Cần Giúp Đỡ

Thạch Hà: Cụ ông 76 tuổi lầm lũi nuôi vợ và con trai tâm thần

“Không biết rồi đây khi tôi mất đi, vợ và con trai tôi sẽ thế nào nữa” – đó là lời tâm sự đầy nước mắt của cụ ông Nguyễn Hữu Đào (76 tuổi, trú tại xóm Liên Quý, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), suốt hơn 20 năm qua vẫn lầm lũi chăm sóc vợ và con trai bị tâm thần.

Ông Đào và vợ đang dùng bữa trưa thì có khách tới thăm. Ảnh: X.Thắng

Ông Đào và vợ đang dùng bữa trưa thì có khách tới thăm. Ảnh: X.Thắng

Bữa cơm đầy nước mắt

Nghe thấy tiếng người gọi, ông Nguyễn Hữu Đào vội đặt bát cơm đang ăn dở xuống bàn rồi chậm rãi bước ra. Đó là một người đàn ông lưng còng, nước da đen sạm, khuôn mặt khắc khổ đầy những nếp nhăn. Gọi là bữa ăn cho sang chứ thực ra, trên chiếc bàn nhựa cáu bẩn chỉ có một nồi cơm đóng tảng bốc mùi chua và một bát nước mắm đầy xác kiến.

Khổ là vậy, nhưng điều lạ là chưa bao giờ mọi người thấy ông Đào than thở. Tâm sự với PV, ông Đào cho biết, ông và bà Nguyễn Thị Triêm (74 tuổi) đều xuất thân trong những gia đình nông dân nghèo khó nơi vùng biển Thạch Hà, Hà Tĩnh. Cảnh bèo nước gặp nhau, hai người nên duyên vợ chồng. Mặc dù đã cùng đi với nhau gần hết một đời người, có với nhau 4 mặt con (cả trai lẫn gái), nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất đối với vợ chồng ông Đào vẫn mang tên cái đói, cái nghèo. 6 con người cùng chui rúc trong một túp lều tranh tạm bợ mà hễ chỉ cần vào đầu mùa bão khi những cơn gió mạnh thổi từ biển vào cũng đủ sức làm chao đảo. Khi cái ăn đã không đủ, 4 người con của vợ chồng ông Đào cũng không bao giờ dám ước mơ một ngày được cắp sách tới trường.

Theo năm tháng, 4 người con đi tứ xứ tìm kế sinh nhai rồi xây dựng gia đình. Duy chỉ có người con trai Nguyễn Hữu Dương (SN 1972) sau một dạo đi làm ăn trong Lâm Đồng rồi đột nhiên phát bệnh. Trở về quê hương trong bộ dạng ngờ nghệch, anh Dương không ý thức được những việc làm của mình. Thương con, vợ chồng ông Đào đã chạy vạy vay mượn khắp nơi đưa anh Dương đi chữa trị nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm. Các bác sĩ kết luận anh bị mắc chứng bệnh tâm thần mức độ nặng. Khi không thể vay mượn thêm ở đâu, vợ chồng ông Đào đành nuốt nước mắt đưa con trai về nhà tự chăm sóc.

Nhưng tai họa vẫn chưa chịu dừng lại khi không lâu sau đó bà Triêm cũng bắt đầu có những triệu chứng của căn bệnh tâm thần phân liệt. Trong trí nhớ của những người dân xóm Liên Quý, hình ảnh hai mẹ con bà Triêm cười hềnh hệch lang thang khắp nơi đã quá đỗi quen thuộc. Đau xót hơn, khi bắt gặp bất cứ thứ gì bà Triêm cũng tha mang về nhà như: Phân trâu, chổi cùn, rẻ rách… Thậm chí có lần, người thân còn phát hiện và ngăn cản kịp thời việc bà Triêm bắt ốc sên về luộc, định ăn cho bớt đói.

Tương lai mờ mịt

Hình ảnh bữa cơm đạm bạc của gia đình ông Đào.

Hình ảnh bữa cơm đạm bạc của gia đình ông Đào.

Nói về hoàn cảnh trên, ông Nguyễn Đình Lựu (Bí thư Chi bộ xóm Liên Quý) thở dài: Gia đình ông Nguyễn Hữu Đào là một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Bản thân ông Đào tuổi đã cao, không còn khả năng lao động, nhưng vẫn phải chăm sóc, nuôi dưỡng vợ và con trai bị tâm thần suốt hơn 20 năm qua. Cách đây vài năm, sau khi đề xuất, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ tiền xây dựng một căn nhà tình thương kiên cố hơn nhằm chống chọi mỗi khi mùa mưa bão về. Riêng trường hợp của bà Triêm và anh Dương đang được hưởng chế độ dành cho người tâm thần (tổng cả 2 người trên 1 triệu đồng/tháng).

Ông Đào cho biết, năm ngoái khi còn chút sức khỏe ông vẫn cố bám trụ làm gần một sào ruộng để kiếm gạo ăn. Nhưng sang năm nay, sức khỏe yếu đi nhiều nên ông không làm nữa. Cuộc sống của 3 con người trong gia đình giờ đây chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp của 2 mẹ con bà Triêm. Những người con khác dù đã lập gia đình, nhưng hoàn cảnh cũng thuộc diện cận nghèo nên việc hỗ trợ, giúp đỡ bố mẹ già là vô cùng hạn chế.

Anh Nguyễn Hữu Dương, người con trai tâm thần hiện sinh sống cùng vợ chồng ông Đào.

Anh Nguyễn Hữu Dương, người con trai tâm thần hiện sinh sống cùng vợ chồng ông Đào.

Nhìn hình ảnh người con trai nằm trên chiếc võng như vô thức ở góc vườn đất cát bám đầy người, cùng người vợ thơ thẩn lọ mọ trong bếp, ông Đào tỏ ra lo lắng: “Không biết rồi đây, chẳng may tôi xấu số đi trước thì mẹ con bà ấy sẽ sống ra sao nữa”.

Ông Võ Quốc Bưởi (SN 1952, hàng xóm nhà ông Đào) tâm sự với PV: “Trường hợp của gia đình ông Đào có thể nói là tận cùng của sự nghèo đói. Là hàng xóm láng giềng, thương xót họ lắm nhưng tôi cũng chỉ thỉnh thoảng giúp họ được dăm chục, một trăm. Có những lúc đồ đạc trong nhà mình có 2 chiếc còn dùng được cũng mang sang cho họ, xem như “lá rách ít đùm lá rách nhiều” vậy thôi. Mong sao thời gian tới, trường hợp của gia đình ông Đào sẽ được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn”.

Theo Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP