Theo Dailymail, một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 30-9 cho thấy, nhiều gia đình ở thành phố Palu hoảng loạn bỏ chạy khi nhìn thấy những ngôi nhà xung quanh họ lần lượt bị đổ sập và sụt lún dưới lớp bùn mềm.
Nền đất lúc này mất đi sức chịu lực và độ cứng, thể hiện đặc tính giống như nước. Hiện tượng này có thể gây nguy hiểm.
Giới chuyên gia gọi đây là hiện tượng "đất hóa lỏng", xảy ra trong các trận động đất khi các tầng đất bị tác động bởi lực lớn tới mức chúng bị vỡ ra, hòa cùng với nước và tạo thành lớp đất mềm như bùn lỏng, tương tự như hố tử thần.
Ở một số nơi đất bỗng nhiên hóa lỏng, đứt gãy. Ảnh: AP |
Số người chết vì thảm họa kép động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi (Indonesia) liên tục tăng, tính đến ngày 1-10 là 1.203 người, Express dẫn số liệu từ nhà chức trách Indonesia. Đây chỉ là con số tạm thời vì còn rất nhiều người kẹt trong các đống đổ nát, chưa kể còn nhiều địa phương chưa được tiếp cận, thống kê.
Ngoài Palu, hai TP Donggala - gần tâm chấn nhất, chỉ 27 km - và Mamuju vẫn chưa được tiếp cận vì đường sá bị phong tỏa, điện và viễn thông bị cắt.
Tác giả: TÚ QUYÊN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM