Thực hiện” tuần tra liên hợp”
Thời báo Hoàn Cầu ngày 28/2 đưa tin, lúc 16 giờ ngày 26/2 vừa qua, tàu Hải tuần 31 Trung Quốc chở theo trực thăng đã rời khỏi cảng Chu Hải tiến về phía Nam thực hiện cái gọi là “tuần tra liên hợp” trên Biển Đông.
Lần này, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam Trung Quốc quyết định phái 3 tàu Hải tuần 31, 21 và 166 thành 1 biên đội kéo xuống Biển Đông và tiến về khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) để tuần tra trái phép nhằm khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hoạt động chính của 3 tàu Hải tuần Trung Quốc, theo Thời báo Hoàn Cầu là hướng dẫn tàu thuyền nước này “hoạt động trật tự”, kiểm tra tình hình các thiết bị định vị hàng hải trên Biển Đông, khảo sát tính khả thi của việc lắp đặt các thiết bị dẫn đường hàng hải trên Biển Đông, kiểm tra tính chính xác của hải đồ.
Tờ báo cho rằng, lần xuất quân của 3 tàu Hải tuần Trung Quốc là một hoạt động quan trọng nhằm bảo vệ cái gọi là quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở Biển Đông, những vùng biển mà nó đi qua có độ nhạy cảm cao, được công luận quan tâm để ý, có sức ảnh hưởng lớn.
Ngang nhiên phát hành “bản đồ mới về Biển Đông”
Trước đó, đầu tháng 1/2013, Trung Quốc đã lần đầu tiên phát hành bản đồ ghi rõ các đảo ở Biển Đông hòng chiếm giữ chủ quyền toàn bộ vùng biển này.
Tân Hoa xã dẫn nguồn Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) hôm 11/1/2013 đã thông báo lần đầu tiên nước này đã đánh dấu thể hiện rõ các đảo ở Biển Đông trên các bản đồ chính thức của nước này với tỷ lệ xích tương đương với Trung Quốc Đại lục.
Bản đồ trái phép của Trung Quốc về Biển Đông.
Theo Xu Gencai, bản đồ mới mô tả rõ ràng các đảo lớn trên Biển Đông, biểu thị mối quan hệ địa lý của các đảo này với các đảo, quần đảo phụ cận và những quốc gia xung quanh.
Ngoài ra, ở hai góc dưới cùng bên trái và phải của bản đồ lần lượt cho in hình các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
“Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam – PV) được mô tả ở góc dưới cùng bên phải với tỷ lệ bằng một nửa so với tỷ lệ xích của bản đồ mô tả Đại lục”, Zhou Beiyan, người biên tập nội dung các bản đồ này nói.
Trong khi đó, ở góc đối diện phía bên trái, bản đồ cũng mô tả hình ảnh thu nhỏ của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, thể hiện vị trí tương quan của quần đảo này với các đảo khác của Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc). Đảo Điếu Ngư hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.
Tuyên bố ngang ngược
Đầu tháng 2/2013, Tờ Oil Price – một đối tác xuất bản của tập đoàn truyền thông CNBC (Mỹ) đưa tin, Trung Quốc đã xác định rằng dầu khí ở Biển Đông là “tài sản quốc gia” của nước này. Tuy Oil Price không nêu rõ cơ quan nào của Trung Quốc đưa ra tuyên bố này và vào thời gian nào nhưng tác giả bài báo là học giả thuộc Viện Trung Á – Caucasus (trường ĐH Johns Hopkins) nhấn mạnh các hoạt động ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông để đòi cái gọi là “chủ quyền” đối với khu vực rộng lớn được bao bọc bởi đường “lưỡi bò” phi pháp.
Trong khi báo chí Phương Tây gần đây tập trung vào vụ thử hạt nhân ở Triều Tiên hay căng thẳng quan hệ Trung-Nhật trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc lại tiếp tục đẩy nóng vấn đề ở Biển Đông thêm một bậc nữa khi tuyên bố tài nguyên dầu khí ở Biển Đông là “tài sản quốc gia” của nước này.
Trong bình luận của mình, CNBC (Mỹ) cho rằng hiện nay, Trung Quốc đang ra sức gây rối và tạo ra các tranh chấp tại khu vực quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển để từng bước hợp thức hóa các tuyên bố chủ quyền của mình và tiến tới độc chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ ở đó.
Bích Bích (tổng hợp)
Dân Việt