Kinh tế

Tài sản ông Phạm Nhật Vượng vẫn "cực khủng" khi chứng khoán giảm sâu

Mặc dù cổ phiếu Vingroup bị bán mạnh và giảm sàn, gây áp lực lên VN-Index, ảnh hưởng đến giá trị tài sản ông Phạm Nhật Vượng, song người giàu nhất Việt Nam vẫn đang có hơn 137.000 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 24/3, thị trường chứng khoán đóng cửa với trạng thái trái chiều của các chỉ số chính.

VN-Index đóng cửa với mức giảm 7,38 điểm tương ứng 1,11% còn 659,21 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,49 điểm tương ứng 0,5% lên 96,95 điểm và UPCoM-Index tăng 0,95 điểm tương ứng 1,99% lên 48,51 điểm.

Thanh khoản đạt 245,14 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 4.152,96 tỷ đồng và 51,41 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 406,91 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 10,99 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 128,52 tỷ đồng.

Tương quan thị trường đã trở nên cân bằng với số lượng mã tăng - giảm xấp xỉ nhau. Cụ thể, có 339 mã giảm giá, 78 mã giảm sàn so với 350 mã tăng giá và 62 mã tăng trần.

Ghi nhận của Forbes về tài sản của các tỷ phú hàng đầu Việt Nam

Trong phiên này, tình trạng bán mạnh tại nhóm cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục gây sức ép lên chỉ số chính. VIC giảm sàn còn 71.500 đồng; VHM giảm sàn còn 55.300 đồng và VRE giảm sàn còn 17.700 đồng/cổ phiếu. Ảnh hưởng của bộ ba “ông lớn” này lên thị trường là kéo sụt của VN-Index tới 9,88 điểm.

Dù vậy, VIC vẫn là mã có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường với giá trị vốn hoá đạt 241.843,8 tỷ đồng. VCB vươn lên vị trí thứ hai với giá trị vốn hoá đạt 215.114,9 tỷ đồng thay cho VHM với giá trị vốn hoá đạt 181.910,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, MWG, SAB, POW, STB, CTG vẫn đang giảm. Chiều ngược lại, một số cổ phiếu đang phục hồi khá tốt. BHN tăng giá 3.050 đồng lên 52.900 đồng; VNM tăng 2.400 đồng lên 86.100 đồng/cổ phiếu; GAS tăng 2.300 đồng lên 56.200 đồng/cổ phiếu; BID tăng 800 đồng lên 31.600 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, GTN tăng trần lên 13.900 đồng, không có dự bán và có dư mua giá trần trên 51 nghìn đơn vị.

Diễn biến bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục là điểm tiêu cực của thị trường trong phiên. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại bán ròng hơn 37 triệu cổ phiếu, giá tị bán ròng 707,5 tỷ đồng.

Trong đó khối nhà đầu tư này thực hiện bán ròng phiên thứ 31 liên tiếp trên HSX, giá trị bán ròng ở mức 662 tỷ đồng với khối lượng bán ròng 33 triệu đơn vị. Những mã bị bán ròng mạnh nhất là MSN (2,32 triệu cổ phiếu tương ứng hơn 113 tỷ đồng); HPG (gần 6 triệu cổ phiếu tương ứng gần 102 tỷ đồng) và VRE (hơn 4,6 triệu cổ phiếu tương ứng gần 82 tỷ đồng).

Một số mã được giới đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên là VCB, CTG, PHR, FPT, APG, HPX, TCB… tuy nhiên, khối lượng cũng như giá trị mua ròng tại những mã này còn khiêm tốn, dè dặt.

VIC vẫn đang là mã có vốn hoá lớn nhất TTCK Việt Nam

Diễn biến của cổ phiếu đã ảnh hưởng đáng kể đến giá trị tài sản của những tỷ phú hàng đầu. Thống kê của Forbes tính đến thời điểm chốt phiên giao dịch hôm qua, ông Phạm Nhật Vượng đang có 4,8 tỷ USD tài sản, xếp thứ 354 thế giới; bà Nguyễn Phương Thảo có 2 tỷ USD, xếp thứ 1081 thế giới và ông Hồ Hùng Anh cùng ông Nguyễn Đăng Quang đã rời danh sách tỷ phú USD. Giá trị tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình vẫn đang định giá tại 1,4 tỷ USD, xếp thứ 1443 thế giới.

Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị cổ phiếu mà các lãnh đạo doanh nghiệp này nắm giữ thì ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu (trực tiếp và gián tiếp) hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VIC trị giá 137.054 tỷ đồng (theo thị giá VIC) còn giá trị tài sản cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo (tại HDB và VJC) là 20.197 tỷ đồng. Tài sản của ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang lần lượt còn 12.775 tỷ đồng và 12.536 tỷ đồng.

Theo nhận xét của Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index hiện đang được hỗ trợ mạnh từ vùng 600-650 điểm, chỉ số có thể sẽ có thêm một vài lần kiểm định vùng hỗ trợ này nhưng đà giảm đang có dấu hiệu chững lại.

Điểm hỗ trợ là việc nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường đã duy trì trạng thái quá bán khá lâu nên có thể kỳ vọng thị trường sớm có cơ hội hồi phục kỹ thuật ngắn hạn. Dù vậy, điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động tiêu cực của thị trường thế giới.

Nhà đầu tư được khuyến nghị nên duy trì trọng danh mục ở mức thấp 10-15% cổ phiếu chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn.

Nhà đầu tư cầm tiền mặt đứng ngoài thị trường, hoặc có thể xem xét tham gia giải ngân mang tính dò đáy với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ BVSC đề cập ở trên, nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư có mức độ chịu đựng rủi ro cao.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP