Em Nguyễn Thị Liễu giúp mẹ giặt áo quần.
Không dám nghĩ…
Đến Trường tiểu học Sơn Kim II (xã Sơn Kim II), chúng tôi chứng kiến nhiều học sinh đôi chân lấm lem bùn, áo quần cũ sờn, cáu bẩn. Có em mặc quần rách đầu gối, ngồi e thẹn, không chơi đùa với các bạn cùng lớp. Hỏi ra mới biết mưa lũ đã cuốn trôi rất nhiều tài sản của gia đình, trong đó có sách vở, áo quần của các em.
Đến trường với chiếc quần rách đầu gối, mặt mày nhem nhuốc đất, em Nguyễn Thị Liễu (lớp 5A, Trường tiểu học Sơn Kim II) kể, chiếc quần này là quà nhận cứu trợ sau lũ. Vì hay mặc đi học, đi cắt cỏ, chăn trâu nên mau rách. Trận lũ quét vừa qua nhà em bị cuốn trôi, chỉ trơ lại nền đất trắng.
Sau khi nước lũ rút, em chạy về thấy mẹ ngồi ôm mặt khóc vì nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi ra sông, chẳng còn chi. Cuộc sống gia đình em lâm vào “cảnh màn trời chiếu đất”, bữa ăn hằng ngày phải dựa vào bà con lối xóm, người cân gạo, bó rau, con cá…
Vừa đi học về, Liễu đã ra giếng nước giúp mẹ giặt áo quần. Chị Nguyễn Thị Loan, mẹ của Liễu, nhớ lại cơn lũ quét cuốn đi nhà cửa, chỉ còn lại cái nhà tắm mà cả gia đình chị xem đó là “nhà tạm” trú mưa, tránh nắng hơn ba tháng nay. Vợ chồng chị phải chạy ăn từng bữa, con cái thiếu áo mặc, đến trường bằng chân trần. Ruộng vườn thì bị đất đá phủ lấy chưa khôi phục lại được.
Được một số tổ chức, đoàn thể giúp đỡ ít tiền, vợ chồng chị chạy đôn, chạy đáo vay mượn thêm tiền mua đất làm nhà trên nền đất khác cao ráo hơn. “Mấy ngày này vợ chồng xoay vần làm cho xong nhà để tết con cái có chỗ ở. Gạo cứu trợ, cứu đói chỉ ăn cầm cự may đến tết thì hết. Ăn tết như thế nào thì vợ chồng không dám nghĩ đến vì nhà cửa đã làm xong mô…”, chị Loan lo lắng.
Bữa cơm tối của hai bà cháu em Đặng Thị Nguyên Nhi, học sinh 4B, Trường tiểu học Sơn Kim II chỉ có đĩa cà mặn và bát canh lõng bõng. Nhi nói, mấy ngày này hai bà cháu chỉ độc mỗi món ăn này. Sinh ra không có bố, mẹ tha phương cầu thực, Nhi lớn lên và học hành đều do bàn tay bà ngoại lo.
Đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua, sau khi đi lánh nạn về hai bà cháu thấy nhà bị sập, con bò Nhi hay chăn đi ăn cỏ cũng bị lũ cuốn trôi. “Nhà cửa, bò trôi hết, em lội đất bùn tìm sách vở nhưng ướt, rách hết không dùng được. Dép, áo quần em đang mặc đi học là đồ cũ nhận cứu trợ”, Nhi ngồi bên đống sách vở hư hỏng, buồn rầu…
Cô Nguyễn Thị Hồng Minh, Hiệu phó Trường tiểu học Sơn Kim II, cho biết, sĩ số học sinh của trường 265 em nhưng có đến 240 em ảnh hưởng trực tiếp từ cơn lũ quét, trong đó có nhiều em lâm vào cảnh không có nhà ở, tay trắng đến trường.
Giáo viên phải đến các trường không bị ảnh hưởng của lũ xin từng quyển sách cũ về phân phát cho học sinh. Nhiều cô giáo mang dép, áo quần cũ của con mình cho học trò. “Học sinh xã này rất nghèo, sau lũ lại càng khó khăn hơn. Nhiều em học bán trú mang cơm đến trường nhưng chỉ có dưa cà, muối vừng, hiếm khi có được miếng thịt, cá. Tết nay, giáo viên trong trường trích một ít tiền lương mua bánh kẹo, áo quần tặng một số em học sinh khó khăn, học giỏi về ăn Tết”, cô Minh tâm sự.
Học xong, Thuận đánh trâu chở phân ra đồng làm khoai.
Tết nghèo ở “rốn lũ”
Phương Mỹ là “rốn lũ” ở H. Hương Khê. Năm 2013, ở đây có đến 5 cơn lũ lớn nhỏ, hơn tháng trời thầy trò mới đến được trường. Trong gió rét, chúng tôi thấy rất nhiều em học sinh miệt mài trên luống khoai, ngô giúp bố mẹ. Ăn cơm trưa xong, em Nguyễn Duy Thuận (lớp 7, Trường THCS Phương Mỹ) đã đánh xe trâu kéo chở phân ra đồng phụ bố mẹ trồng khoai.
Gia đình Thuận là hộ nghèo nhất xóm Thượng Sơn (Phương Mỹ). Bố Thuận bị đau khớp nặng, mẹ sức yếu kham không được 6 miệng ăn trong nhà. Những ngày cuối năm, Thuận một buổi đi học, một buổi phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Đến tối Thuận lại đỏ đuốc đi soi cua, soi cá cải thiện bữa ăn.
Dù vất vả nhưng Thuận vẫn là một học sinh khá, ngoan… Tết gần đến rồi mà trong nhà trống trơn, chưa mua sắm được gì. “Ở đây mưa lũ triền miên, năm nào nhà cũng thiếu ăn đến ra giêng hai. Tết nay không biết xoay xở ra sao cho các con có tấm áo, miếng bánh”- bố Thuận ngậm ngùi nói về gia cảnh.
Ông Hoàng Xuân Tần, Phó Chủ tịch xã Phương Mỹ, cho biết năm nào Phương Mỹ cũng có mưa lũ, đồng ruộng ngập nước trắng xóa kéo dài hàng tháng trời không trồng được cây gì nên người dân ở đây rất nghèo.
Tết nay nhiều nhà thiếu ăn, thiếu mặc, chỉ sống dựa vào hàng cứu trợ. Học sinh đến trường thiếu áo, thiếu sách vở. Để có chiếc áo mới mặc tết, bánh kẹo ăn là điều rất xa xỉ đối với nhiều học sinh ở đây. “Năm nay chúng tôi đã kêu gọi con em đi làm ăn xa quyên góp được một ít tiền để lo tết cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, ông Tần chia sẻ.
V.Tuân