Họ tộc tại Hà Tĩnh

Thái sư, Dụ Quốc công Nguyễn Lý và dòng họ Nguyễn (Thạch Đỉnh)

Nguyễn Lý (1374-1445), ngụ thôn Dao Xá, nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con trai trưởng của Đại lý tự Khanh Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh); là anh ruột của Quan Phục Hầu Nguyễn Trãi.

Nguyễn Lý theo Bình Định Vương Lê Lợi từ những ngày đầu khởi binh đánh giặc Minh xâm lược. Ông là một trong những người được tham dự “Hội thề Lũng Nhai” vào ngày 12/2 năm Bính Thân (1416), suy tôn Phụ đạo Lê Lợi làm minh chủ và kết lời thề ước đánh đuổi giặc Minh. Đồng hành với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn suốt cả cuộc trường chinh cứu nước, cứu dân, Nguyễn Lý đã lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đưa lại thái bình cho trăm họ.

hatinh24h
Qua bao biến cố lịch sử, dòng họ Nguyễn ở làng Trường Yên luôn tôn Thái sư, Dụ Quốc công Nguyễn Lý làm vị Thần tổ và lập điện thờ, phụng sự hương khói hết sức chu đáo.

Ngày 18/10 Mậu Thân (1428), luận công khen thưởng, vua Lê Thái Tổ phong Nguyễn Lý làm “Bình Ngô khai quốc, Suy Trung Tán trị Hiệp mưu công thần, Nhập nội Tư Mã, Tham dự triều chính”, cho mang họ Quốc tính (họ của vua) và có chiếu biểu dương “Lê Lý (Nguyễn Lý) kinh dinh bốn phương, phía Bắc đánh giặc Minh, phía Nam đuổi Ai Lao. Hễ đi đến đâu đều lập công đến đó, khéo biết lấy yếu đánh mạnh, lấy ít thắng nhiều”.

Năm Kỷ Dậu (1429), vua thăng: “Nhập nội, Kiểm hiệu Đại Tư Mã”, tước Hương Thượng Hầu (Hương Hầu), thống quản các công thần. Cũng năm Kỷ Dậu, triều Lê dựng biển khắc tên 93 vị khai quốc công thần, tên của Nguyễn Lý được xếp hàng thứ 6. Năm Canh Tuất (1430), Nguyễn Lý được tấn phong hàm “Nhập nội Kiểm hiệu Tư không”..

Năm 1434, ông được cử đi làm Tổng quản ở Thanh Hóa, sau đó là Đồng Tổng quản Bắc Giang Hạ. Năm 1437, ông lại được gọi về triều, giữ chức Nhập nội Thiếu Úy, kiêm coi các việc quân cơ ở Tây Đạo. Ngày 20/6/1445, Nguyễn Lý qua đời. Vua Lê Nhân Tông ban tên thụy là Cương Nghị, biểu dương đức tính cứng rắn, nghị lực của ông và có sắc cho dựng đền thờ ở Lâm La. Lăng mộ của Nguyễn Lý được táng ở Cốc Xá, làng Dựng Tú, Lương Giang (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Năm Giáp Thìn (1484), vua Lê Thánh Tông truy phong cho ông làm “Thái sư, Dụ Quận công”, sau lại gia thăng “Dụ Quốc công”. Các đời vua Lê về sau đều phong làm “Trung đẳng Phúc thần Đại vương”.

Năm 1442, xẩy ra vụ án Lệ Chi Viên, con cháu của ngài Nguyễn Lý phải ly tán nhiều vùng trong cả nước. Vào thế kỷ thứ XVII, có ông Nguyễn Đình Ngôn (hậu duệ đời thứ 9 của Thái sư, Dụ Quốc công Nguyễn Lý) di cư đến làng Trường Yên, xã Kiều Mộc (nay là thôn Tây Sơn, xã Thạch Đỉnh, Thạch Hà) lấy vợ và lập nghiệp. Từ khi vào đây, ông Ngôn cùng con cháu tiến hành lập điện thờ ngài Nguyễn Lý trên mảnh đất này.

Dòng họ Nguyễn (thuộc hậu duệ của ngài Nguyễn Lý) tại xã Thạch Đỉnh đã có 11 đời hậu duệ (theo gia phả). Qua bao biến cố lịch sử, dòng họ Nguyễn ở làng Trường Yên luôn tôn Thái sư, Dụ Quốc công Nguyễn Lý làm vị Thần tổ và lập điện thờ, phụng sự hương khói hết sức chu đáo, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Trải qua thời gian, các chi nhánh của dòng họ Nguyễn, hậu duệ của Thái sư, Dụ Quốc công đã tìm về với nhau và đều công nhận họ là hậu duệ của Dụ Quốc công Nguyễn Lý, người có công rất lớn trong công cuộc chiến đấu đánh đuổi quân Minh xâm lược nước ta vào đầu thế kỷ XV.

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, phát huy truyền thống tiên tổ, dòng họ của Dụ Quốc công Nguyễn Lý tại làng Trường Yên đã đoàn kết một lòng, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Noi gương bậc tiên tổ, con cháu dòng họ luôn tu dưỡng, sống hòa thuận và hiếu nghĩa, họ hàng thường xuyên giúp nhau khi “tắt lửa, tối đèn”. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, hậu duệ dòng họ Nguyễn đã tích cực đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến; là một trong những dòng họ có truyền thống hiếu học, khoa cử và đỗ đạt nhiều. Đến nay đã có 23 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng; 1 thạc sĩ, 1 phó giáo sư – tiến sĩ.

Từ trước đến nay, hậu duệ dòng họ Nguyễn xã Thạch Đỉnh và các vùng quê khác tập trung tại nhà thờ, nơi thờ danh nhân lịch sử Dụ Quốc công Nguyễn Lý để tổ chức thường niên hai lần tế lễ trọng: lễ Thượng Nguyên vào ngày rằm tháng giêng và Trung Nguyên vào rằm tháng bảy. Đặc biệt là ngày giỗ Thần tổ – Thái sư, Dụ Quốc công vào ngày 20/6 âm lịch hàng năm, được con cháu dòng họ tổ chức chu đáo và trọng thể, với các nghi thức truyền thống, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Đây là dịp để con cháu dòng họ và nhân dân địa phương ôn lại quá trình hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn trên mảnh đất Trường Yên, Kiều Mộc xưa, xã Thạch Đỉnh ngày nay, nhắc nhở cháu con noi gương các bậc tiền nhân, trau dồi đạo đức, thi đua học tập để có kiến thức phục vụ quê hương, đất nước như vị Thần tổ – Thái sư, Dụ Quốc Công Nguyễn Lý đã làm cách đây trên 500 năm.

Nguyễn Anh Tùng

(Hậu duệ đời thứ 19 của Dụ Quốc công Nguyễn Lý)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP