, xây dựng đường giao thông nội đồng. Đây là năm thứ nhất và vụ đầu tiên thành phố Hà Tĩnh thực hiện mô hình này. Nội dung cơ bản của mô hình này là tập hợp những nông hộ sản xuất lúa riêng lẻ thành một cánh đồng lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa hoạt động sản xuất lúa, từng bước tiến đến hình thành ngành sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, đạt chứng nhận Việt – Gap. Từ đó hiệu quả sản xuất lúa được cải thiện, tăng thu nhập cho bà con nông dân, nhờ giá trị hạt gạo được tăng lên.
Ngoài xã Thạch Hạ, trong vụ Xuân 2013 các xã khác trong thành phố như Thạch Bình, Thạch Môn cũng đồng loạt triển khai thực hiện xây dựng mỗi xã 01 cánh đồng mẫu trên địa bàn địa phương mình, với tổng diện tích trên 32 ha. Bà con nông dân tham gia những mô hình này được tổ chức liên kết lại trong mối quan hệ 4 nhà được gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn, để sản xuất theo hướng nâng cao giá trị hạt lúa, bằng cách sử dụng 1 giống có năng suất, chất lượng cao (lúa lai TH3-3) để hình thành vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới cơ giới hóa trong sản xuất và làm giảm thất thoát sau thu hoạch.
Vì vậy, tham gia cánh đồng mẫu bà con nông dân sẽ được hướng dẫn quy trình trồng lúa tiên tiến, sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn để gieo mạ đúng mật độ, được phủ nilon chống rét, cấy đúng mật độ, bón phân cân đối và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, trang bị kỹ thuật canh tác theo chương trình SRI, 3 giảm-3 tăng… để giúp cho việc chăm sóc cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, hạn chế các loại dịch hại, giảm số lần phun thuốc BVTV, giúp tiết kiệm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Theo các nhà chuyên môn, muốn thực hiện cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa trước tiên phải tập hợp nhiều thửa ruộng liền kề của các hộ nông dân trong một khu vực, với tổng diện tích trên địa bàn thành phố là trên 10 ha. Trên diện tích lớn đó, việc sản xuất lúa được tiến hành theo quy trình thống nhất ở tất cả các khâu trong sản xuất. Bởi mục tiêu bao trùm của cánh đồng mẫu là nhằm sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa, năng suất cao, chất lương tốt ổn định, bền vững và có lợi nhuận cao. Thực tế đã cho thấy, cây lúa trong mô hình cánh đồng mẫu phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh và chi phí đầu tư thấp. Theo bà con tham gia mô hình cho biết, do năng suất và chất lượng lúa được nâng cao, giá thành sản xuất giảm, nên lợi nhuận của bà con được gia tăng.
Tại xã Thạch Hạ, bà con rất đồng tình với mô hình sản xuất này vụ Hè Thu sẽ nhân rộng lên 40ha, do được hướng dẫn kỹ càng về biện pháp canh tác lúa theo đúng quy trình kỹ thuật đồng bộ: Chấp hành đúng lịch thời vụ, cấy đúng mật độ, đúng số dảnh/khóm, bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo 4 đúng, thực hiện kỹ thuật canh tác theo chương trình SRI, chương trình 3 giảm – 3 tăng…để giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích; Ông Nguyễn Đình Thắng, người đã tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã này cho biết, do áp dụng đúng theo qui trình sản xuất đã được hướng dẫn, nên chi phí đầu tư như lượng giống gieo mạ cấy, phân bón, thuốc hóa học… đã giảm khá nhiều. Năng suất lại đạt cao hơn so với đối chứng sản xuất lúa cùng loại bên ngoài 100kg – 125 kg/sào 500 m2 (NS đạt 7 – 7,5 tấn /ha), nên lợi nhuận nhiều hơn các năm trước.
Một lợi ích khác của mô hình cánh đồng mẫu là khắc phục được tình trạng nhà gieo nhà cấy, lại gieo cấy nhiều loại giống trên một cánh đồng, làm cho sản phẩm lúa gạo làm ra không được đồng nhất. Cánh đồng mẫu xóa dần kiểu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm không theo một quy trình kỹ thuật thống nhất, gây khó khăn trong việc quản lý nước tưới và chăm sóc phòng trừ dịch hại; đồng thời giải quyết được tình trạng sản xuất manh mún vốn đã tồn tại từ lâu, từng làm trở ngại cho việc tiến tới đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng. Bên cạnh đó cánh đồng mẫu còn mang ý nghĩa là tập hợp những nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ vào trong một cánh đồng, để thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa, mang lại hiệu quả cao… Đây là cơ sở để đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, tiến đến xây dựng thương hiệu lúa gạo trên địa bàn thành phố. Ngoài ra cánh đồng mẫu còn hướng đến xây dựng một vùng chuyên canh lúa gạo tập trung có chất lượng tốt và thông qua liên kết để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Và chỉ có liên kết sản xuất mới mở ra cơ hội cho ngành sản xuất lúa gạo thành phố đủ mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ở các huyện.
Tuy mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa ở Thạch Hạ mới triển khai thực hiện 1 vụ, nhưng qua kết quả bước đầu cho thấy cách làm này đang được nông dân đồng tình. Cũng từ mô hình này, nông dân có thể tiếp cận với các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo. Đồng thời giá cả và việc tiêu thụ sản phẩm cũng được thuận lợi cho cả nông dân.
Tóm lại xây dựng cánh đồng mẫu là cách làm mới trong sản xuất lúa nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân; xóa bỏ dần sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, áp dụng quy trình kỹ thuật không đồng bộ năng suất chất lượng gạo thấp…Nhưng muốn xây dưng được thành công và bền vững điều kiện cần và đủ (hay gọi là trụ cột) là: Thứ nhất: Người dân là trung tâm; Thứ 2: Cấp ủy chính quyền các cấp và ngành chuyên môn phải vào cuộc; Thứ 3: Phải liên kết với nhà doanh nghiệp: Tức là nhà doanh nghiệp phải ký cam kết với người dân: Cung cấp giống tốt, phân bón tốt, hộ trợ kỷ thuật và điều quan trong là bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời qua thực hiên cánh đồng mẫu thì người nông dân được hưởng lợi đó là: Tích tụ được ruộng đất, cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất được đảm bảo, cơ giới hóa nông nghiệp dần dần sẽ thực hiện dể dàng từ đó sản xuất với quy mô ngày càng lớn và đồng bộ, năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế sản phẩm tăng lên rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng lên phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Bùi Thanh Hoài-Trung tâm ƯKHKTBVCTVN
Thành Phố Hà Tĩnh