Rác thải “bủa vây” xóm làng
Đi từ xóm 1 đến xóm 8 của xã Thạch Bàn, chúng ta càng dễ dàng bắt gặp tình trạng người dân tập kết rác thải ở những địa điểm “ưa thích” từ ngã ba đến lòng, lề đường, chỗ thưa dân đến chỗ đông dân cư. Đặc biệt, cách trụ sở Uỷ ban xã mấy chục mét cũng xuất hiện hàng loạt các bãi rác.
Rác thải rải rác khắp mọi nơi trên các tuyến đường trong xã, mỗi khi qua đường, người dân phải “nín thở” vì rác bốc mùi hôi thối, kèm theo vi khuẩn và dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay rác tập kết chủ yếu ở xóm 7 và xóm 8 với nhiều loại rác thải khác nhau như chủ yếu là rác thải sinh hoạt, từng bịch to, bịch nhỏ nằm lăn lóc, chất thành đống cao ở hai bên vệ đường bốc mùi nghi ngút. Không dừng lại ở đó, các xóm 1, 2, 4, hiện tượng rác thải rải rác khắp nơi, gây ô nhiễm và mất mỹ quan môi trường nông thôn.
Rác thải được người dân “vô tư” vứt bừa bãi dọc hai bên đường liên thôn
Bác Đào Xuân Thịnh, sống gần chỗ người dân tập kết rác bức xúc nói: “Gia đình chúng tôi định cư ở đây lâu rồi, bây giờ phải sống chung với rác, vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể chuyển đi nơi khác đươc. Hằng ngày không kể thời gian nào, người dân xóm 7 và xóm 8 tập trung mang rác vào đây đổ, bịch to, bịch nhỏ, có khi còn chở cả xe kéo với mấy bao tải rác to từ rác sinh hoạt, đến xác động vật, chai lọ, vỏ sò, vỏ ốc… đổ một cách tràn lan, về mùa đông còn đỡ, nhưng về mùa hè ảnh hưởng của gió tây nam, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng phát triển nhanh rất là ô nhiễm. Gia đình tôi còn có trẻ nhỏ nên đóng của suốt ngày không giám mở của, chúng tôi rất bức xúc và lo lắng về điều này nhưng không biết phải làm sao?”.
“Có hôm còn xảy ra cãi vã thậm chí còn đánh nhau, khi một số gia đình thiếu ý thức mang rác đổ ngay trước cổng nhà hoặc ngay cạnh nhà, chúng tôi đã có ý kiến lên chính quyền xã nhưng hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý”. Ông Dũng trú tại xóm 3 nói.
Rác được tập trung tưng bi một thanh đống ven đường
Từ thực tế trên cho thấy, nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư trên địa bàn xã còn thấp. Bên cạnh đó, do diện tích tự nhiên hạn chế, chưa có quy hoặc về bãi tập kết rác cũng như công tác xử lý, tiêu hủy phù hợp làm cho số lượng rác thải ngày càng nhiều và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhiều bất cập trong xử lý rác thải…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hải phó chủ tịch UBND xã Thạch Bàn cho biết: “Mỗi tháng 2 lần UBND xã chỉ đạo ra quân dọn vệ sinh, cắm biển cấm đổ rác. Tuy nhiên lượng rác quá nhiều, kèm theo ý thức của người dân kém, đổ rác vào ban đêm hoặc buổi trưa, nên chúng tôi cũng khó quản lý”.
“Mặt khác xã đã làm đơn đề nghị UBND huyện Thạch Hà xây dựng hợp tác xã môi trường, và quy hoạch bãi rác, nhưng đặc thù của nông dân một số hộ gia đình chưa đồng tình về mặt kinh phí cũng như xây dựng các điểm tập kết rác tại các xóm rồi trung chuyển rác đến bãi rác đang quy hoạch, cuối tuần này chúng tôi sẽ huy động lực lượng ra quân dọn vệ sinh và thu gom, thuê xe chở rác tại các điểm tập kết trước đó của người dân về đúng nơi quy định. Nhưng hiện nay chưa có biện pháp về xử lý hay thiêu hủy rác tại bãi rác quy hoạch” – Ông Hải cho biết thêm.
Chính quyền xã bất lực trước “hành động” vứt rác của người dân
Thiết nghĩ, để xử lý vấn nạn rác thải tại xã Thạch Bàn trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan cần có phương án quyết liệt hơn trong việc xây dựng bãi chôn lấp rác thải tập trung. Các thôn, xóm cũng cần có quy hoạch nơi để rác để chủ động thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt cho nhân dân.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện nếp sống văn minh, không đổ rác và vứt rác bừa bãi ra khu vực công cộng, gây ô nhiễm môi trường, chủ động thu gom, phân loại rác ngay tại gia đình.
Minh Hà/VTOTO